Bi kịch làng chài

26/02/2008 00:26 GMT+7

Đám tang của một cô gái trẻ là bệnh nhân HIV/AIDS diễn ra trong lặng lẽ. Đằng sau cái chết của cô là số phận bi đát của những đứa con thơ dại...

Dư luận xôn xao khi căn bệnh HIV/AIDS có dấu hiệu ngày càng lan rộng ở các làng chài huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Trong số hàng ngàn ngư dân sau những chuyến đi biển dài ngày, có không ít người trở về nhà và không may mang trong mình "căn bệnh thế kỷ". Có những người vợ bị lây nhiễm mà cũng không hề hay biết, mãi đến khi những đứa con chào đời. Nỗi oan nghiệt ấy đã khiến cho bi kịch của nhiều gia đình cứ tiếp diễn.

Trước khi N.T mất, chồng và đứa con lớn của cô cũng đã chết vì HIV/AIDS, đứa nhỏ mới chào đời 14 tháng, tên là N.C.T vẫn chưa đủ tuổi xét nghiệm nhưng thân hình đã phát mụn, lở loét. Chị dâu của N.T là Trần Thị Loan nghẹn ngào nói với chúng tôi: "Lúc nó (chị N.T) còn sống, bà con còn nêu ra ý kiến đưa nó đi nơi khác sinh sống, người ta sẽ cho tiền để đi vì sợ lây, lúc chết rồi cũng chẳng mấy ai đến thắp nén nhang chia buồn". Hôm đưa tiễn N.T về nơi an nghỉ cuối cùng chỉ có anh cán bộ chuyên trách HIV/AIDS của huyện. Anh này phải kiêm luôn khâu khâm liệm. Trước khi chết, dẫu biết không nên cho con mình bú sữa mẹ nhưng N.T đã không thể làm thế, bệnh tật, nghèo khó, cô không có khả năng mua sữa cho con. Nhìn đôi mắt trong veo của bé N.C.T, ai cũng thấy lòng mình trào lên niềm thương cảm. Bé N.C.T dù chưa xác định được đã bị nhiễm HIV hay chưa, nhưng bà con thôn xóm đã không ai dám đến gần bé. Hoàn cảnh của người chị dâu N.T cũng không khá giả gì, lại phải nuôi hai đứa con nhỏ của mình. Trong khi đó, những lá đơn với ý nguyện gửi bé N.C.T vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vẫn rơi vào im lặng, bởi trung tâm chưa có nơi riêng biệt để chăm sóc những cháu bé nhiễm HIV/AIDS.

Chị Q., 32 tuổi, cũng nhiễm HIV/AIDS qua người chồng là một ngư dân. Đứa con chị, bé P.N, giờ đã 5 tuổi, nhưng đằng sau khuôn mặt sáng sủa ấy, là mầm mống của căn bệnh nan y mà bé bị lây truyền từ người mẹ. Khi chúng tôi hỏi chuyện, bé P.N hồn nhiên nói: "Cháu chỉ muốn có bạn để chơi thôi, ở đây không ai chơi với cháu cả, có bạn còn bảo cháu sắp chết nên sợ không dám đến gần". Niềm mong ước nhỏ nhoi đó, tuy rất đỗi bình thường nhưng bé P.N lại không dễ dàng gì có được. Tuổi thơ của bé day dứt trong nỗi cô quạnh, trống vắng. Hiện tại, bé P.N cũng không còn được học tại trường mẫu giáo của thôn mà phải sang một xã khác học ghép bởi điều tiếng. Những gia đình trong thôn kịch liệt phản đối chuyện P.N "được phép" học chung với con cái của họ.

Bản thân chị Q. lâu nay mưu sinh nhờ nghề bán quán ăn quy mô rất khiêm tốn ở thị trấn Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Từ sáng sớm mỗi ngày, chị đã phải thức dậy rời nhà ra quốc lộ đón xe đò. Đi cùng chị đến điểm bán hàng mới cảm nhận hết những đớn đau mà chị chịu đựng dưới con mắt của người đời về bệnh AIDS. Quán của chị Q. nằm trong một góc phố nhỏ đơn độc. Những hàng quán xung quanh đã chuyển đi nơi khác "vì sợ con vi-rút", như lời chị nói. Cầm những đồng tiền lẻ nhàu nát trong ngày kiếm được, chị thở dài: "Vậy là hôm nay chị vẫn chưa mua được cho con cái áo mới để đi học, mấy cái áo cũ của nó đã rách hết rồi...". Chúng tôi cảm nhận trên khuôn mặt bất hạnh của chị hiện hữu ánh nhìn bi quan, mất niềm tin về cuộc sống. Không bi quan sao được, bởi trước đây, dù không khá giả nhưng nghề bán hàng cũng giúp chị chăm lo thêm cho cha mẹ già và nuôi con nhỏ. Bây giờ   ngay cả tấm áo mặc của con, chị cố chắt chiu mà vẫn chưa đủ tiền để mua.

Một cán bộ chuyên trách HIV/AIDS của huyện Hoài Nhơn cho biết hầu hết những người nhiễm AIDS được phát hiện gần đây là phụ nữ và đang có con nhỏ. Nguyên nhân đều nhiễm từ người chồng là ngư dân, và con số ngày càng nhiều lên đến mức báo động! Bên cạnh đó, còn một số người cũng bị nhiễm HIV/AIDS mà không có trong danh sách, có người còn không thể tiếp xúc được vì họ sợ sự kỳ thị, mặc cảm trước bản thân, cộng đồng. Chị N.T.T.H, một bà mẹ bị HIV/AIDS cay đắng nói với chúng tôi: "Không nghề nghiệp, lại nghèo, phải nuôi con nhỏ trong khi bản thân thì bị bệnh. Ở quê tôi, ước mong có một công việc ổn định, không có sự kỳ thị vẫn còn là điều quá xa xôi"...

Hòa My

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.