Xã hội hóa giáo dục: Bao giờ thoát khỏi "vòng luẩn quẩn"?

28/12/2007 15:11 GMT+7

Tiến độ xã hội hóa giáo dục vẫn còn quá chậm so với yêu cầu của Chính phủ. Sự chậm trễ này do chính các nhà quản lý tạo ra nhưng lại chưa có ai chịu trách nhiệm giải quyết.

Lý giải của nhà quản lý

Tại hội nghị sơ kết Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa (XHH) trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Vũ Luận - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải: một trong những nguyên nhân khiến tiến độ của việc XHH chậm là do chưa có "cơ quan chuyên tâm" lo giải quyết những vấn đề mang tính chuyên ngành, nên các vướng mắc chậm được phát hiện và khi phát hiện thì không được giải quyết rốt ráo và dứt điểm. Ví dụ, theo quy định hiện hành, việc ra quyết định cấp đất cho cơ sở giáo dục phải căn cứ vào quyết định thành lập trường, nhưng quyết định thành lập trường chỉ được ban hành sau khi đã thẩm định các điều kiện đảm bảo, trong đó có yêu cầu về cơ sở vật chất nhà trường. Ông Luận nói: "Vòng luẩn quẩn này chỉ được giải quyết khi lãnh đạo các địa phương xé rào, ra quyết định cấp đất để nhà trường xây dựng ngay khi chỉ mới có văn bản đồng ý về nguyên tắc thành lập trường. Vấn đề này đang là một trong những trở ngại lớn trong việc thành lập các trường tư thục, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để".

Chỉ tiêu định hướng cho năm 2010 ở bậc đại học, cao đẳng phải có 40% sinh viên học các trường ngoài công lập nhưng đến năm học 2006-2007 con số này mới chỉ đạt 12,87%; so với năm 2004 thì chỉ nhích lên được hơn 2%. Đối với các bậc học khác cũng vậy, đặc biệt là bậc trung học phổ thông, từ năm học 2004-2005 đến năm học 2006-2007, tỷ lệ này chỉ tăng được 0,01% (từ 30,59% lên 30,60%, trong khi đó yêu cầu của nghị quyết đến năm 2010 là 40%). Quy mô tuyển sinh của các trường dạy nghề ngoài công lập hiện mới chỉ đạt 35,6% (chủ yếu là học nghề ngắn hạn), còn rất thấp so với chỉ tiêu phải đạt 60% vào năm 2010 của nghị quyết. (Số liệu báo cáo của Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Cũng theo ông Luận, một nguyên nhân khác khiến tiến độ XHH giáo dục đào tạo chậm chạp là một số địa phương còn thụ động, cho rằng đó là việc riêng của ngành giáo dục. Cho nên, nhiều chế độ, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các loại hình ngoài công lập đã được ban hành nhưng không được triển khai thực hiện tích cực ở địa phương. Cụ thể, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn cho phép các trường ngoài công lập được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động và có hàng loạt ưu đãi khác về thuế, giao đất, vay vốn... cho các trường thành lập mới theo dự án đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường ngoài công lập vẫn đang phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan thuế của địa phương theo thuế suất 28% như đối với các doanh nghiệp bình thường. Các chính sách ưu đãi khác hầu như chưa được thực hiện.

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng thực hiện XHH khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ; phối hợp giữa các Bộ, cơ quan T.Ư và các địa phương chưa chặt chẽ; một số văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết của Chính phủ ban hành chậm khiến các địa phương khó khăn trong việc triển khai.

Người thực hiện nói gì?

Theo báo cáo của các địa phương, không chỉ có việc chậm trễ trong việc ban hành các hướng dẫn thực hiện mà ngay cả khi đã có hướng dẫn thì những thủ tục rườm rà vẫn còn là rào cản lớn nhất của các nhà đầu tư. Ông Trương Văn Sáu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long than thở: "Việc thực hiện các chính sách khuyến khích XHH các hoạt động văn hóa-xã hội (thủ tục xin thành lập, thuê trụ sở, xin giao đất, tín dụng...) còn rất phức tạp. Công việc xét duyệt phải qua nhiều khâu, nhiều cấp, chậm trễ, gây cản trở và làm nản lòng các nhà đầu tư".  

Phản ánh về sự bất cập trong XHH dạy nghề, đại diện trường Cao đẳng nghề Lilama II nói thẳng: "Ai cũng rõ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 còn hàng trăm ngàn học sinh chưa tốt nghiệp THPT, những em học sinh này đi về đâu, làm gì, một điều chắc chắn rằng những em này không thể thi đậu đại học và học lực của các em này cũng rất yếu. Vì vậy chỉ có thể cho các em vào học nghề, nhưng cho đến nay Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chưa có thống nhất ra một văn bản cụ thể nào cho các em vào trường nghề mà thời gian học ít hơn so với các em học sinh mới tốt nghiệp THCS, mà đều học chung một hệ với các học sinh này. Có trường vượt rào (các em học sinh chưa tốt nghiệp THPT học thêm 3-4 tháng văn hóa), nhưng ở Đồng Nai theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, học sinh thuộc đối tượng trên vẫn phải học 30 tháng, do vậy rất nhiều em không muốn học ở hệ này".

Đề cập đến chuyện chủ trương một đằng, thực tế một nẻo, đại diện trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành cho biết: "Trong chủ trương XHH giáo dục có nêu rõ ràng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cấp đất cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập. Thế nhưng đến nay, chủ trương này chỉ nằm trên giấy và phần lớn các cơ sở đào tạo, dạy nghề dân lập, tư thục đều rơi vào  tình cảnh èo uột vì thực lực yếu, mặt bằng nhỏ hẹp, phải thuê mướn...".

Một khó khăn khác trong thực hiện XHH giáo dục được rất nhiều đại biểu đề cập, đó là vấn đề học phí. Giám đốc sở GD-ĐT Đà Nẵng than phiền: "Hiện nay mức thu học phí chậm điều chỉnh nên đã ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị, trường học. Mức thu học phí của các trường dân lập, tư thục thấp nên đã ảnh hưởng nhất định đến sự mở rộng và nâng cao chất lượng xã hội hóa".

 "Thiếu đất để phục vụ cho chủ trương xã hội hóa"


Ảnh: B.Thanh

XHH giáo dục là chủ trương và nhu cầu tất yếu để phát triển hệ thống giáo dục. Từ đó dẫn đến việc tất cả các bậc học phải đi vào quỹ đạo chung đó. Không thể phủ nhận được vai trò của các trường ngoài công lập bởi hệ thống này đã chung tay cùng Nhà nước tạo thêm điều kiện học tập cho con em nhân dân. Tuy nhiên khi thực hiện XHH giáo dục, mở rộng quy mô trường lớp thì các nhà đầu tư lại gặp phải khó khăn về mặt bằng, địa điểm.

Để mở một trường học theo đúng quy mô diện tích, yêu cầu về cơ sở vật chất, đâu dễ tìm được đất xây dựng. Hiện nay không thiếu nhà đầu tư có nguồn tài chính lớn nhưng vẫn không tìm được khu đất ưng ý. Mà để xây dựng được trường học uy tín, tạo niềm tin với phụ huynh học sinh, các trường không chỉ cần đảm bảo về chất lượng mà môi trường sinh hoạt cho học sinh cũng là điều kiện tiên quyết để thu hút học sinh.

Nguyễn Thị Hồng Hải,
Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, TP.HCM

"Thiếu đất, thiếu giáo viên"


Ảnh: B.Thanh

Khi hệ thống các trường công lập đã quá tải như hiện nay thì các quận, huyện đều cố gắng tạo điều kiện và vui mừng khi thực hiện XHH giáo dục. Nếu có nhu cầu, các nhà đầu tư sẽ được hướng dẫn chi tiết để thực hiện. Thế nhưng bản thân các quận, huyện không có đất để quy hoạch mạng lưới trường lớp thì đất dành cho các trường ngoài công lập là rất khó, các khu vực nội thành lại càng khó hơn nhiều. Mặt khác, dân cư lao động còn nhiều, nếu đầu tư ở khu ngoại thành sẽ dẫn đến khó khăn cho cả hai bên: người nghèo không có điều kiện đi học, còn nhà đầu tư thì không có học sinh.

Bên cạnh đó, trước nhu cầu phát triển trường lớp, nguồn giáo viên nhất là giáo viên mầm non rất thiếu. Chỉ tiêu đào tạo không đáp ứng đủ. Đó là chưa kể đội ngũ giáo viên biến động thường xuyên do thu nhập mỗi nơi một khác. Vì cuộc sống nên nơi nào thu nhập cao hơn thì nhiều giáo viên đến, dẫn đến tình trạng những cơ sở giáo dục nhỏ rất khó tìm được giáo viên có chuyên môn tốt. Điều này rất nguy hiểm cho chất lượng đào tạo.

Ông Nguyễn Thanh Hải,
Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình, TP.HCM

B.Thanh (ghi)

    Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.