Bộ Giáo dục - Đào tạo: Học sinh bỏ học không có gì bất thường!

12/03/2008 23:59 GMT+7

Hôm qua 12.3, buổi họp báo định kỳ do Bộ GD-ĐT tổ chức đã đưa ra những thông tin khá bất ngờ xung quanh việc học sinh bỏ học.

Tỷ lệ bỏ học thấp hơn mọi năm

Theo báo cáo của Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT thì hết học kỳ I vừa qua chỉ có 12.966 học sinh (HS) bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,19%. Tỷ lệ này so với các năm học trước đây là rất thấp. Thống kê số lượng HS bỏ học trong 5 năm qua cho thấy tỷ lệ thấp nhất là 2,25%, cao nhất lên tới 3,33%. Từ đó Bộ GD-ĐT đã đưa ra kết luận: tỷ lệ HS bỏ học cuối học kỳ I, năm học 2007-2008 không có gì bất thường.

Đối với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, các con số thống kê mà Bộ công bố cũng khiến cho báo giới ngạc nhiên. Ông Nguyễn Hữu Châu - Vụ phó Vụ THPT cho biết: học kỳ I năm nay, tỷ lệ bỏ học toàn quốc, ở cả hai cấp học là 1,2%, thấp hơn so với các năm trước và có xu hướng giảm. 5 năm trước, tỷ lệ HS bỏ học mỗi năm đều lên tới nửa triệu HS, chiếm tỷ lệ từ 6% trở lên. Do đó, tỷ lệ HS bỏ học ở cấp học này cũng được đánh giá là không bất thường so với các năm trước, và không có gì đột biến.

Những nguyên nhân HS tiểu học bỏ học được đưa ra là do học lực yếu kém; nhà trường chưa thực sự hấp dẫn với HS; hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế... Đặc biệt có một nguyên nhân mà Bộ thừa nhận là do nội dung chương trình, sách giáo khoa còn có chỗ chưa thật phù hợp và hấp dẫn với HS dân tộc thiểu số.

Đặc biệt đối với bậc trung học, những lý do mà Bộ GD-ĐT đưa ra hầu hết là những nguyên nhân khách quan như: điều kiện kinh tế khó khăn của địa phương và gia đình; một số HS phải lao động nặng nhọc giúp gia đình, không có thời gian học; trường học ở một số vùng còn quá nhiều khó khăn... Tuy nhiên, một lý do khác mà lâu nay dư luận vẫn lên tiếng là do cuộc vận động "hai không" của Bộ đã siết chặt chất lượng khiến HS bỏ học thì đã không được Bộ đề cập.

Lý giải có thỏa đáng?

Cuộc họp báo đã diễn ra khá sôi nổi ngay sau khi những thông tin đó được đưa ra. Một phóng viên đã chất vấn: "Suốt 5 năm qua tình trạng HS bỏ học triền miên, có phải do Bộ đã không quan tâm đúng mức hay không?". Ông Nguyễn Hữu Châu cho rằng: "Nhận định đó là hồ đồ vì việc này đã được phân cấp cho các địa phương".

Một phóng viên khác đã nêu bức xúc về những nguyên nhân HS bỏ học mà Bộ đưa ra chỉ là lý do khách quan mà chưa tập trung nhấn mạnh những lý do chủ quan từ phía ngành để tìm biện pháp khắc phục. Phóng viên này đề nghị Bộ cho biết những giải pháp ưu tiên để giải quyết tình trạng trên. Tuy nhiên câu hỏi này đã không được ai giải đáp.

Kết thúc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã "trấn an" các nhà báo: "Tình trạng HS bỏ học vẫn thường xảy ra. Không thể nào muốn 100% HS trong độ tuổi đến trường". Tuy nhiên ông Hiển khẳng định: tinh thần của Bộ là cố gắng để trẻ em không bỏ học. Những giải pháp đưa ra không nên tách rời với các vấn đề khác của ngành như: phải tăng cường cơ sở vật chất; đời sống giáo viên và đặc biệt là phải đánh giá chương trình, sách giáo khoa xem đã phù hợp với HS hay chưa.

Cũng theo thông tin từ buổi họp báo, trong năm nay, Bộ sẽ triển khai kế hoạch đánh giá lại chương trình, sách giáo khoa với sự tham gia của các nhà khoa học.

V.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.