Nga - Trung bất đồng trong mua bán vũ khí

07/03/2008 23:07 GMT+7

Tốc độ hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc đang có nguy cơ bị chững lại khi nhà cung cấp Nga không muốn chuyển giao công nghệ vũ khí mới.

Thời kỳ trăng mật

Trong gần hai thập niên qua, Nga - Trung gần như là một cặp hoàn hảo trong vai trò người bán - kẻ mua vũ khí. Bị phương Tây cấm vận vũ khí sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc hầu như dựa hoàn toàn vào Nga để thực hiện tham vọng hiện đại hóa quốc phòng nhanh chóng. Và trong khi nền kinh tế Nga "tơi tả" sau khi Liên Xô tan rã, các đơn đặt hàng khổng lồ được gửi tới tấp từ Bắc Kinh đã giúp ngành công nghiệp quốc phòng một thời hùng mạnh của nước này tiếp tục được duy trì. Mặc dù cả hai nước đều không công khai giá trị các chuyến hàng, nhưng dựa vào một số thỏa thuận được tuyên bố và thông cáo báo chí, các nhà phân tích Nga ước đoán Moscow đã chuyển số vũ khí trị giá 26 tỉ USD từ năm 1992 đến 2006 cho Bắc Kinh, theo Báo International Herald Tribune. Ước tính tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn trên là hơn 58 tỉ USD. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, chuyến hàng được xem là nặng ký nhất trong giai đoạn này là 4 chiếc khu trục hạm hạng Sovremenny được trang bị tên lửa siêu thanh đối hạm, 12 tàu ngầm hạng Kilo cùng khoảng 285 máy bay chiến đấu Sukhoi.

Bất đồng nhen nhóm

Sau giai đoạn "mật ngọt" trên, giờ đây căng thẳng đã có dấu hiệu xuất hiện. Sau khi các đơn đặt hàng đạt mức đỉnh điểm với giá trị hơn 2 tỉ USD/năm vào những năm đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc hầu như không mua thêm vũ khí của Nga vào năm 2006. "Chúng ta đang trong giai đoạn tạm ngừng chiến lược", Báo International Herald Tribune dẫn lời ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ tại Moscow. Theo ông, người Nga và Trung Quốc giống như cặp tình nhân lâu năm đang suy nghĩ "Liệu chúng ta có nên tiếp tục chung chăn gối không nhỉ?". Lý do là Trung Quốc bắt đầu muốn được chuyển giao công nghệ quân sự nhiều hơn. Năm ngoái, Trung Quốc đã hoãn mua một số gói vũ khí lớn vì bất đồng giá cả, trong đó có đơn đặt hàng 34 phi cơ vận tải và 4 máy bay tiếp nhiên liệu IL-78 với tổng giá trị 1,05 tỉ USD, theo báo chí Nga. Các cuộc đàm phán thường kỳ và cấp cao giữa hai chính phủ về mua bán vũ khí cũng bị hoãn lại.

Việc ngừng mua vũ khí Nga có thể gây hại đến mục tiêu hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Điều này cũng gia tăng áp lực buộc ngành công nghiệp quốc phòng nước này phải tìm cách đổi mới. Một số chuyên gia quân sự phương Tây và Nga cho rằng, dù đã rất nỗ lực trong vài thập niên qua, nhưng giới sản xuất vũ khí Trung Quốc vẫn chật vật trong việc nắm bắt các kỹ năng cần thiết để chế tạo vũ khí phức tạp. Trong lúc đó, với nền kinh tế đang khởi sắc, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm trên 8%, Nga không còn bị phụ thuộc vào doanh thu bán vũ khí cho Trung Quốc. Thay vào đó, Moscow đang tập trung xử lý mối quan hệ đầy phức tạp với người láng giềng đầy tham vọng. "Người Nga cảm thấy rất lo ngại, trong giai đoạn trung đến dài hạn, rằng sẽ có lúc một lần nữa hai bên xung đột vì quyền lợi", nhà phân tích các mối quan hệ chiến lược tại Đại học Công nghệ Curtin (Úc), ông Alexey Muraviev, nhận xét. Theo ông, chẳng biết đến khi nào Trung Quốc sẽ sử dụng những vũ khí đó chống lại Nga.

Tìm đối tác mới

Trong khi ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang cố gắng tự đứng trên đôi chân mình, Nga đã tìm thấy những khách hàng tiềm năng mới bên cạnh những đối tác thân thiết và ít rủi ro hơn như Ấn Độ. Moscow đã ký kết nhiều đơn đặt hàng đầy lợi nhuận với các khách hàng mới như Algeria và Venezuela trong những năm gần đây. Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Sergei Chemzov, một quan chức Nga chịu trách nhiệm về mua bán vũ khí, cho biết nước này đã xuất khẩu tổng cộng 7 tỉ USD giá trị vũ khí trong năm 2007. Ước tính doanh thu sẽ tăng lên 7,5 tỉ USD trong năm nay. Nga đã chuyển một số công nghệ và vũ khí sang Ấn Độ sau khi từ chối cung cấp cho Bắc Kinh, một động thái khiến "bạn tình" Trung Quốc thêm thất vọng. Moscow và New Delhi đã thỏa thuận bắt đầu việc phát triển chung loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, theo Điện Kremlin tuyên bố hồi tháng 10.2007. Giới phân tích quân sự đánh giá đây là đối thủ tiềm năng của chiếc F-22 Raptor tiên tiến của Mỹ. Năm ngoái, Ấn Độ cũng đồng ý mua thêm 40 chiếc Su-30MKI trị giá 1,5 tỉ USD, bổ sung vào hợp đồng mua 140 chiếc trước đó. Moscow cũng chào hàng loại máy bay chiến đấu đời mới nhất MiG-35 của mình cho Ấn Độ. Trong công nghệ tàu ngầm hạt nhân, Nga cũng tỏ ra rộng rãi với Ấn Độ hơn so với Trung Quốc.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.