Phía sau sự kiện “eo biển Hormuz”

13/01/2008 01:07 GMT+7

Một ngày đầu năm mới, khi tàu chiến Mỹ đang tuần tra ở eo biển Hormuz thì "thuyền cao tốc của Iran xuất hiện và lớn tiếng đe dọa". Xung đột suýt xảy ra...

Xin bắt đầu câu chuyện bằng thông tin từ phía Mỹ. Theo Hãng tin AFP, vào ngày 7.1, Lầu Năm Góc thông báo rằng tàu tuần tra của họ đã bị 5 chiếc thuyền cao tốc của Iran khiêu khích ở eo biển Hormuz trước đó một ngày. Hormuz là cửa ngõ dẫn vào vịnh Persia, là yết hầu của con đường hàng hải nối vùng vịnh này với Ấn Độ Dương, với một bên bờ biển là Iran, bên kia là UAE và vùng Musandam của Oman.

Tiếp đó, vào ngày 8.1, Lầu Năm Góc công bố một đoạn băng hình về cảnh "chạm trán" giữa tàu tuần tra Mỹ và thuyền Iran. Đoạn băng cho thấy trong lúc tàu chiến Mỹ đang làm nhiệm vụ thì thuyền Iran, được cho là của lực lượng tinh nhuệ Vệ binh Cách mạng, lao tới. Phần cuối đoạn phim, hình ảnh nhòe đi và tiếng ai đó vang lên: "Chúng tôi đến đây. Các người sẽ bị nổ tung sau vài phút nữa". Theo người Mỹ thì đây là lời đe dọa của Iran. Thuyền Iran còn thả những thùng gì đó xuống biển mà phía Mỹ nghi là mìn. Cũng theo Washington, trong tình thế nguy hiểm đó, tàu chiến Mỹ đã ra thông điệp rằng nếu thuyền Iran tiếp tục quấy nhiễu thì "chúng tôi sẽ có hành động tự vệ thích đáng".

Tiếp theo, vào ngày 11.1, Mỹ lại công bố tiếp một đoạn băng dài hơn, ghi lại cuộc "gặp gỡ" nói trên. Giới chức quân đội Mỹ còn tiết lộ nhiều thông tin về "các cuộc gặp căng thẳng" kiểu này. Theo đó, vào ngày 19.12.2007, khi thấy một chiếc thuyền Iran lao vun vút về phía mình tại eo biển Hormuz, lính Mỹ trên tàu chiến USS Whidbey Island đã bắn cảnh cáo. Sau đó 3 ngày, tàu USS Carr của Mỹ cũng gặp 3 chiếc thuyền Iran, trong đó 2 chiếc có vũ khí. Tàu Mỹ đã phát tín hiệu cảnh báo để tránh va chạm.

Sau những chuyện trên, đô đốc William Fallon, Tư lệnh quân Mỹ tại vùng Vịnh, hôm 11.1 cảnh báo rằng các vụ quấy nhiễu của Iran đã khiến nguy cơ xung đột đến gần hơn. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - đô đốc Mike Mullen thì nói đây là lần đầu tiên ông thấy “một hành động khiêu khích hung hăng đến thế". “Sự cố này nhắc nhở chúng ta rằng Iran đang là mối đe dọa lớn và chúng ta phải sẵn sàng để đối phó với mối đe dọa đó”, Hãng tin AP dẫn lời ông Mullen.

Sau khi Mỹ công bố "sự kiện eo biển Hormuz", giới lãnh đạo Iran liền bác bỏ việc thuyền của họ đã đe dọa tàu Mỹ và cáo buộc Lầu Năm Góc ngụy tạo bằng chứng. Iran còn công bố một đoạn băng dài 5 phút cho thấy thuyền của họ đang đi theo lộ trình của mình và giữ khoảng cách xa tàu chiến Mỹ. Viên chỉ huy trên thuyền Iran còn liên lạc với phía Mỹ để nhận dạng tàu, một kiểu liên lạc bình thường khi tàu bè gặp nhau trên biển. Đoạn băng không cho thấy thuyền Iran tiến lại gần tàu Mỹ cũng như không hề có hành động khiêu khích nào.

Không khó hiểu khi mỗi bên nói một đường, bởi Mỹ và Iran lâu nay luôn là hai thái cực đối nghịch. Thế nên tính xác thực của "sự kiện eo biển Hormuz" đang bị nghi ngờ. Nhưng có một điểm đáng lưu ý là Mỹ đã làm ầm sự kiện này lên ngay trước và trong chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống George W.Bush. Trong chuyến đi, ngoài chủ đề Israel và Palestine, ông Bush còn muốn lôi kéo các đồng minh vùng Vịnh (như Kuwait, Ả Rập Xê Út) ủng hộ Mỹ cô lập Iran. Một Iran hung hăng có thể khiến căng thẳng khu vực leo thang, điều mà các đồng minh của Mỹ không muốn. Làm đậm mối đe dọa từ Iran sẽ giúp Mỹ dễ thuyết phục đồng minh (vốn đang e ngại về sự lớn mạnh của Iran) cô lập Tehran. Nhấn mạnh sự nguy hiểm của Iran cũng khiến dân Mỹ tiếp tục ủng hộ (hoặc giảm sự chống đối) chính sách của ông Bush tại Iraq cũng như việc đối đầu với Iran.

"Sự kiện eo biển Hormuz" cũng có chút gì đó làm người ta nhớ tới "sự kiện hải quân Việt Nam tấn công tàu chiến Mỹ tại vịnh Bắc Bộ" vào năm 1964. Cách đây vài ngày, Hãng tin AFP dẫn một tài liệu mang tên "Chiến binh trong bóng tối" của an ninh Mỹ vừa được giải mật, trong đó nói rằng "Sự kiện vịnh Bắc Bộ" chưa hề xảy ra, tức là chuyện quân Việt Nam tấn công tàu Mỹ hồi năm 1964 là... bịa. Một câu chuyện bịa nhưng lại dẫn tới một hệ quả thật: Tổng thống Lyndon Johnson đã dựa vào đó để thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ leo thang chiến tranh tại Việt Nam.

"Sự kiện eo biển Hormuz" cũng làm người ta liên tưởng tới câu chuyện "vũ khí hủy diệt của Iraq" cách đây vài năm. Thật giả quả khó lường.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.