Lao đao nghề bảo mẫu

14/09/2007 22:37 GMT+7

* Phí gửi con bán trú: Rẻ hơn gửi một chiếc xe! * Bếp ăn bán trú ở trường tiểu học có nên tồn tại? Mới nghe làm bảo mẫu, nhiều người chỉ tưởng rằng đó là nghề giữ trẻ đơn giản như trông trẻ gia đình. Tuy nhiên, có tận mắt chứng kiến một ngày làm việc của các bảo mẫu ở trường tiểu học mới biết được sự vất vả của nghề. Vất vả thì nhiều, đồng lương lại thấp, nhiều bảo mẫu có ý định bỏ trường.

Vui buồn nghề bảo mẫu

Một ngày của một bảo mẫu bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng đến 5 giờ 30 chiều. Có mặt tại trường trước khi học sinh đến lớp để quét dọn, lau chùi bàn ghế. Khi học sinh vào lớp, bảo mẫu tiếp tục lo giặt giũ khăn mặt, mền gối, chuẩn bị bàn ăn cho các em. Giờ ăn trưa là thời gian bận rộn nhất trong ngày vì với sĩ số 40 học sinh cùng ăn một lúc là điều khá vất vả. Ăn xong, các bảo mẫu tiếp tục giúp học sinh đánh răng, rửa mặt, chuẩn bị chỗ ngủ trưa. Khi học sinh yên giấc, bảo mẫu mới được ăn trưa và nghỉ ngơi. Hết giờ ngủ trưa, bảo mẫu giúp các em dọn dẹp chỗ ngủ, rửa mặt. Tiếp tục chuẩn bị giờ ăn xế rồi giúp các em chải đầu, chỉnh trang quần áo chuẩn bị ra về. Khi sân trường không còn bóng dáng học sinh, các bảo mẫu lại tiếp tục quét dọn lớp học. Cứ thế, ngày qua ngày nghề bảo mẫu như một công việc lặp đi lặp lại mà không hề nhàm chán bởi mỗi ngày từng niềm vui nỗi buồn cứ đan xen vào nhau như động lực thúc đẩy lòng yêu trẻ và hăng say với nghề.

Nghề bảo mẫu cũng lắm chuyện vui mà cũng nhiều nỗi buồn. Chị Tuyết Mai, bảo mẫu lớp 4/4 trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 kể: "Làm bảo mẫu mỗi lớp rất khác nhau do tâm lý học sinh ở mỗi lứa tuổi khác nhau. Ở lớp 4, lớp 5, học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì đôi khi bảo mẫu còn phải thay mẹ các em để chăm lo chuyện hướng dẫn vệ sinh cho các em gái. Ở lứa tuổi này, các em chưa biết gì nên việc giải thích, hướng dẫn cũng không dễ chút nào".

Chị Khế, bảo mẫu lớp 1 trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn - Tân Bình tâm sự: "Chuyện học sinh lớp 1 "tè dầm" hay "ị" trong quần là chuyện thường ngày, nhất là ở thời gian đầu đến trường. Do các em mới chuyển đổi từ trường mầm non sang trường tiểu học nên tâm lý các em dễ thay đổi bất thường. Còn chuyện buồn cũng có, đôi khi do phụ huynh không kịp tìm hiểu nguyên nhân mà chỉ nghe các cháu về kể lại đã vội vàng phản ảnh với nhà trường, chẳng hạn như bảo mẫu đã thay quần áo cho các em nhưng rồi các em lại làm vấy bẩn. Khi đón con, phụ huynh chưa kịp hỏi đã trách móc bảo mẫu không chu đáo".

Nguy cơ bỏ trường cao

Có thâm niên 6 năm trong nghề, nhưng đôi lúc chị Ngọc Nhung, bảo mẫu lớp 1/2 trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Q.1 cũng muốn bỏ cuộc vì đồng lương chỉ 700.000đồng/tháng, ít đến nỗi không đủ nuôi sống bản thân thì làm sao lo cho gia đình.

Khi mô hình bán trú được hình thành, nhà trường đã có thêm bộ phận cấp dưỡng, bảo mẫu, lao công phục vụ. Các nhân viên này đã qua tuyển dụng theo tiêu chuẩn: Văn hóa lớp 12/12, sức khỏe tốt, không mắc bệnh tiêu hóa và đường hô hấp.

Mức thu nhập hằng tháng của từng bộ phận trên được thỏa thuận như sau: từ 700.000 đồng - 900.000 đồng cho một cấp dưỡng (kể cả độc hại), từ 600.000 đồng - 700.000 đồng đối với bảo mẫu và 500.000 đồng cho một nhân viên lao công phục vụ. Thời gian làm việc của họ bắt đầu lúc 6 giờ 30 đến 17 giờ 30 cho 5 ngày làm việc trong tuần.

Để đảm bảo cuộc sống, đa số bảo mẫu ngoài giờ làm việc tại trường, các chị còn làm rất nhiều nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Chị Ngọc Nhung cho biết ngoài giờ làm ở trường, buổi tối và các ngày cuối tuần ai thuê việc gì chị làm việc ấy. Có khi làm học cụ, có khi dọn dẹp nhà cửa thuê, có khi gia công hàng may mặc. Chị tâm sự: "Với đồng lương eo hẹp vậy, hai mẹ con chị còn chưa đủ ăn nói chi còn lo cho đứa con trai đang học lớp 12 trường THPT Võ Thị Sáu. Mà hầu như các cô bảo mẫu trong trường đều kiếm việc làm thêm. Chúng tôi làm nghề này chỉ vì lòng yêu trẻ, làm lâu năm rồi bây giờ nghỉ việc thì cũng không biết làm nghề gì".

Chị Thanh Trà - Hiệu phó trường TH Trần Quốc Tuấn - Tân Bình cho biết: "Hiện nay, mức bán trú phí được các trường thu là 30.000đ/học sinh/tháng. Trong đó, 70% dành trả lương cho bảo mẫu, phần còn lại dành cho các chi phí quản lý bán trú trong nhà trường. Nên thông thường, lương một bảo mẫu chỉ khoảng 700.000đồng/ tháng. Đây là mức lương quá bất hợp lý so với mức sống hiện nay do chậm được thay đổi kể từ năm 1988".

Do bảo mẫu không nằm trong biên chế của ngành nên ngoài việc phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ra, các bảo mẫu không có một quyền lợi gì khác. Nhiều trường hiện nay muốn tăng thu nhập cho bảo mẫu nên tạo điều kiện cho các bảo mẫu làm thêm việc. Như trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, Q.3, ngoài công việc bảo mẫu, các chị còn được phân công làm vệ sinh cho nhà trường, phụ làm bếp… nhưng cao lắm mỗi bảo mẫu cũng chỉ có mức lương khoảng 1 triệu/tháng.

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: "Loại hình lớp bán trú thực chất là do nhu cầu muốn gửi con cả ngày ở trường của phụ huynh ở các thành phố lớn nên các trường tự tổ chức. Đến nay ngành giáo dục vẫn chưa có một quy định chính thức nào về loại hình trường bán trú mà chỉ có loại hình trường học 2 buổi/ ngày, cũng như chưa có quy định nào về việc cho phép nấu ăn trong nhà trường. Vì vậy, bảo mẫu không nằm trong biên chế của ngành nên Sở GD-ĐT không có trách nhiệm. Việc tuyển dụng bảo mẫu do các trường và phòng giáo dục tự tuyển và ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, năm rồi thành phố đã có công văn trình HĐND đề nghị tăng phí bán trú nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Nếu mức phí bán trú tăng, có thể thu nhập của các bảo mẫu cũng sẽ tăng theo".

Hà n

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.