Làm sao để luôn thăng tiến trong công việc?

29/10/2007 17:02 GMT+7

Làm việc tại công ty đã lâu nhưng chức danh và công việc vẫn chưa có gì thay đổi? Luôn nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc được giao nhưng sếp không nhận thấy điều đó? Các nhà quản lý dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá năng lực nhân viên?... Tất cả những vấn đề trên đã được các chuyên gia giải đáp trong buổi giao lưu trực tuyến lúc 14h30 ngày 31/10.

Chương trình do Thanhnien Online và VietnamWorks.com phối hợp thực hiện. Khách mời tham dự chương trình có chị Phan Thị Nguyên Thảo - Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc (công ty Unilever Việt Nam), chị Hà Huệ Chi - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng - VietnamWorks.com và chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo (Công ty Navigos Group).

* Chào chị Nguyên Thảo, em có một ngừơi bạn đã làm việc lâu năm cùng công ty với em. Chị ấy mới vừa nghỉ việc xong. Và khi qua công ty mới chị ấy đã được nhận chức Trưởng phòng, trong khi vị trí cũ của chị ấy đảm nhiệm chỉ là nhân viên. Có phải việc thay đổi 1 công việc việc mới cũng là một cách tìm cơ hội thăng tiến cho chính mình không chị? Vì hiện tai em vẫn đang làm việc tại công ty và đang muốn tìm cơ hội thăng tiến cho chính mình. (Xuân Lộc, 29 tuổi, Nữ, Q.10, TP.HCM, Nhân Viên Hành Chính)

- Chị Phan Thị Nguyên Thảo - Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc - công ty Unilever Việt Nam: Chào em! không hẳn là như thế, không phải thay đổi công việc là một cách để được thăng tiến, điều quan trọng là khi nào mình sẵn sàng để đi lên, để nhận những thử thách mới. Nếu việc thăng tiến có xảy ra khi thay đổi công việc đó là vì môi trường mới có những khái niệm khác, định nghĩa khác về vị trí công việc mới. Là trưởng phòng ở công ty này không hẳn là tương đương với trưởng phòng ở công ty khác.

* Em có một câu hỏi kính gửi đến quý chuyên gia như sau: Để đạt được một vị trí trong cơ quan và thực sự là một người tham mưu đắt lực cho lãnh đạo, trong trường hợp đơn vị có nhiều người cùng tham mưu, ví dụ ý tham mưu của tôi là tốt nhất và thực sự có hiệu quả so với những người khác nhưng tôi lại là người trực tính trong khi những người khác thì trái lại và hay làm sếp vui vẻ vì những lời ngon ngọt. Sếp tôi không phải là một người hoạch định tốt và không nhận ra được tính hiệu quả của ý kiến tôi nên đã không làm theo ý kiến tham mưu của tôi. Xin quý chuyên gia cho biết trong trường hợp này tôi nên làm như thế nào? (Nguyễn Hữu Lộc, 30 tuổi, Nam, TT - Huế, Kỹ sư xây dựng)

- Chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo (Công ty Navigos Group): Một người muốn làm việc hiệu quả ngoài kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm còn cần có những kỹ năng trong công việc. Trong trường hợp của bạn, những chiến lược, phát kiến hay tham mưu của bạn cần phải được diễn đạt và trình bày tốt đối với sếp của bạn qua những kỹ năng "mềm" như giao tiếp, trình bày, thuyết phục và cách tạo sự tin tưởng và uy tín đối với cấp trên. Qua đó tôi hi vọng rằng bạn sẽ trao dồi những kỹ năng "mềm" trên để những ý kiến tham mưu của bạn được tận dụng và bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn.

* Theo anh chị, làm thế nào để trở thành được một người quản lý vừa được lòng, gần gũi cấp dưới, vừa nhận được sự kính nể, tôn trọng của họ. Nếu nói một đặc điểm duy nhất, thì theo anh chị, đặc điểm nào là đặc điểm quan trọng nhất của một người lãnh đạo thành công? (Thành Đạt, 21 tuổi, Nam, Hà nội, Sinh viên)

- Chị Phan Thị Nguyên Thảo, Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc - công ty Unilever Việt Nam: Chào bạn Thành Đạt, câu hỏi của bạn rất thú vị và cũng đã có rất nhiều bạn trẻ thường xuyên hỏi tôi điều này. Theo quan điểm của cá nhân tôi, một yếu tố duy nhất và vô cùng quan trọng để mình có thể là một người vừa được lòng cấp trên, vừa được sự tôn trọng và nể phục của cấp dưới, đó là lòng chân thành của mình đối với công việc cũng như đối với những đồng nghiệp xung quanh mình, không phân biệt là cấp trên hay cấp dưới.

Khi mình chân thành có nghĩa là mình thật với mình nhất và cũng là thật với mọi người nhất. Và như thế, lòng chân thành sẽ dẫn bước đi đến trái tim của người đối diện, mà trái tim thì rất cần cho tất cả mọi phương diện của cuộc sống, công việc cũng là một phần của cuộc sống. Tôi đã làm điều này từ khi bắt đầu làm việc đến nay và luôn luôn thành công với bí quyết đơn giản này. Tất nhiên, để đạt được sự cảm phục của mọi người trong công việc, trước tiên, mình phải giỏi về mặt chuyên môn. Đó là điều kiện cần và trái tim là điều kiện đủ.

Chị Phan Thị Nguyên Thảo (thứ 2 từ phải qua) đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Ngọc Thạch

* Theo toi duoc biet cong ty Navigos Group la mot cong ty san dau nguoi. Hien nay toi muon tim mot cong viec moi, lam quan ly cho cac cong ty nuoc ngoai, xin chi cho biet toi phai chuan bi nhung ky nang gi de co the dap ung duoc nhu cau tuyen dung cua cong ty? (Nguyen Van Duong, 34 tuổi, Nam, Binh Thanh, CNV)

- Chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo (Công ty Navigos Group): Chào bạn! Hiện nay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi tuyển người quản lý sẽ cần những ứng viên có những năng lực sau:

- Có khả năng hoạch định chiến lược, lên kế hoạch công việc cho từng đội, nhóm hay cá nhân; biết bố trí nguồn lực thích hợp, động viên và giám sát nhân viên để đảm bảo kế hoạch được thực hiện tốt; đánh giá kết quả công việc và đưa ra chương trình đào tạo phát triển cho nhân viên...

Theo tôi bạn nên chuẩn bị những kỹ năng như sau: kỹ năng quản lý, kỹ năng động viên nhân viên, kỹ năng đánh giá thành tích công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp dành cho cấp quản lý và những kiến thức cần thiết về quản trị nguồn lực... Điều quan trọng nhất là bạn cần chuẩn bị tốt cho mình những kiến thức chuyên môn về công việc và một thái độ tích cực trong công việc.

* Là một sinh viên mới tốt nghiệp tôi muốn biết yếu tố nào giúp một nhà tuyển dụng ấn tượng với một sinh viên mới ra trường. Ngoài những năng lực chuyên môn thì cần phải làm những gì để được lòng sếp. (Đỗ Tố Như, 24 tuổi, Nữ, 50 Hàng Mã - HK - Hn, Kế toán )

- Hà Huệ Chi - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng - VietnamWorks.com: Có khá nhiều yếu tố để sinh viên mới ra trường gây ấn tượng với nhà tuyển dụng: sự năng động, tính sáng tạo, chấp nhận thử thách... Hiểu rõ về công việc và công ty bạn đang ứng tuyển cũng là một cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, thể hiện bạn thật sự quan tâm đến vị trí đó, đến môi trường làm việc đó. Đặt ra những câu hỏi hay về công việc cũng sẽ giúp bạn có được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Điều quan trọng là bạn phải thể hiện những khả năng/kỹ năng phù hợp với vị trí mình đang ứng tuyển trong cả hồ sơ, thư tự giới thiệu và trong buổi phỏng vấn.

Bạn có thể tham khảo thêm những bí quyết để có thể thành công trong quá trình tìm một công việc như ý trên trang web www.vietnamworks.com.

Để làm vừa lòng sếp không có gì khác là bạn phải hoàn thành tốt công việc của mình và có những đóng góp cho công ty. Để làm được điều này, ngoài năng lực chuyên môn, bạn cần có những kỹ năng làm việc phù hợp với vị trí bạn đảm nhiệm.

* Hiện nay tôi là chuyên viên, tôi đã cố gắng nhiều trong công việc, luôn được các sếp quản lý trực tiếp đánh giá cao và đề bạt lên vị trí cao hơn, nhưng sếp "lớn" lại luôn đánh giá thấp tôi, tôi phải làm gì để thăng tiến như mong đợi. Trong vòng nửa tháng nay tôi mới chuyển sang công tại phòng mới, ở đây tôi làm việc với một sếp mới nhưng sếp mới có vẻ thiên vị người khác hơn tôi và áp đặt công việc đối với tôi, tôi phải làm sao để làm việc tốt ở những nơi này? (Chimnon, 25 tuổi, Nam, Hà Nội, Ngân hàng)

- Chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo (Công ty Navigos Group): Qua lời của bạn, tôi mong rằng bạn hãy luôn tự tin vào năng lực của mình trong công việc và điều quan trọng nhất là làm cho sếp trực tiếp của bạn thấy được năng lực của bạn. Tôi tin rằng nếu thực sự có năng lực như sếp trực tiếp bạn đánh giá thì một ngày nào đó sếp lớn của bạn sẽ thấy được điều đó.

Hãy gạt bỏ sự tự ti và tập trung nhiều hơn nữa trong công việc nhất là khi bạn chuyển sang bộ phận mới. Điều tốt nhất bạn có thể làm là tập trung làm tốt công việc của mình, cởi mở và cố gắng xây dựng được mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp. Kết quả công việc sẽ đến và sự thăng tiến sẽ chờ bạn ở phía trước.

Chị Từ Lệ Kim Dung (giữa) - đang trả lời các thắc mắc của bạn đọc. Ảnh Ngọc Thạch

* Em làm việc tại một công ty điện lực đến nay đã được 12 năm. Chức vụ hiện nay là một Phó Chi nhánh điện. Với thi gian công tác trên, em có nên thay đổi vị trí làm việc để được có điều kiện thăng tiến hơn hay không? Bởi vì theo quan điểm trong quản lý không nên làm việc tại một vị trí mà quá 10 năm. (Truong Tiến Dũng, 37 tuổi, Nam, Đa Nẵng, Kỹ sư điện)

- Chị Phan Thị Nguyên Thảo, Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc - công ty Unilever Việt Nam: Chào bạn Tiến Dũng, bạn thật là một người trung thành với công ty và thật yêu nghề, bạn đã theo đuổi công việc tại công ty điện lực được 12 năm, tôi cũng đang làm cho Unilever được gần 8 năm rồi. Tôi hiểu và chia sẻ với bạn sự gắn bó với công ty sau một thời gian dài làm việc. Bạn đã không nói rõ là trong 12 năm qua bạn đã thăng tiến như thế nào. Nếu bạn chỉ giậm chân một chỗ hoặc là chỉ qua một hai lần thăng tiến trong vòng 12 năm thì đấy mới có thể là một phần lý do để bạn cảm thấy sốt ruột và muốn thay đổi để có một tốc độ thăng tiến nhanh hơn. Trong mọi trường hợp, thay đổi công việc không phải là cách thức để được thăng tiến đâu bạn ạ, mà chính là mình đã trưởng thành như thế nào, đã sẵn sàng như thế nào để đi lên một vị trí cao hơn.

* Em làm việc ở công ty được một thời gian, công việc sếp giao em đều hoàn thành tốt. Nhưng sếp của em hay ôm đồm các công việc, em có nên đề nghị sếp giao thêm công việc cho mình không ạ? (dang thanh dung, 27 tuổi, Nam, nha trang, trang tri noi that)

- Hà Huệ Chi - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng - VietnamWorks.com: Tại sao lại không? Bạn có thể đề nghị sếp giao thêm việc cho mình nếu những công việc đó phù hợp với khả năng của bạn cũng như phù hợp với chức năng của mình. Hoặc bạn có thể nghĩ ra những công việc mới, những dự án mới đem lại lợi ích cho phòng của mình và cho công ty. Bạn nên trình bày mong muốn của mình với sếp và chuẩn bị những ý tưởng để có thể thuyết phục sếp tin tưởng và giao thêm việc cho mình.

* Nếu một người đồng cấp của công ty đối thủ trực tiếp sang làm sếp trực tiếp của mình mà năng lực của người ấy không vượt trội hơn, xin anh chị cho lời khuyên? (Tran Thanh Tu, 29 tuổi, Nam, Da Nang, Sales Executive)

- Hà Huệ Chi - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng - VietnamWorks.com: Trước hết, việc công ty bạn tuyển một người từ công ty đối thủ hẳn nhiên phải có lý do. Bạn cần phải hiểu lý do vì sao người đó có thể làm sếp trực tiếp của mình (bạn chưa thể hiện hết khả năng, bạn chưa được đánh giá cao về khả năng quản lý, người đó có khả năng quản lý...). Liệu có thật năng lực người ấy không vượt trội bạn không? Có thể năng lực bạn hơn, nhưng tại sao bạn không được thăng tiến? Sếp bạn có biết khả năng của bạn không? Bạn nên tập trung làm việc và cố gắng để thể hiện khả năng của mình. Nếu sau một thời gian, bạn vẫn thấy mình được đối xử không công bằng, khả năng của mình không được nhìn nhận, lúc đó bạn có thể trình bày nguyện vọng của mình cho sếp cao hơn; hoặc có thể tìm một công việc mới ở một môi trường mới, nơi khả năng của mình sẽ được nhìn nhận, những đóng góp của mình sẽ được trân trọng.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh Ngọc Thạch

* Trước đây tôi có làm việc tại một công ty nước ngoài, tôi xin nghỉ việc là do tôi phải làm việc dưới quyền một người rất không có năng lực nhưng xảo quyệt trong việc lấy ý tưởng người khác (cụ thể là của tôi) làm của anh ta để trình tổng giám đốc. Vấn đề là tôi đã vài lần bị nhắc nhở là ít ý kiến đóng góp trong khi hầu hết ý tưởng quản lý dự án là của tôi. Anh ta thì càng ngày càng có thêm sự tin tưởng và nhất là có người vợ còn "khéo léo" hơn cả chồng và cô ấy là cũng là một cán bộ cao cấp của cty. Tôi nghỉ việc rồi nhưng bị ám ảnh hoài vì lí do tôi xin nghỉ là do quá mệt mỏi với chuyện bon chen. Tôi không muốn sẽ gặp lại vấn đề một lần nữa, nhờ chị tư vấn giúp, trong trường hợp đó tôi phải xử sự thế nào? (Ngọc Minh, 32 tuổi, Nam, 294/4b nguyễn văn trỗi phú nhuận, Kiến trúc sư)

- Chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo (Công ty Navigos Group): Chuyện đã xảy ra ở công ty cũ đã là quá khứ, bạn có thể lấy một tờ giấy và viết hết những chuyện đã xảy ra và xếp nó lên kệ. Đừng để tâm trí của bạn níu kéo quá khứ nữa mà nó cần sự nghỉ ngơi, thanh thản. Bạn cũng cần nạp "năng lượng" mới để chuẩn bị tốt cho những cơ hội nghề nghiệp đang chờ phía trước.

* Chào chị Kim Dung, đối với những người thành đạt và được thăng tiến như mong đợi, theo chị họ có bí quyết gì? Công việc hiện tại có mang đến cho chị nhiều cơ hội thăng tiến hay không? Em hiện đang làm trong một công ty nhưng ở công việc của em thì rất khó được thăng chức nữa. Vì trong phòng đã được cấu trúc rõ ràng và có đầy đủ nhân sự nắm tất cả các vị trí rồi. Nhiều khi, em nghĩ mình cố gắng nữa vì gì? Mong chị cho em một lời khuyên ạ. Em cảm ơn chị rất nhiều. (Hải Hà, 29 tuổi, Nữ, Q.Ba Đình, Hà Nội, Nhân viên Kinh doanh)

- Chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo (Công ty Navigos Group): Đối với một người muốn thăng tiến không những cần có năng lực chuyên môn tốt mà còn phải biết xây dựng tốt những mối quan hệ trong công việc, ngoài ra còn cần khả năng định hướng tốt trong công việc. Để trở thành một người thành đạt ngoài những yếu tố trên, người đó còn phải biết nắm bắt cơ hội, liều lĩnh và cần một chút may mắn.

Nếu nhận định của bạn rằng bạn không còn cơ hội thăng tiến ở công ty hiện tại là đúng thì bạn nên tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác. Ngược lại, bạn nên dành nhiều thời gian để làm tăng hiệu quả công việc, tìm kiếm những cách làm mới, những định hướng mới khi đó cơ hội thăng tiến sẽ đến với bạn.

* Đầu tiên xin cảm ơn TNO và Vietnamworks đã phối hợp để thực hiện chương trình này! Tôi xin nêu 1 câu hỏi: Trường hợp của tôi, kỹ sư tin học, vào làm ở một công ty (đầu tiên) cho đến nay, tuy công việc có sự thay đổi nhưng không rõ nét, tôi có năng khiếu làm tất cả mọi công việc, nên thường đảm trách rất nhiều việc. Mức lương của tôi so với lúc vào làm chỉ tăng vỏn vẹn 2 lần, lần đầu tăng từ mức thử việc lên chính thức (15%), lần sau tăng thêm 20% nữa và nằm lại đó cho đến nay!

Tôi muốn hỏi rằng, nghề IT là một nghề cần đầu tư kiến thức chuyên môn cao, bản thân tôi là 1 kỹ sư IT giỏi (chính ban lãnh đạo xác nhận) và là duy nhất trong công ty. Nhưng với một mức lương gấp 3 lần mức lương tối thiểu hiện nay, ở vị trí một NV của một Cty tư nhân có trên 150 NV thì có xứng đáng hay không? Hiện nay, tôi vừa làm công tác tổ chức, vừa kiêm luôn quản trị tin học, lại đảm luôn vị trí kế toán ngân nàng. Từ việc quản trị mạng (domain), thiết kế, quản trị website, thiết kế phần mềm, thiết kế marquete, prochure quảng cáo, tờ rơi (liên quan đến corel, photoshop), cài đặt, sửa chữa máy tính, làm công tác tổ chức (làm lương, BHXH), kế toán NH, thậm chí đến việc gõ văn bản... Nói chung, việc gì tôi cũng đảm trách (làm tốt).

Có phải tôi làm quá nhiều việc nên trong mắt của lãnh đạo, tôi là 1 nhân viên nhỏ hay không? Nên sau 4 năm công tác, lương tôi chỉ bằng đa số anh em làm việc ở vị trí bình thường khác (!?). Tôi nên tiếp tục cộng tác hay không? Nếu tiếp tục thì có nên đảm trách hết mọi việc hay không? (hiện tại không có ai làm ở các vị trí này cả). Cần nói thêm là tuy lương chỉ có thế, nhưng lãnh đạo sống, cư xử rất tình cảm với tôi! Và tôi chưa lần nào tự ý xin nâng lương cả! Cuối cùng xin chân thành cảm ơn TNO và VNworks đã cho tôi 1 cơ hội để được tư vấn. (Nguyễn Hoài Nam, 28 tuổi, Nam, 52 QL1 TP Sóc Trăng, Quản Trị Tin Học)

- Hà Huệ Chi - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng - VietnamWorks.com: Bạn có bao giờ nói chuyện thẳng thắn về công việc với Ban lãnh đạo công ty chưa? Vì sao những công việc không thuộc chuyên môn của bạn như công tác tổ chức (làm lương, BHXH), kế toán NH, thậm chí đến việc gõ văn bản... lại không có người đảm nhận? Vì sao bạn vẫn phải tiếp tục đảm đương những công việc đó? Bạn làm tốt không có nghĩa là bạn phải làm, trừ khi bạn chủ động đề nghị được làm. Còn về vấn đề lương, mức tăng và thời hạn tăng lương của bạn có theo đúng cấu trúc lương của công ty không? Nếu bạn cảm thấy có sự không công bằng trong vấn đề lương và công việc, bạn hãy nói chuyện với người quản lý trực tiếp của mình để có thể trình bày những suy nghĩ và nguyện vọng của mình. Tôi nghĩ rằng nếu ở một môi trường làm việc tốt như công ty bạn, nơi bạn nhận được sự quan tâm và tình cảm từ ban lãnh đạo, bạn sẽ được lắng nghe và được giải đáp những thắc mắc của mình.

Bạn cũng có thể tham khảo thêm những mẹo để có thể đàm phán/thương lượng để có được mức lương mình mong muốn trong phần Hướng nghiệp của trang web VietnamWorks.com. Chúc bạn thành công.

Ảnh Ngọc Thạch

* Lẽ ra ở vào tuổi của tôi bây giờ là một công việc ổn định nhưng giờ tôi lại là một người thất nghiệp, phải bắt đầu lại từ đầu, lý do công ty mà tôi đã làm và gắn bó từ lúc ra trường (năm 2000) tới thời điểm hiện nay đã phải sát nhập. Trình độ chuyên môn tôi có (Cử nhân luật) nhưng tôi bị một hạn chế "chết người" là tiếng Anh tôi rất tệ. Nên tôi rất không tự tin khi đi xin việc ở những công ty lớn. Tôi đang dự định sẽ bỏ ra 6 tháng để đi học tiếng Anh để sau sáu tháng tôi có một công việc tốt và ổn định. Xin hãy cho tôi một lời khuyên, thưc sự tôi đang rất bế tắc. (Tần Thanh Loan, 30 tuổi, Nam, A7 Phường 8 Quang Trung, GV)

- Hà Huệ Chi - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng - VietnamWorks.com: Xin chia sẻ cùng bạn. Ngoài tiếng Anh, trong thời gian tới, bạn cần trau dồi thêm kiến thức cập nhật trong lĩnh vực của mình cũng như những kỹ năng hỗ trợ cho công việc bạn mong muốn. Bạn biết những hạn chế của mình và có kế hoạch để khắc phục, tôi tin bạn sẽ tìm được một công việc tốt, phù hợp với khả năng của mình trong thời gian tới.

Để có thể tiếp cận được mọi cơ hội việc làm, bạn có thể đăng hồ sơ trực tuyến trên trang web www.vietnamworks.com. Trong hồ sơ của mình, bạn nên cung cấp những thông tin chi tiết về kinh nghiệm và kỹ năng. Một hồ sơ tốt có thể giúp bạn tiếp cận với hàng trăm nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các ứng viên tiềm năng trên VietnamWorks.com. Bạn còn có thể chủ động tìm kiếm những công việc bạn yêu thích và gởi hồ sơ dự tuyển. Chúc bạn tìm được một công việc tốt và ổn định như mong muốn.

* Để thăng tiến trong công việc, một đều không thể thiếu là phải được lòng sếp. Anh chị nghĩ sao về điều này? (Bùi Thanh Quảng, 22 tuổi, Nam, 325/70B, Bạch Đằng, Bình Thạnh,TPHCM, Nhân viên XNK)

- Chị Phan Thị Nguyên Thảo, Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc - công ty Unilever Việt Nam: Câu hỏi của bạn cực kỳ ấn tượng. Tôi rất thích. Bạn biết không, tôi vừa trả lời một câu hỏi của bạn đọc với đầy tâm huyết và khá dài.Thế rồi có sự cố gì đó với entry của tôi, nên toàn bộ câu trả lời tâm huyết ấy biến mất khỏi màn hình, không lưu lại được... Tôi định nản chí rồi, thì câu hỏi của bạn xuất hiện. Cảm ơn bạn đã cho tôi tìm lại nhiệt huyết để trả lời tiếp tục.

Tất nhiên là phải được lòng sếp rồi. Tôi đồng ý. Vấn đề là được lòng như thế nào? Theo tôi được lòng có nghĩa là sếp phải nể phục mình, vì mình giỏi (chuyên môn) và vì mình biết đối nhân xử thế, biết làm cho đồng nghiệp tôn trọng, biết làm cho nhân viên cảm phục và có thể học hỏi được từ mình, biết tôn trọng góp ý và hướng đi mà sếp đề ra, đồng thời cũng biết chiến đấu một cách hợp lí cho lập trường quan điểm của chính mình. Bạn biết không, còn 1 điều nữa, theo tôi, khá thú vị , đó là để được lòng sếp, sếp còn phải cảm thấy cũng học hỏi được từ mình nữa, có như thế thì sếp mới cảm thấy giá trị của chính bạn.

 

* Tôi là một người tham vọng, rất muốn thăng tiến trong công việc nhưng tính tôi cương trực, không thích nịnh bợ nhưng tôi thấy hầu như các sếp hiện nay ít quan tâm tới những người làm được việc mà phần lớn là chọn người theo sở thích của mình(hợp với sếp). Xin chuyên gia cho biết ý kiến của mình về vấn đề này. (Nguyễn Thị Phượng, 28 tuổi, Nữ, Đồng Nai, Kế toán)

- Chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo - Công ty Navigos Group: Chắc hẳn bạn cũng biết thẳng thắn, cương trực nhưng cư xử khéo léo không nóng nảy; làm hài lòng người khác (đắc nhân tâm) khác với lại nịnh bợ. Tôi rất vui vì bạn là người cương trực, không nịnh bợ nhưng cơ hội thăng tiến sẽ đến với bạn nhiều hơn nếu bạn "khéo léo" và biết cách làm hài lòng người khác.

* Sau vài năm làm việc tôi thấy sếp cứ giao những công việc bình thường, tôi nghĩ chắc sếp muốn thử sự nhẫn nại của mình, nhưng qua 5 năm làm việc mà sếp vẫn vậy. Tôi nghĩ mình nên ra đi hay thẳng thắng nói với sếp nguyện vọng của mình? Xin các anh chị cho lời khuyên. (NGUYỄN TẤN ĐẠT, 29 tuổi, Nam, BÌNH CHÁNH - TPHCM, Kỹ thuật viên)

- Chị Phan Thị Nguyên Thảo, Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc - công ty Unilever Việt Nam: Chào bạn, không ai muốn thử sự nhẫn nại của nhân viên mình trong suốt 5 năm. Tôi nghĩ rằng bạn nên trình bày thẳng thắn với cấp trên của mình băn khoăn của bạn. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ tìm thấy câu trả lời rất bổ ích từ sếp của mình. Bạn sẽ biết những lĩnh vực mà bạn có thể đã thực hiện chưa đạt yêu cầu. Hoặc bạn có thể xác nhận được rằng sếp của bạn chưa bao giờ quan tâm đến sự thăng tiến và phát triển nghề nghiệp của bạn. Sau đó bạn thanh thản có một quyết định cho mình.

* Chào chị Huệ Chi, em đã làm việc cho một cty dịch vụ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được hơn 2 năm, em luôn nỗ lực để được thăng tiến. Và em thấy mình đã và đang làm rất tốt mọi việc mà cty giao phó, nhưng sếp vẫn chưa cảm nhận được điều đó. Nhiều lần em có đề nghị sếp tăng lương nhưng bất thành. Làm thế nào để sếp nhận ra sự cố gắng của em hả chị? (Quý Hợi, 25 tuổi, Nam, HCM, Kỹ sư)

- Hà Huệ Chi - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng - VietnamWorks.com: Ngoài việc làm tốt công việc được giao, để có thể được nhìn nhận và thăng tiến, em cần có sự chủ động trong công việc; có những ý tưởng sáng tạo đem lại lợi ích cho nhóm, phòng hay công ty. Để thăng tiến, em cần ở mức "trên mức mong đợi" chứ không phải là "đạt yêu cầu" của người quản lý.

Nhiều lần em đề nghị tăng lương nhưng bất thành, có nghĩa là những lý do em đưa ra chưa thuyết phục được sếp. Điều này có nhiều lý do: sếp mong muốn ở em nhiều hơn, những đóng góp của em không rõ ràng, thời điểm em đề nghị không phù hợp, cơ cấu lương của công ty không cho phép... Em cần biết sếp mong muốn ở em điều gì và những mục tiêu em cần đạt được để có thể lên một vị trí cao hơn.

* Theo anh chị thì nghề nhân sự cần có những "kỹ năng mềm" nào cần thiết? Em đang làm nhân sự và rất muốn gắn bó với nghề này lâu dài thì cần phải học hỏi thêm những kiến thức chuyên môn gì? (Nguyễn Thị Thùy Lan, 25 tuổi, Nữ, 162 Thái Hà, Chuyên viên Nhân sự)

- Chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo - Công ty Navigos Group: Người làm nghề nhân sự sẽ có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều cấp bậc khác nhau. Do đó, người làm nghề nhân sự cần phải có những kỹ năng "mềm" như:

- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng trình bày
- Kỹ năng xây dựng niềm tin
- Kỹ năng làm việc theo nhóm
- Kỹ năng thương lượng (cả 2 bên cùng có lợi)

Muốn gắn bó với nghề nhân sự, bạn cần có những kiến thức chuyên môn về quản trị nguồn lực trong các lĩnh vực: tuyển dụng, đào tạo và phát triển, tiền lương và phúc lợi, quan hệ lao động. Ngoài ra bạn cần có một tố chất cần thiết cho nghề nhân sự là giữ được cái "tâm" vì con người là đối tượng làm việc trong nghề nhân sự.

* Thăng tiến trong công việc nên hiểu như thế nào cho đúng? Đó có phải là nắm giữ một chức vụ cao hơn chức vụ bạn được đào tạo để làm hay không? Ví dụ một người được đào tạo ra làm thư ký, kế toán viên, tài xế thì phải hiểu thăng tiến đối với họ là gì? Họ phải được đề bạt lên làm trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc... thì mới được gọi là thăng tiến hay sao? (Võ Hoàng Sơn Tân, 32 tuổi, Nam, 339/30 Ng. Thái Bình, P.12, Q.TB, Giáo viên)

- Chị Phan Thị Nguyên Thảo, Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc - công ty Unilever Việt Nam: Câu hỏi hay quá, khiến cho tôi có một định nghĩa mới về thăng tiến xin được chia sẻ ngay với bạn. Thăng tiến là mình thấy mình lớn hơn, cảm giác rất toại nguyện bạn à. Thăng tiến giống như em bé tập bò, rồi đứng lên, rồi chập chững biết đi, và đi thật vững vàng. Thăng tiến không phải là những chức vụ, có điều người ta thường lấy chức vụ ra để cụ thể hóa và đo lường mức độ thăng tiến. Một chút về bản thân tôi để bạn thấy ví dụ nhé. Tôi bắt đầu công việc là một nhân viên lễ tân, chỉ nghe điện thoại, đón khách, sau đó tôi làm thư ký... Bạn thấy sao?

* Tôi là một công chức nhà nước, công tác đã được 05 năm, tôi rất yêu nghề, nhưng hiện nay môi trường làm việc tôi không hài lòng, không có sự công bằng trong phân công công việc của lãnh đạo, người nào làm tốt thì sẽ làm nhiều việc, trách nhiệm nhiều, người nào làm không tốt thì sẽ được ngồi chơi, và lãnh lương thì như nhau, bổ nhiệm cũng như nhau, tôi thấy không công bằng, nên chán. Tôi mới cưới vợ, thu nhập thấp, không đủ sống, vậy tôi có nên chuyển công tác ra khối doanh nghiệp làm không? Hãy cho tôi một lời khuyên. (duy phuc, 30 tuổi, Nam, Đà Nẵng, Công chức)

- Hà Huệ Chi - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng - VietnamWorks.com: Tôi khuyên bạn nên tìm một công việc mới. Cơ hội nằm trong tay bạn nếu bạn có năng lực, có kỹ năng làm việc và thái độ làm việc tích cực. Mỗi ngày, có hơn 100 công việc mới trên trang web VietnamWorks.com; bạn có thể tìm cho mình một công việc yêu thích ở một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nơi đó, những đóng góp của bạn được nhìn nhận, được trân trọng; và bạn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp của mình.

* Các nhà quản lý dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá năng lực nhân viên? Tôi làm việc hiệu quả nhưng do bộ phận của tôi đã đủ "sếp" nên tôi vẫn cứ ì ạch là nhân viên. Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của mình tôi có thể đề xuất gì cho phòng nhân sự không? (Tuan, 26 tuổi, Nam, Le quang dinh, TpHCM, Dealer ngoại tệ vàng.)

- Chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo (Công ty Navigos Group): Thông thường, nhà quản lý sẽ dựa trên 2 nhóm tiêu chí cơ bản là trách nhiệm công việc được hoàn thành, những kỹ năng bạn dùng để hoàn thành công việc.

Theo cá nhân tôi, bạn nên trao đổi với phòng nhân sự để đặt ra những tiêu chí đánh giá cho công việc của bạn trong năm tới. Nên nhớ rằng những tiêu chí này phải cụ thể, rõ ràng và đo đạc được (tiêu chí SMART). Ngoài ra bạn cũng cần trao đổi kế hoạch phát triển nghề nghiệp cho cá nhân bạn thông qua những kế hoạch đào tạo, kèm cặp. Những tiêu chí đánh giá trên có thể xem xét lại để sửa đổi phù hợp tùy theo từng thời điểm và nên thực hiện giữa kỳ.

* Làm thế nào để chúng ta có thể làm hài lòng người khác khi họ là sếp nhưng nếu nói thật lòng thì mình không mấy hài lòng về sếp của mình? (ngô thị thu thảo, 21 tuổi, Nam, 13 hàn thuyên phường hải cảng, thành phố quy nhơn tỉnh bình định, sinh viên)

- Chị Phan Thị Nguyên Thảo, Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc - công ty Unilever Việt Nam: Câu hỏi của bạn thật thẳng thắn. Câu trả lời của tôi cũng rất đơn giản mà thôi. Nếu bạn không tâm phục khẩu phục sếp của mình thì không nên tiếp tục làm việc với thái độ như thế. Cảm phục cấp trên là một trong những nguồn động viên để con người ta làm việc. Có thể mong muốn của bạn về một người sếp hoàn toàn không đúng với thực tế mà bạn có được. Trong trường hợp này, bạn hãy tìm lối ra cho mình và có 2 cách. Một là sếp của bạn thay đổi theo chiều hướng mà bạn muốn (vì thế bạn nên trao đổi mong muốn của bạn với sếp); điều này không dễ đâu nhé. Hoặc là bạn sẽ điều chỉnh mong muốn của mình. Và cách cuối cùng là bạn hãy đi tìm cơ hội khác. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, một người khi đã được bổ nhiệm làm sếp, thì chắc chắn phải có tố chất để mình cảm phục và học hỏi. Trong cuộc đời làm việc của tôi, chưa bao giờ có 1 người sếp mà tôi không cảm phục. Tôi có may mắn quá chăng?

* Chào chị Từ Lệ Kim Dung, em hiện đang làm giám đốc 1 chi nhánh của Công ty cổ phần tại Đà Nẵng mở tại TP Qui Nhơn. Em người Đà Nẵng nhưng vì để có kinh nghiệm và cơ hội thăng tiến trong công việc em chập nhận đi làm xa 1 thời gian, theo cam kết của ban lãnh đạo thì phải làm việc ở đây 2 năm, cho đến giờ đã đến thời gian như cam kết nhưng em vẫn chưa nhận được quyết định chuyển về hay định hướng rõ ràng cho em. Thời gian em làm việc ở đây luôn hoàn thành tốt. Em rất nản chí vì phần mới lập gia đình và mới có em bé. Em dự định đưa đơn xin nghỉ để về Đà Nẵng tìm cơ hội mới. Theo chị em nên làm thế nào? Theo em được biết nhân sự tại Tổng công ty của em đã ổn định về bộ máy quản lý. Vậy em có nên tiếp tục ở lại đây để chờ cơ hội thăng tiến hay tìm cơ hội khác. Về thu nhập tại đây cũng không mặn mà đối với em. Mục đích của em trong thời gian qua là để lấy kinh nghiệm. Chị hãy tư vấn giúp em nhé. Cảm ơn chị nhiều. (Lương Văn Tín, 31 tuổi, Nam, 56 Điện Biên Phủ - Tp Đà Nẵng, QTKD)

- Chị Từ Lệ Kim Dung - Trưởng phòng Tư vấn Dịch vụ Đào tạo (Công ty Navigos Group): Theo tôi, bạn nên chủ động trao đổi với tổng công ty để có được một kế hoạch phát triển nghề nghiệp cho mình: một công việc mới, một mức lương mới hay xin chuyển về Đà Nẵng theo như nguyện vọng của bạn. Bởi vì bạn đã xây dựng được một công việc ổn định và có những kinh nghiệm quý báu ngay tại vị trí bạn đang làm. Chắc chắn là công ty bạn đang làm sẽ muốn tận dụng tốt những kinh nghiệm đó. Đừng vội tìm cơ hội khác nếu bạn chưa cố gắng và chủ động tìm cơ hội ngay tại công ty của mình. Nếu bạn chuyển sang một công ty mới, bạn sẽ tốn công sức và thời gian để tạo dựng lại vị trí cho mình.

Thanhnien Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.