1 năm Việt Nam gia nhập WTO: "Sáng" nhiều hơn 'tối"

11/01/2008 23:17 GMT+7

Môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư kỷ lục - đó là nhận xét chung sau một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tại "Diễn đàn thương mại đầu tư Việt Nam sau một năm Việt Nam gia nhập WTO" tổ chức hôm qua tại Hà Nội, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhận xét: "Sau một năm gia nhập WTO, chúng ta ghi nhận những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh và ban hành các chính sách, quy định trong nước theo hướng ngày càng phù hợp hơn với quy tắc, luật lệ thương mại quốc tế và cam kết WTO. Chính vì vậy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn và minh bạch, tạo ra được niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài".
"Nhìn chung, các tác động của việc gia nhập WTO đối với Việt Nam là tích cực, qua đó góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định ở mức 8,5% trong năm 2007 - tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục đối với Việt Nam trong những năm gần đây" Báo cáo của Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đồng tình với nhận định trên và cho rằng đây là lợi ích lớn nhất mà việc thực thi các cam kết đem lại. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đánh giá: năm đầu tiên thực hiện cam kết WTO cũng đã bộc lộ phần nào những thách thức to lớn mà Việt Nam phải đối mặt: nhập siêu đạt mức hai con số, nhập khẩu có tốc độ tăng gấp rưỡi xuất khẩu; cơ sở hạ tầng trở nên quá tải, không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đánh giá: Bức tranh tổng thể một năm sau gia nhập WTO là "sáng" nhiều hơn "tối". "Về cơ hội, chúng ta đã thu hút đầu tư ở mức kỷ lục 20,3 tỉ USD, tạo môi trường kinh doanh minh bạch không phân biệt đối xử. Đây là tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra công ăn việc làm. Thị trường xuất khẩu cũng mở rộng. Tuy nhiên về quản trị nhà nước, đội ngũ cán bộ quản trị tỏ ra lúng túng, bất cập. Khi chúng ta tham gia vào thị trường thế giới ngày càng sâu sắc thì biến động càng nhanh và tác động càng mạnh. Nếu chúng ta không có khả năng dự báo và phản ứng chính sách nhanh thì sẽ gây hậu quả. Chuyện giá cả tăng cao trong năm vừa qua cũng là biểu hiện của thách thức đó" - ông Tuyển nói. Theo ông Tuyển, tác động của WTO trong năm đầu tiên chưa lớn. Mức giảm thuế theo lộ trình phải là 5-7 năm, năm đầu giảm chưa nhiều. "Nói môi trường kinh doanh của chúng ta minh bạch, thật ra, mới đạt tính minh bạch ở văn bản luật; còn văn bản dưới luật, cần cải thiện nhiều hơn nữa" - ông Tuyển nhận xét.

"Vấn đề nguồn nhân lực là ví dụ điển hình cho sự bất cập của Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Intel vào Việt Nam, cần 4.000 nhân sự, chuyên gia cao cấp về IT. Vừa rồi, công ty này đi kiểm tra 2.965 sinh viên năm cuối, chỉ chọn được 90 người"
Ông Nguyễn Đình Lương nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA

Ông Walter Blocker, Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ nhận định: Việc gia nhập WTO đã giúp Việt Nam có được sự tin tưởng mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư, con số 20,3 tỉ USD năm qua là một minh chứng. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm nhiều đến các yếu tố trước khi quyết định đầu tư: sự cải cách mạnh mẽ về hành chính; sự minh bạch, tính hiệu quả của các chương trình xúc tiến đầu tư, việc đơn giản hóa các thủ tục cấp phép đầu tư, tháo bỏ các quy định không hợp lý, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện công tác thi hành luật pháp.

Đại diện ngành ngân hàng, ông Phùng Khắc Kế, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận xét: Đối với ngành ngân hàng, việc gia nhập và thực hiện các cam kết WTO mang lại những thay đổi theo hướng tạo ra một môi trường mở cửa và có tính cạnh tranh cao hơn, thúc đẩy khu vực dịch vụ ngân hàng tăng trưởng cả về quy mô và tính phức tạp.

Tối qua 11.1, tại Hà Nội và TP.HCM cũng đã diễn ra lễ kỷ niệm 1 năm ngày Việt Nam gia nhập WTO với sự tham gia của hơn 500 quan chức và đại biểu.

N.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.