Sinh viên trong vòng xoáy đa cấp

02/01/2008 17:59 GMT+7

Phần cuối: Sinh viên khốn đốn Bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp đầy ma lực, nhiều sinh viên phải khốn đốn bởi những lời có cánh...

Nợ nần chồng chất

Khi đến Công ty Lô Hội cũng như Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, tôi đều bắt gặp những gương mặt ngơ ngác của không ít sinh viên (SV) năm nhất cũng như các công nhân tham gia vào mạng lưới. Họ đều bị làm lóa mắt trước những con số hoa hồng hấp dẫn. Lúc xếp hàng trước giờ vào lớp nghe giảng về kinh doanh đa cấp tại Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, tôi được một nữ SV cao đẳng ở TP.HCM, quê Ninh Thuận hỏi: "Bạn chưa vào công ty đúng không, bạn muốn có thu nhập mỗi tháng là bao nhiêu?". "3 triệu đồng" - nghe tôi trả lời, cô bé liền nheo mắt tỏ vẻ không vừa ý nói: "Sao con trai mà mơ ước bé thế, mình là con gái mà còn mơ mỗi tháng làm được ít nhất là 10 triệu đồng nè!". "Vài chục triệu chứ" - một nữ SV khác đứng gần bên nói chen vào, khuôn mặt hớn hở ngập tràn tự tin. Trong khi T.Y, một SV trường ĐH Kinh tế TP.HCM dẫn tôi vào công ty hất tay thì thầm với giọng trầm buồn: "Lúc trước, mình cũng tự tin y như vậy đó, nhìn các bạn tội nghiệp quá!".


Một loại sản phẩm phải mua để trở thành nhân viên công ty kinh doanh đa cấp

Cách đây không lâu, T.Y từng được bạn của mình giới thiệu vào công ty. Để trở thành người của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, T.Y phải nói dối gia đình cho tiền học thêm vi tính, ngoại ngữ rồi mượn bạn bè đủ 3 triệu đồng mua một máy lọc nước ô-zôn. "Lúc đó, mình được người của công ty hứa hẹn đủ điều, nào là giúp mình "biến đá thành vàng", sẵn sàng bày mình cách lấy lại 3 triệu đồng, nào là kiếm thêm thu nhập cao trong vòng 1 tháng... Nhưng đó chỉ là trò bịp bợm" - T.Y kể lại, giọng vẫn đầy bức xúc. Hoàn thành "điều kiện thứ 3" (tức bỏ ra 3 triệu đồng mua hàng của công ty), T.Y bắt đầu đến công ty thường xuyên để được học các lớp kinh doanh và giờ lên lớp ở trường thì thưa dần. 1 tháng, 2 tháng rồi 5 tháng trôi qua, T.Y giật mình vì chẳng làm được gì mà tiền mượn của bạn bè, người thân vẫn chưa trả được. Trong suốt 5 tháng đó, T.Y tranh thủ các mối quan hệ để ra sức "săn" người "hợp tác tiêu thụ" nhằm gỡ gạc lại đồng nào hay đồng ấy. "Cứ mải tìm người, thậm chí ra sức dùng lời ngon tiếng ngọt để dụ bạn bè vào công ty mà quên rằng mình đang lôi kéo họ vào con đường sai lầm. Nhưng mình đã kịp nhận ra điều này, và chấp nhận chịu mất 3 triệu đồng chứ không tiếp tục làm việc lôi kéo ấy nữa...", T.Y nói.

Xung đột vì "2cc"

Trường hợp của T.Y vẫn còn ở mức nhẹ nhờ thức tỉnh đúng lúc. Nhiều SV khi làm việc tại các công ty đa cấp còn rơi vào tình trạng bị bạn bè tẩy chay hoàn toàn. Một trong số đó là T.H, quê ở Lâm Đồng, hiện là SV trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Sau khi bán đi chiếc điện thoại cầm tay, T.H còn mượn bạn bè cho đủ 6,3 triệu đồng mua "2cc" sản phẩm để trở thành nhà phân phối chính thức của Công ty Lô Hội. Sau đó, T.H lại đi rỉ tai bạn bè bằng những lời có cánh để lôi kéo cho được càng nhiều người vào công ty càng tốt nhằm tăng thu nhập và thăng cấp. Nhờ khả năng "buôn nước bọt" sẵn có, chẳng mấy chốc T.H thu hút được khá nhiều SV vào mạng lưới của mình. Tưởng chừng như T.H đã đi đúng hướng, thế nhưng những SV cấp dưới của T.H lại không tìm ra được người tiêu thụ sản phẩm trong khi đầu tư tiền của quá nhiều. T.H hứa hẹn đủ điều với các SV cấp dưới, nào là giúp đỡ mỗi người cách để lấy lại vốn trong vòng 1 - 2 tháng rồi "cất cánh bay cao", nhưng thực tế, T.H đã quay lưng trước khó khăn của bạn bè. T.H đã bị chính bạn bè mình tẩy chay, chửi mắng xối xả, thậm chí đòi đánh "tập thể" một trận cho bõ ghét. Suốt một thời gian dài, T.H không dám xài điện thoại, hạn chế ra đường và "di trú" hết nhà người này đến người khác để khỏi bị "phục kích". Còn số SV "cấp dưới" của T.H phải khốn đốn vì không biết tìm đâu ra hơn 6 triệu đồng để trả nợ, đành nhắm mắt trở thành "con nợ" dài hạn.

Trên lý thuyết, kinh doanh đa cấp là mô hình hay. Tuy nhiên, nó bị biến tướng bởi những người điều hành và triển khai. Trong đó, không phải bất cứ nhân viên tuyến 1 (tức mới vừa trở thành người của công ty) nào cũng truyền tải đúng cách làm cho người có nhu cầu xin vào làm việc với thái độ hợp tác lâu dài và trung thực. Dưới áp lực chỉ tiêu và thời gian, họ tìm mọi cách, thậm chí là dụ dỗ để thu hút càng nhiều người trong mạng lưới của mình càng tốt. Trước sự "dụ dỗ" đó kèm theo những con số hoa hồng béo bở, không phải SV chân ướt chân ráo nào cũng đủ tỉnh táo tìm hiểu rõ loại hình công việc này để từ đó chọn cho mình một hướng đi tốt nhất. Số SV này không hiểu tường tận mô hình kinh doanh, do muốn làm giàu nhanh theo những lời "có cánh" nên sẵn sàng bỏ tiền túi hoặc "vay nóng" 6,3 triệu đồng mua 2cc hàng để trở thành nhà phân phối. Tiếp đó, do muốn tăng chỉ tiêu để thăng cấp, những SV này phải mang mẫu hàng đi tiêu thụ. Song chẳng phải ai cũng có kỹ năng chào hàng, theo dõi, chăm sóc khách hàng để bán số sản phẩm đã mua. Và dĩ nhiên là họ thất bại ê chề. Nếm chén đắng, rất nhiều SV chới với, nên quay sang lôi kéo những người khác vào công ty để lấy lại tiền và vì thế mà ngày càng nhiều SV bị "thôi miên" vào vòng xoáy đa cấp.

"Tại Công ty Lô Hội, sau khi trở thành nhà phân phối chính thức, nếu muốn trở thành giám sát mình phải hoàn thành chỉ tiêu 25cc tính trong 2 tháng liên tiếp. Nếu 2 tháng liên tiếp không đủ thì phải bắt đầu lại. Mình đã cố gắng rất nhiều để lên chức giám sát nhưng khó quá, nỗ lực mãi mà vẫn không thành. Mình đổ mồ hôi quá nhiều trong khi công ty lại là người ngồi mát ăn bát vàng" - Q.N, một SV trường ĐH Hồng Bàng bộc bạch.

Các chuyên gia nói gì ?

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Trưởng khoa Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM: "Tôi không tin tưởng đối với thông tin quảng bá những người thành đạt tại công ty đa cấp"
Theo tôi thì mô hình kinh doanh đa cấp ở Việt Nam có nhiều biến tướng và việc quản lý của nhà nước trong vấn đề này còn chưa chắc chắn. Thế nên, tôi cho rằng các bạn SV tốt nhất là không nên đi theo con đường kinh doanh đa cấp để mưu sinh và làm giàu. Tôi thật sự không tin tưởng đối với thông tin quảng bá, giới thiệu những người thành đạt tại công ty đa cấp.


Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Giảng viên khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP.HCM: "Nhiều bạn trẻ tham gia mạng lưới đa cấp mắc phải chứng trầm cảm"
Tôi biết có khá nhiều trường hợp bạn trẻ khi tham gia vào mạng lưới đa cấp đã mắc phải chứng trầm cảm vì nhận ra rằng mình lừa dối quá nhiều người để lôi kéo họ. Ai cũng muốn có nhiều tiền hết, tuy nhiên, các bạn trẻ cần phải cảnh giác và tỉnh táo đối với những lời ngon ngọt. Nếu đã lỡ tham gia vào mạng lưới thì nên cân nhắc để chấm dứt và rút lui càng sớm càng tốt khi nhận thấy việc mình làm có vấn đề. Thà muộn còn hơn ngày càng lún sâu vào.

Luật sư Trần Duy Cảnh - luật sư điều hành Công ty luật hợp doanh Luật Việt: "Các bạn trẻ không nên chọn con đường kinh doanh đa cấp với các công ty không tuân thủ pháp luật"
Đối với việc các công ty đa cấp yêu cầu người vào công ty mua hàng của họ như báo nêu thì đã vi phạm điều 7 khoản 2 Nghị định 110/2005/NĐ-CP ban hành ngày 24.8.2005 của Chính Phủ. Tôi cũng không hiểu tại sao có nhiều bạn trẻ đi theo con đường đa cấp đến thế trong khi chẳng có tương lai. Thậm chí có nhiều bạn trẻ tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn làm công việc này dù đây chỉ là việc bán hàng bình thường. Không những thế, đi theo con đường kinh doanh đa cấp sau một thời gian, các bạn sẽ bị cạn kiệt mối quan hệ và người thân xa lánh. Nguyên nhân vì đã phải bỏ ra số tiền lớn để mua hàng của công ty nên phải đi bán hàng thu lại vốn và kiếm thêm thu nhập, do vậy họ phải dùng lời ngon tiếng ngọt lôi kéo bạn bè, người thân, thậm chí sẵn sàng nói dối để bán hàng với giá rất cao. Theo tôi, các bạn trẻ không nên chọn con đường kinh doanh đa cấp với các công ty không tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. T.Q (ghi)

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.