Phạm Tiến Duật, tâm hồn Thơ và Nỗi Nhớ

17/11/2007 22:25 GMT+7

Thời chống Mỹ, mỗi khi biết được ai đó hay một đoàn quân nào đó đi ngang trạm đón của quân khu có mang sách báo và thơ văn vào, chúng tôi liền bươn bả len rừng đi ra, khẩn khoản xin một ít đem về.

Hồi ấy, chưa có vi tính, máy in bằng chữ chì thì phải ở cách hai, ba ngày đường, chúng tôi liền đánh máy phát cho nhau và gửi các đơn vị để ngân nga cho khuây khỏa: thơ Xuân Quỳnh, thơ Trần Đăng Khoa, thơ Chế Lan Viên, thơ Phạm Tiến Duật... Người lính ở chiến trường khao khát văn chương như khao khát ăn một bữa cơm không độn, được xem một tối phim thâu đêm hay một xuất văn công giữa rừng, không cần trang phục biểu diễn, không cần son phấn.

Những bài thơ ấy bỗng nhiên bước vào đời chúng tôi, lâu dài, lúc nào không biết. Khi mưa chiều chưa đến, chúng tôi khoác ni-lông vào rừng, dạo loanh quanh xem gốc cây này một tí bụi mây nọ một tí, các khóm rau môn dóc, môn thục, những thân đoác to bự nhưng lõi thì nhạt phèo, ăn vào chỉ toàn là xác. Lang thang, hầu như vô định trên những tầng lá mục đẫm mưa đêm chưa ráo, vừa nghêu ngao hát: hết măng rồi, em có lấy rau không. Chúng tôi hát ngược lại ý thơ của Phạm Tiến Duật, vì măng ngon hơn môn dóc, môn thục và cũng hiếm hơn, khó kiếm hơn môn dóc, môn thục.

Năm 1973, sau khi có Hiệp định Paris về Việt Nam, một số bạn gái sống ở chiến trường đã bảy năm, tuổi cũng đã lớn, được Khu ủy cho ra Bắc đi học. Tôi có yêu một người con gái trong những người con gái ấy, mái tóc rất dài, gần chấm đến gót, óng đẹp, không có thứ gì nơi thiên nhiên tuyệt mỹ của rừng, rừng Gia Lai đẹp tuyệt vời, có thể sánh nổi. Mắt cô ấy thăm thẳm, xa xôi, như ánh trăng gác bên sườn núi tỏa lan lung linh làng quế, đung đưa mờ ảo. Tôi ngồi trên chiếc xe với ông V. chạy theo sau đoàn xe chở các cô gái ấy. Trời đổ mưa. Người lái xe ấn nút cho cái gạt nước vô tình lăn qua lăn lại trên mặt kính. Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ.

Mưa vẫn đổ. Chiếc gạt nước quét qua, mưa lại lắp lại. Nỗi nhớ trong tôi cồn cào, tôi cũng mong xua tan nỗi nhớ cồn cào đến tuyệt vọng, bởi khi ra Bắc, cuộc sống có biết bao thay đổi dẫn đến biết bao xao xuyến trong lòng người ở một thời gian mà ngày toàn thắng lúc nào cũng tưởng như gần mà lại xa lắc, không biết bao giờ với tay đến được. Nhưng nỗi nhớ ấy cứ như cơn mưa rừng dữ dội kia ào ạt đến, chiếc gạt nước xua đi bao nhiêu mưa lại trút xuống bấy nhiêu, đầm đìa, phủ mờ tấm kính vốn như lá sen không bao giờ giữ lại một giọt. Nỗi nhớ vẫn cào cấu, rỉ máu, mỗi lúc một tê dại và cuồng si.

Ông V. hỏi:

- Sao hôm nay buồn dữ rứa Nguyễn Chí Trung?

Tôi trả lời như một kẻ khùng:

- Tại anh đó.

Ông V. ngạc nhiên hỏi lại.

- Sao tại ta? (Ông hay xưng danh như thế).

Tôi im lặng để cho nỗi nhớ đắm đuối cuốn theo lời thơ, trong cơn mưa, trên đoạn đường rừng gập ghềnh và lầy lội.

Cho đến hôm nay và mai này, tôi vẫn nhớ sáng hôm đó, nhớ câu thơ đó của Phạm Tiến Duật như nhớ chuỗi đời tôi, đoạn hôm nay và đoạn đã qua, cồn cào và đầy khúc khuỷu.

Nhà thơ là đơn nhất. Cùng sống trong hiện thực đó, trong bom đạn đó, với những con người quen thân và xa lạ đó, thế mà nhà thơ lại cất lên một điệu thơ, một nhịp thơ, một tứ thơ của riêng mình, chỉ riêng mình với đời riêng, phận riêng, vui riêng và buồn riêng, bàng bạc và chìm đắm riêng tận cùng nơi cõi riêng, không kẻ tàng hình nào xâm nhập vào được. Lạ thế. Nhà thơ nói về cuộc đời này mà lại hình như không phải nói về cuộc đời này, nhà thơ nói về mình, mà lại nói về một cõi khác, một cõi mà hầu như xa lạ đến sửng sốt, ta chưa được sống chưa được biết, chưa từng đau khổ và mơ ước. Qua thơ của họ, ta nếm trải, vui thêm và buồn thêm, sống thêm một mảnh đời khác, không phải do cha mẹ sinh ra mà do THƠ sinh ra.

Tôi kính thương Phạm Tiến Duật, yêu quý Phạm Tiến Duật. Phạm Tiến Duật là THƠ. Mấy ai đoán chắc mình đã hiểu hết thơ, đã cắt nghĩa trọn vẹn được thơ, cũng như tình yêu và con người, phận mỏng, mấy ai hiểu hết và cắt nghĩa hết tình yêu ấy và số phận ấy.

Tôi đến thăm Phạm Tiến Duật vào một buổi chiều, cách nhau nào có xa, thế mà phải đi xe lăn. Chiếc xe lăn không có kính. Trời cũng không đổ cơn mưa. Bởi vậy cũng không có cái gạt nước xua đi nỗi nhớ. Nỗi nhớ vẫn đeo đẳng đó. Nỗi nhớ như chính nỗi nhớ, điên cuồng, cấu xé, day dứt, âm thầm, dai dẳng, như nỗi nhớ tứ thơ Phạm Tiến Duật mênh mông kia, như một thời Phạm Tiến Duật, nào đã xa là bao, trên những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn Phạm Tiến Duật đã in bóng THƠ mình một thuở.

Viện Quân y 108, ngày 14.11.2007.

Nguyễn Chí Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.