Dự phòng tai biến sau chủng ngừa

23/03/2008 16:53 GMT+7

Không có vắc-xin nào an toàn 100%, vì vậy cả nhân viên y tế và cộng đồng đều cần có kiến thức dự phòng, giảm thấp nhất các tai biến nguy hiểm sau tiêm phòng.

Cảnh giác với bệnh tiềm ẩn

Tại hộåi thảo về "An toàn tiêm chủng vắc-xin" tổ chức ngày 20.3 ở Hà Nội, PGS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: Trong năm 2007, đã có 7 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin. Sang năm 2008, trong 3 tháng đầu năm có 6 trường hợp. Bộ Y tế đã thành lập hội đồng khoa học điều tra nguyên nhân tử vong, trong đó, một số trường hợp đã có sự tham gia của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.

Sốc phản vệ là mộåt trong những phản ứng nguy hiểm, có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn sau tiêm vắc-xin. Giai đoạn sớm có biểu hiện: ngứa, phát ban, sưng quanh chỗ tiêm, chóng mặt, sốt, mặt đỏ, xung huyết mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, có thể sưng nhưng không đau ở một vài chỗ của cơ thể, giọng nói khàn, buồn nôn, nôn mửa, phù nề thanh quản, khó thở, quặn bụng. Những triệu chứng muộn, đe dọa tính mạng: thở khò khè, khó thở, trụy tim mạch, hạ huyết áp, mạch đập yếu, không đều...

Phản ứng với vắc-xin kèm theo bệnh tiềm ẩn là một trong những nguyên nhân gây tử vong. Chẳng hạn, trường hợp của bé trai sinh ngày 16.1.2007 (ở tỉnh Hà Tây), ngày 25.5.2007 bé được tiêm DPT (ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà) mũi 3, viêm gan B mũi 3 và uống phòng bại liệt lần 3. Nửa ngày sau tiêm, các phản ứng xuất hiện: cháu sốt li bì, sùi bọt hồng ở mũi, da tái nhợt và tử vong trước khi được đưa đến trạm y tế. Kết quả khám nghiệm tử thi kết luận "nguyên nhân tử vong do phản ứng quá mẫn chậm sau tiêm vắc-xin ở trẻ có bệnh viêm phế quản giai đoạn hồi phục".

Trường hợp khác là bé trai 2 tháng tuổi (sinh ngày 3.12.2007, ngụ Đông Anh, Hà Nội). Cháu tiêm vắc-xin DPT mũi 1, uống OPV (ngừa bại liệt) lần 2 tại trạm y tế xã ngày 5.2.2008, và đã tử vong ngày hôm sau (6.2). Nguyên nhân được hội đồng kết luận là "suy hô hấp cấp do phế quản phế viêm thể chảy máu, không liên quan đến tiêm chủng". PGS Nguyễn Trần Hiển cho rằng: "Không phải ca tử vong nào sau tiêm vắc-xin cũng có thể kết luận được nguyên nhân. Như trường hợp tử vong của bé trai 2 tháng 10 ngày tuổi ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Ngày 2.3, cháu được tiêm vắc-xin viêm gan B và DPT mũi 1, uống OPV lần 1 tại trạm y tế xã, và tử vong ngay trong ngày. Đây là trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân trên trẻ đẻ non đã có suy hô hấp"...

Dự phòng phản ứng nặng sau tiêm

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, có một số phản ứng hiếm gặp của vắc-xin đã được thống kê, cụ thể: vắc-xin BCG có thể gây viêm hạch có mủ với tỷ lệ 100-1.000 trường hợp/1 triệu liều tiêm, xảy ra 2-6 tháng sau tiêm; gây viêm xương với tỷ lệ 0,01-300 trường hợp/1 triệu liều, xuất hiện 1-12 tháng sau tiêm; gây nhiễm khuẩn lan tỏa (thời gian xuất hiện từ 1-12 tháng sau tiêm, tỷ lệ phản ứng 0,19-1,56/1 triệu liều). Với vắc-xin viêm gan B có thể xảy ra sốc phản vệ trong vòng 0-1 giờ sau tiêm, tỷ lệ này khoảng 1-2 trường hợp/1 triệu liều. Với vắc-xin DPT thì có thể xảy ra các phản ứng: trẻ khóc thét dai dẳng (trên 3 giờ) trong vòng 0-24 giờ đầu sau tiêm, sốt cao co giật, giảm trương lực cơ, giảm phản xạ, sốc phản vệ...

Các chuyên gia cho rằng, các bậc phụ huynh cũng cần có thông tin cơ bản về những hiệån tượng bất thường, nguy hiểm sau tiêm chủng để biết đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Đặc biệt, về phía các bác sĩ, cần khám sàng lọc và hỏi kỹ tiền sử bệnh của trẻ và tư vấn cho các bà mẹ, người nhà trẻ theo dõi trẻ sau tiêm; cần cho nhân viên y tế biết về tình trạng sức khỏe của trẻ trước và tại thời điểm tiêm, đặc biệt là trẻ có cơ địa dị ứng hoặc cha mẹ có cơ địa dị ứng.

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.