Phiên bản “Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”

28/10/2007 02:18 GMT+7

Tranh cãi về lá chắn tên lửa giữa Mỹ và Nga hiện nay làm người ta nhớ lại Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba hơn 40 năm về trước.

Năm 1962, Chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn cao trào. Người Mỹ bất ngờ thông báo họ đã phát hiện kình địch Liên Xô triển khai tên lửa ở Cuba, chỉ cách bán đảo Florida chưa tới 150 km. Lập tức quân đội Mỹ được đặt trong tình trạng báo động. Căng thẳng giữa hai "kho vũ khí hạt nhân" lớn nhất thế giới không ngừng leo thang. Một cuộc chiến tranh hạt nhân chực chờ xảy ra. Khủng hoảng chỉ được giải tỏa sau khi Liên Xô đồng ý dỡ bỏ các căn cứ ở Caribe và Mỹ cam kết không tấn công Cuba.

Hơn 40 năm sau, thế giới lại chứng kiến câu chuyện tương tự. Người Mỹ lên kế hoạch đem radar cùng tên lửa đánh chặn tới đặt ở Czech và Ba Lan, hai nước nằm cách không xa biên giới Nga. Washington dùng đủ lý lẽ để trấn an Moscow, rằng lá chắn này chỉ để ngăn tên lửa từ Iran chứ không phải từ Nga, rằng đây chỉ là một phương án tự vệ... Tuy nhiên, điều đó không làm người Nga thôi giận. Việc một cường quốc quân sự mang tên lửa tới đặt "bên hông" nước Nga là điều không thể chấp nhận đối với Moscow. Chưa kể hệ thống radar có thể được sử dụng để săm soi hoạt động quân sự của Nga. Vì thế, tranh cãi nổ ra. Để tránh căng thẳng, hai phía đã gặp nhau liên tục với nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng chẳng ăn thua. Đề xuất của Nga luôn bị Mỹ bác và ngược lại.

Tình hình trên khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin nhớ lại những gì xảy ra hồi thập niên 60. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Nga ở Bồ Đào Nha, vào hôm 26.10, vị nguyên thủ Nga nói: "Để tôi nhớ lại xem quan hệ đã trở nên căng thẳng như thế nào trong một tình huống tương tự vào những năm 60. Những hành động tương tự của Liên Xô, triển khai tên lửa tại Cuba, đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng. Đối với chúng tôi, về mặt kỹ thuật, tình thế hiện nay là rất giống". Nhưng ông Putin cũng nói thêm rằng căng thẳng hiện tại sẽ không lên đến mức như trong quá khứ, bởi "Nga và Mỹ không còn là kẻ thù... Chúng tôi là đối tác".

Phút hồi tưởng của ông Putin khiến người Mỹ chột dạ. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack vội vàng lên tiếng rằng tình hình hiện nay "có khác biệt rõ ràng" với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. "Tôi không cho rằng chúng giống nhau về mặt lịch sử", Hãng tin AP dẫn lời ông McCormack. Phản ứng từ Mỹ cho thấy phần nào tính nghiêm trọng trong thông điệp của ông Putin. Qua phát biểu "vu vơ" này, ngài chủ Điện Kremlin muốn gửi tới người Mỹ lời cảnh báo rằng tình hình đang ngày một xấu đi.

Tổng thống Putin cũng muốn giới chức Mỹ lưu ý rằng nước Nga hiện nay đã qua cái thời khủng hoảng hậu Liên Xô và đã khôi phục lại vị thế của một cường quốc, điều mà Liên Xô từng có trước đây. Tính chất "nhắc nhở" trong thông điệp của ông Putin càng rõ hơn khi ông nhấn mạnh: "Nga đã rút căn cứ khỏi Việt Nam và Cuba, nhưng giờ lại có mối đe dọa hiện diện sát biên giới chúng tôi". Theo Hãng tin RIA Novosti, ông Putin cũng tỏ rõ sự thất vọng đối với Mỹ khi nói rằng Nga đã đưa ra nhiều đề xuất trong lĩnh vực an ninh nhưng "đáng tiếc là chúng tôi chưa nhận được câu trả lời nào".

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.