Thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết

19/02/2008 00:30 GMT+7

Trong nhiều năm trước đây, cứ sau Tết Nguyên đán, các ngân hàng thương mại thường giảm, thậm chí giảm mạnh lãi suất huy động, bởi nguồn tiền có nhu cầu gửi vào ngân hàng tăng cao.

Các nguồn tiền này bao gồm: số tiền thu hồi từ bán hàng trong dịp Tết, nhưng chưa đưa vào kinh doanh ngay (bởi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”), còn tạm thời nhàn rỗi, thì gửi vào ngân hàng để có lãi; số tiền thu được trước Tết từ nguồn lương, thưởng, chia lãi, thậm chí cả tiền mừng tuổi ít, nhiều của cả trẻ con và người lớn cũng được gửi vào ngân hàng... Năm nay tình hình gần như đảo ngược.

Vào đầu năm mới, khi các ngân hàng mở cửa, số khách hàng đến gửi tiết kiệm thưa thớt hơn mọi năm, mặc dù lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã tăng từ vài tháng trước đó. Chỉ sau đó mấy ngày, khá nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động với mức tăng khá cao (OCB lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tuần điều chỉnh tăng lãi suất, lần này tăng 0,01 - 0,11%/tháng; Dong A Bank tăng 0,01 - 0,03%/tháng; VIB bank tăng 0,12 - 0,24%/năm; VP bank tăng 0,01 - 0,07%/tháng; Eximbank tăng 0,013%/tháng; VinaSiambank tăng 0,01 - 0,03%/tháng; rồi Techcombank, AB bank, SCB, Sea Bank,...). Lãi suất huy động kỳ hạn năm của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã ở mức trên 9%, nhiều ngân hàng ở mức 9,8%, có ngân hàng lên đến 10%. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng nếu trước đây chỉ trên 8%/năm thì cuối tháng 12.2007 đã vọt lên mức kỷ lục mới lên đến trên dưới 30%.

Nguyên nhân quan trọng của tình hình trên là do tốc độ tăng giá tiêu dùng cao hơn lãi suất tiết kiệm, làm cho lãi suất tiết kiệm trở thành thực âm. Người có tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng đến kỳ đáo hạn không gửi tiếp vào ngân hàng nữa. Người có tiền tạm thời nhàn rỗi trước dự định gửi vào ngân hàng, nay đã không gửi ngân hàng mà chuyển sang mua vàng, nếu đủ lớn thì mua bán bất động sản... Thậm chí có người mới gửi ngân hàng cũng rút ra để đầu tư vào các kênh khác hấp dẫn hơn.

Trước áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã có hàng loạt các biện pháp thắt chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát. Những biện pháp này bao gồm: tăng dự trữ bắt buộc thêm 1% (thành 11%) và mở rộng loại tiền phải dự trữ bắt buộc; kiểm tra các ngân hàng thương mại có tốc độ tăng dư nợ tín dụng tính theo năm cao hơn 20 - 25%; phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc để hút tiền về; tăng lãi suất chiết khấu; điều chỉnh cho vay chứng khoán (từ việc khống chế 3% tổng dư nợ tín dụng sang khống chế 15 - 20% vốn điều lệ); kiểm soát cho vay bất động sản...

Đứng trước các biện pháp này, các ngân hàng thương mại - đối tượng điều chỉnh chủ yếu - nếu có kêu ca thì cũng là lẽ bình thường, vì ngân hàng thương mại nếu không có những biện pháp về lãi suất, giảm chi phí, đổi mới cấu trúc tài sản cho hợp lý, đa dạng hóa kênh huy động vốn (như phát hành kỳ phiếu, trái phiếu...), chủ động tham gia vào thị trường tiền tệ ngắn hạn... thì sẽ gặp khó khăn nhất định đến kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, các ngân hàng năm qua đều có lãi lớn; nhiều khách hàng cũng thu lãi khổng lồ nhờ tiền vay ngân hàng để đầu tư vào vàng, vào bất động sản và đang được găm vào thị trường này. Đứng trước tình hình lạm phát có liên quan đến 85 triệu con người, việc ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động để hút tiền về, hãm tiền ra lưu thông dù có giảm lợi nhuận nhưng giúp đất nước qua cơn lạm phát vào lúc này là có ý nghĩa về nhiều mặt.

Trong khi đó, có chuyên gia cho rằng việc ban hành quyết định của Ngân hàng Nhà nước là không đúng thời điểm, nhưng theo chúng tôi các biện pháp này đáng lẽ cần làm sớm từ tháng 10, tháng 11 năm ngoái, đến nay đưa ra là hơi muộn chứ không phải là không đúng thời điểm. Có chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước "thắt quá chặt" chính sách tiền tệ, nhưng theo chúng tôi, trước nguy cơ lạm phát cao trong tháng 1, tháng 2 và có khả năng vẫn còn cao vào sau tháng 3 cho đến hết năm, thì việc thắt chặt như trên là rất cần thiết. Năm ngoái, Trung Quốc còn 5 lần đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên tới trên dưới 14%. Tất nhiên để chống lạm phát, ngoài vịêc thắt chặt chính sách tiền tệ, còn phải áp dụng nhiều biện pháp khác, như tăng cung, nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết giảm chi ngân sách...

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.