Thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng gì đến cơn sốt giá nhà đất?

20/02/2008 00:04 GMT+7

Nước Mỹ có nền kinh tế khổng lồ chiếm tới 28% GDP của thế giới, nhưng chỉ với việc cho vay thế chấp nhà cửa dưới chuẩn đã làm cho nước này đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế. Tình hình này đã tác động mạnh đến nền kinh tế - tài chính toàn cầu.

Ngân hàng Trung ương các nước phát triển đã phải bỏ ra mấy trăm tỉ USD để cứu nguy; Cục Dự trữ liên bang Mỹ, chỉ trong mấy tháng đã 4 lần liên tiếp hạ lãi suất từ 5,25%/năm xuống còn 3% và nhiều dự đoán vẫn còn phải cắt giảm; Chính phủ Mỹ phải bỏ công quỹ 150 tỉ USD để hoàn thuế cho các gia đình và các doanh nghiệp,... Nhưng nước Mỹ vẫn đứng trước cả hai nguy cơ: vừa suy thoái, vừa lạm phát.

Ở Việt Nam, đúng như chúng tôi dự báo, bắt đầu từ cuối quý I/2007 giá nhà đất đã nóng lên, bắt đầu với một số khu vực ở thành phố Hồ Chí Minh (nơi trước đây có mặt bằng giá thấp hơn Hà Nội và nơi có nhiều vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, có nhiều "đại gia" làm trong lĩnh vực đất đai), sau đó lan ra Hà Nội (vốn đã có giá rất cao). Thời điểm đó giá nhà đất chỉ mới vừa nóng, sốt cục bộ ở một số nơi, một số loại, lại cộng thêm Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 03 khống chế các ngân hàng thương mại không được cho vay đầu tư chứng khoán vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi, đã làm cho chỉ số giá chứng khoán tại thành phố Hồ Chí Minh giảm từ 1.170 điểm (vào ngày 12.3.2007) xuống còn 927 điểm vào ngày cuối năm. Từ cuối năm 2007 đến nay, giá nhà đất bước vào cơn sốt thực sự, với mức tăng giá không phải tính bằng phần trăm mà tính bằng mấy chục phần trăm, thậm chí phải tính bằng lần, mấy lần, và đang lan ra các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đã có chuyên gia ước tính lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản đã lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng, gấp gần chục lần lượng vốn cho vay đầu tư chứng khoán sau khi đã được rút xuống theo Chỉ thị 03; ở thành phố Hồ Chí Minh riêng vốn đầu tư nước ngoài đã khoảng 1,6 tỉ USD, nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại đã lên tới khoảng 40 nghìn tỉ đồng! "Bong bóng" giá nhà đất đã xuất hiện. Mà đã có "bong bóng", thì sẽ có nguy cơ vỡ "bong bóng".

Trước tình hình lạm phát và cơn sốt giá nhà đất gia tăng, Ngân hàng Nhà nước, với chức năng nhiệm vụ và quyền hạn được giao, đã đưa ra nhiều giải pháp thắt chặt tiền tệ còn mạnh hơn cả năm trước. Không những không giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà còn tăng tiếp thêm 1%. Không những không nới rộng việc khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán mà các ngân hàng thương mại trong thực tế thường thông qua việc nới lỏng điều kiện cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản làm tăng tổng dư nợ tín dụng mà khống chế theo vốn điều lệ. Không phát hành rồi vận động để các ngân hàng thương mại tự nguyện mua tín phiếu mà phát hành bắt buộc với lượng tiền lên đến 20.300 tỉ đồng rồi phân bổ cụ thể cho các ngân hàng thương mại (ba ngân hàng: BID, VTBank, VCB mua 3.000 tỉ đồng/một đơn vị, ACB 1.500 tỉ đồng, Sacombank 1.200 tỉ đồng, các ngân hàng khác như Techcombank, Eximbank, Đông Á... 500 tỉ đồng/một đơn vị, Saigonbank 250 tỉ đồng). Kiểm tra những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng dự nợ tín dụng lớn, đặc biệt là có tỷ lệ cho vay đầu tư bất động sản lớn.

Khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường bất động sản vẫn khó có thể giảm nhiệt, giá nhà đất vẫn có thể vẫn còn tăng, nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Nếu áp dụng biện pháp quy định hạn mức diện tích (hay căn hộ) và đánh thuế suất thuế lũy tiến theo diện tích vượt... thì hiện tượng đầu cơ sẽ giảm. Mà nếu đầu cơ giảm thì thị trường mới bình ổn được. Những người có nhu cầu thực sự không nên bị cuốn vào cơn sốt giá bất động sản với bất kỳ giá nào. Rồi sẽ đến lúc thị trường giảm nhiệt, có thể sang năm giá bất động sản sẽ xuống thấp hơn hiện nay.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.