Ăn uống ngày xuân, coi chừng bệnh tả!

24/01/2008 15:11 GMT+7

Dịch tả hay tiêu chảy cấp là cách gọi khác đi của một loại dịch bệnh do vi trùng tả gây ra từ lâu đã trở thành mối nguy hiểm của an sinh cộng đồng, nhất là trong trong dịp Tết do ăn uống thất thường.

Thời điểm 1945, sau nạn đói, dịch tả đã "xóa sổ" hẳn một làng quê miền Bắc. Trên thế giới, bệnh tả đã được thấy ở Ấn Độ từ khoảng 600 năm trước Công nguyên. Vào khoảng năm 1831,  bệnh tả lần đầu tiên lan truyền vào châu u. Đại dịch tả cuối cùng lan truyền đi từ Peru vào năm 1991, bệnh lan truyền sang Ecuador, Colombia, Mexico và Nicaragua. Trong số 400.000 người bệnh ở Nam Mỹ lúc đó đã có 12.000 người chết. Gần đây nhất, dịch tiêu chảy cấp cũng gây nên rất nhiều khó khăn cho cộng đồng và ngành y tế. Nhắc lại để chúng ta thấy được tính nguy hiểm và "bạo phát" của loại dịch này.

Bệnh tả (Cholera) là một bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi trùng Vibrio cholerae gây ra, độc tố của vi trùng này gây tiêu chảy, nôn kèm theo mất nước. Sau từ 2 giờ đến 5 ngày ủ bệnh các triệu chứng kể trên sẽ xuất hiện và làm suy kiệt nhanh chóng bệnh nhân.

Khi mắc bệnh, tùy theo nguyên nhân và mức độ mà người bệnh có các biểu hiện từ từ hay đột ngột, số lần đi tiêu có thể từ 3-5 lần/ngày hay nhiều trên 10 lần/ngày, biểu hiện dễ thấy nhất là đau bụng và buồn nôn hay nôn ói, một số trường hợp nặng, người bệnh có thể đi tiêu ra máu và tình trạng chung là mất nước nặng. Một số hội chứng khác liên quan đến hội chứng nhiễm khuẩn như sốt, mệt mỏi..., hay nhiễm độc, mất nước ở nhiều cấp độ và điện giải biểu hiện ở khát nước, khô miệng, mắt trũng, da nhăn, tứ chi lạnh, chuột rút, rối loạn nhịp tim, tiểu ít, trụy tim mạch. Dân gian dùng từ " thổ tả" để chỉ một sự việc rất tệ xảy ra trong cuộc sống cũng có nguồn gốc từ biểu hiện của bệnh này  khi "trên nôn dưới tháo" suốt ngày.

Nguồn nước bị nhiễm khuẩn, nước không được đun sôi cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy. Một thói quen "tại hại" của nhiều người trong ẩm thực chính là các thức ăn sống (gỏi cá, tôm sống...) hay món lòng lợn, tiết canh... ăn kèm rau sống, mắm tôm, các quý ông lại có thú dùng rượu pha huyết (huyết rắn, chim...) như một bài thuốc "tăng lực" mà không nghĩ rằng đây là điều kiện tốt để vi trùng tả "phát huy tác dụng" và việc ăn các thức ăn sống còn là con đường thuận tiện để trứng giun và các loại sán "định cư" trong cơ thể.

Khi bị tiêu chảy, tùy theo cấp độ nhiễm bệnh mà có cách chăm sóc cho phù hợp. Trong trường hợp tiêu chảy cấp, mất nước và nôn mửa hoặc đi tiêu ra máu hoặc có chất nhầy trong phân, phải lập tức nhập viện và tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ. Khi dùng thuốc phải được sự chỉ định của bác sĩ và nên nhớ rằng thuốc chỉ "cầm" lại các cơn tiêu chảy chứ không thể trị dứt hẳn nguyên nhân gây tiêu chảy. Không nên dùng các thuốc cầm tiêu chảy nếu sốt trên 380C hoặc khi thấy các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 48 giờ.

Tuy vậy, cũng khá may mắn là vi khuẩn tả "sống lâu nhưng dễ diệt" và dịch tả có phát triển được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức phòng bệnh của mỗi người. Chỉ cần đun trong nước sôi vài phút, sử dụng xà phòng và các chất sát khuẩn thông thường là có thể tiêu diệt vi khuẩn tả. Trong dịp Tết, chớ nên chủ quan, dễ dãi trong ăn uống khi đi du lịch hoặc "bỏ bữa".

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.