Cần xóa ngay những “trại” xem mắt cô dâu Việt

25/09/2007 00:03 GMT+7

Báo Thanh Niên hôm qua 24.9 đăng bài Đem 65 cô gái cho 2 người đàn ông chọn vợ, nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại đến tòa soạn tỏ thái độ bức xúc trước kiểu lập "trại" để xem mắt cô dâu Việt. Vấn đề ở đây là: Tại sao hiện tượng ấy cứ lặp đi lặp lại và ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam hứng chịu những hậu quả nặng nề?

Ngay trong sáng qua, chúng tôi đã làm việc với một số cơ quan chức năng tại TP.HCM và được biết thêm nhiều "hành vi" lạ lùng khác của những đường dây môi giới hôn nhân hoạt động bất hợp pháp này.

Các cô gái  bị... khám cả  "bên trong"!

Ngày 15.7.2007, Công an TP.HCM phối hợp với Công an tỉnh Long An phát hiện gần 100 cô gái đang được "xem mắt" tại khách sạn Trâm Hoa Mai (H.Đức Hòa, tỉnh Long An). Trong lời khai nhận của bà Nguyễn Thị Chậm (54 tuổi, ngụ ở Q.11, chủ tiệm cho thuê áo cưới) có đoạn như sau:

"Đầu tháng 6.2007, tôi có quen với Vòng Dũng Hùng và một người Hàn Quốc tên là Ham do 2 người này đến thuê áo cưới. Sau đó, ông Ham có nhờ tôi đến khách sạn Tân Hoa Mai 2 lần để giúp ông trong việc tổ chức xem mắt. Lần thứ 3 thì bị bắt. Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra thực tế thân thể cô dâu, gồm: phần lưng và phần bụng. Các cô gái được người Hàn Quốc chọn, tôi sẽ dẫn cô gái đó vào phòng vệ sinh giở áo lên xem bụng có vết nứt nẻ (dấu hiệu đã qua sinh nở) hay không... Công việc của tôi được trả thù lao 300.000 đồng/cô gái được chọn; ngoài ra tôi còn kiếm được tiền từ tiền lời thuê áo cưới, tiền hoa hồng đặt tiệc đám cưới ở nhà hàng"...

Một người đàn bà chuyên cung cấp các cô gái cho các cuộc "xem mắt" là Huỳnh Thị Thu Thủy (37 tuổi, ngụ ở Q.10, bị xử lý trong vụ ngày 10.4.2007, tại Q.Tân Bình) thì khai:

"Tôi làm nghề nuôi phụ nữ VN để cung cấp cho những người môi giới hôn nhân từ khoảng 2005 đến nay. Tháng 9.2006, tôi đã từng nuôi phụ nữ tại một căn nhà ở hẻm 1170 đường 3 Tháng 2, P.12, Q.11 và bị công an xử phạt 15 triệu đồng. Sau đó, tôi tiếp tục nuôi từ 7 - 10 cô gái VN tại nhà để cung cấp cho môi giới. Nếu cô gái nào được chọn làm vợ Hàn Quốc, tôi sẽ được cô gái đó cho từ 2,8 - 3 triệu đồng. Ngày 9.4, tôi chở 8 phụ nữ đến nhà ông Khềnh (số 416/12 u Cơ, P.10, Q.Tân Bình) để cho người Hàn Quốc chọn vợ thì bị bắt. Tại đây, có đến 118 cô gái đang được xem mắt"…

Còn rất nhiều những lời khai của những người trong cuộc. Tuy nhiên, chỉ cần đọc bản tự khai của 2 người nắm giữ 2 vai trò khác nhau trong những đường dây môi giới hôn nhân bất hợp pháp đã bị lực lượng công an triệt phá, cũng đủ để thấy hết quy mô tổ chức, mức độ sai phạm... của những đường dây này và thân phận của những cô gái trước khi được lấy chồng.

Môi giới trái phép xuyên quốc gia

Thông tin mới nhất về vụ tổ chức hôn nhân trái phép tại nhà hàng Đại Nam (Q.Bình Thạnh) là Cơ quan Công an đã phát hiện Hong Hanpyo (44 tuổi) chính là người dẫn 2 người đàn ông Hàn Quốc, gồm: L.K.H (36 tuổi, thợ mộc) và K.C.H (37 tuổi, buôn bán) qua VN coi mắt chọn vợ.

Lúc 10h30 ngày 23.9, khi lực lượng công an ập vào kiểm tra và lập biên bản xử lý thì Hong Hanpyo đã ẩn nấp bên trong khuôn viên của nhà hàng, mãi đến chiều cùng ngày, những trinh sát mới phát hiện Hong Hanpyo và tiến hành ghi nhận lời khai. Tại trụ sở công an, Hong Hanpyo cho biết đang làm việc ở công ty môi giới hôn nhân tại Hàn Quốc có tên gọi "Một tình yêu".

Số tiền Hong Hanpyo sẽ nhận được nếu 2 người này chọn được vợ VN từ công ty là 2 triệu won/ người (tương đương 1.000 USD). Trong số 65 cô gái được đưa đến nhà hàng Đại Nam cho L.K.H và K.C.H xem mắt có 1 cô ở Bạc Liêu, số đông còn lại là dân hai tỉnh Cà Mau và Bình Thuận. Qua  điều tra, Cơ quan Công an đã xác định đường dây môi giới hôn nhân này do Huỳnh Thị Bích Nga (34 tuổi, lấy chồng Hàn Quốc năm 2001) móc nối với công ty môi giới ở Hàn Quốc để đưa người Hàn Quốc về xem mắt các cô gái VN và tổ chức hôn nhân tại VN để ăn tiền hoa hồng.

Như vậy đã rõ: từ những nhu cầu có thật của các cô gái Việt và những chàng trai Hàn, các đường dây môi giới hôn nhân trong và ngoài nước hình thành, tìm kiếm lợi nhuận. Lâu nay, dư luận đã lên tiếng cảnh báo, khuyên can và thậm chí đưa cả những kết cuộc bi thương về thân phận một số cô gái lấy chồng Hàn Quốc lên mặt báo... Nhưng, tại sao các đường dây môi giới hôn nhân bất hợp pháp vẫn tồn tại và phát triển?

Mức xử phạt chưa đủ răn đe

Tất cả các đối tượng chủ chốt trong những đường dây tổ chức, môi giới hôn nhân bất hợp pháp bị phát hiện và bị triệt phá tại TP.HCM từ trước đến nay đều chỉ bị xử phạt hành chính, chưa có người nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự!

Đó là lời khẳng định của Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) - Công an TP.HCM với chúng tôi khi được hỏi về việc xử lý các đối tượng vi phạm. Và như thế, có trường hợp đối tượng bị xử phạt đến lần thứ hai nhưng khi bị đưa về trụ sở công an, họ vẫn ung dung.... ngồi cười!

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thiếu tá Trần Hữu Hiệp, Đội phó Đội 5 -  PC14 cho biết: "Theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, mà cụ thể là Nghị định 150/2005/NĐ - CP thì Cơ quan Công an chỉ được lập biên bản xử phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng đối với những người nói trên về hành vi môi giới, dẫn dắt, tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự".

Theo thiếu tá Hiệp, những người Hàn Quốc bị giữ trong các vụ "xem mắt" chọn cô gái VN làm vợ trái phép như thế cũng chỉ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng (về hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh cư trú và đi lại). Còn các cô gái được đưa đi "xem mắt" thì xử lý bằng cách giáo dục, đưa về quê theo chương trình 130 (tức chương trình phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em).

Mở các nghị định, văn bản pháp quy... liên quan đến vấn đề này ra, chúng tôi thấy các cơ quan chức năng không hề thiếu quan tâm đến hiện trạng những đường dây môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật hoạt động ngày càng nhiều. Những văn bản ấy cũng có phân công cơ quan chức năng nào làm việc gì, như: Công an chuyên đi triệt phá các đường dây môi giới; Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành làm nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền cho những cô gái; Sở Lao động - Thương binh - Xã hội làm nhiệm vụ tiếp nhận, đưa đón các cô gái có hoàn cảnh khó khăn về với gia đình...

Phải chăng các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình?

Hữu Phú - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.