Hài kịch thủ đô, cười chưa "đã"!

04/03/2008 22:55 GMT+7

Theo dõi hài kịch thủ đô thời gian gần đây, ai nấy đều có chung nhận xét: so với trước kia, tiếng cười trên sân khấu kịch Hà Nội đã khác nhiều...

Cách đây chừng 2 - 3 năm, Đời cười 5 - Bến Ô sin ra mắt và tạo nên một cơn sốt vé. Theo phân tích của giới chuyên môn lúc đó, Bến Ô sin "sốt" không chỉ vì chủ đề nóng, vì thương hiệu, mà còn vì lạ. Khác với những Đời cười trước - là một chùm tiểu phẩm hài, mỗi tiểu phẩm mang một đề tài riêng, khía vào một góc cạnh của cuộc sống - Đời cười 5 giống như một vở hài kịch hoàn chỉnh có chủ đề nhất quán. Mỗi tiểu phẩm đóng vai trò như một lớp lang, và các lớp lang gắn kết với nhau thành một câu chuyện lớn. Tác giả của câu chuyện lớn ấy không ai khác ngoài đạo diễn Lê Hùng, người được mệnh danh là phù thủy của sân khấu phía Bắc. Sân khấu chuyển rầm rập, hầu như không có lấy một khoảng trống, một phút tĩnh. Giữa hai cảnh là màn gõ trống, khua chiêng và hát đồng dao. Diễn viên thoại chan chát, không hiếm pha xỉa xói quá khích. Lấy ý tưởng từ truyện ngắn của Hồ Anh Thái, Bến Ô sin làm khán giả cười nghiêng ngả dù có hơi... ù tai.

Trong khi giới chuyên môn mải thảo luận, Nhà hát Tuổi Trẻ tự tin tung ra tiếp Đời cười 6 - Cờ bạc lô đề,  Đời cười 7 - Quốc nạn giao thông và hàng loạt chùm hài kịch khác cũng theo hướng ấy. Điều thú vị là sau sự kiện Bến Ô sin, nhiều đơn vị khác của sân khấu kịch thủ đô cũng chủ động lao vào cuộc chơi mới. Bất ngờ nhất phải kể đến lời tuyên bố của Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam (đơn vị xưa nay vốn chỉ mặn mà với kịch chính thống): "Tới đây, hài kịch của chúng tôi sẽ nhẹ nhàng, bớt triết lý". Không quá băn khoăn về "tiếng cười trí tuệ", không quá trăn trở về "cái đằng sau tiếng cười", hài kịch thủ đô đã thực sự chuyển hướng.

Cười chưa "đã"

Không có gì lạ khi Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục là con ách chủ bài trong hướng đi mới của hài kịch phía Bắc. Bởi các đơn vị khác mỗi năm chỉ bập bõm dựng một, hai vở, số ngày tắt đèn có khi còn nhiều hơn đỏ đèn. Vậy nên, Đời cười 6, Đời cười 7 tiếp tục là sự kiện được chờ đợi nhất trong năm của làng hài thủ đô.

Nhưng tiếc là, những Đời cười sau chưa nối tiếp trọn vẹn được cái duyên của Bến Ô sin, dù khán giả vẫn cười thỏa thuê và sân khấu luôn kín chỗ. Bến Ô sin đúng là ăn khách ở nét mới lạ, không khí sôi động. Nhưng cái làm cho người ta nhớ mãi không phải là dàn đồng ca bật volume hết cỡ của các cô ô sin lắm mưu nhiều mẹo mà là cô bé giúp việc Tí Tứ Tứ trong sáng như giọt sương mai, đã khiến cậu chủ ngô nghê lần đầu tiên trong đời biết "khóc thành nước mắt"; là bà ô sin già tận tụy, gắn bó cả đời với nhà chủ, rồi được nhà chủ yêu thương, kính trọng như người thân. Những "bè trầm" ấy hơi khó kiếm ở những chương trình hài kịch sau này, thậm chí  trong Đời cười 7 - Quốc nạn giao thông vừa ra mắt. Bốn tiểu phẩm xoay quanh những tình huống bi hài trong giao thông: ông già hơn tám mươi vẫn khoái lạng lách, thằng cháu hễ ra đường là thành "anh hùng xa lộ", xe container phóng nhanh vượt ẩu, rồi đủ thứ nguyên nhân khiến người ta phải mất mạng vì tai nạn giao thông. Các nhân vật có chung một điểm là dễ "mất kiểm soát". Y tá chửi bệnh nhân. Bác sĩ chỉ giỏi "chặt chém" và mắng cho... sướng mồm. Ngày ăn hỏi suýt biến thành tang tóc chỉ vì chú rể say rượu, bị đụng xe. Diễn viên cũng diễn xuất trong trạng thái mất kiểm soát hầu như chỉ có... hét và hét: vui  hét, buồn hét, khóc cũng hét.

Ngồi xem, bỗng nhớ về một "bà già" Lê Khanh dí dỏm, duyên chết người trong Đời cười năm nào, một Ngọc Huyền mộc mạc trong trẻo, một Đức Khuê "nói nhiều mà không phải nói nhiều", một Chí Trung tưng tửng diễn mà như không diễn. Vẫn biết hài kịch là vui, là sôi nổi, là cường điệu. Và có như thế mới cười được. Nhưng với những ai còn chút gì nấn ná với kịch Bắc thì cười thế vẫn chưa "đã"!

Sông Thao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.