Thảm cảnh cô dâu Việt trên đất Hàn - Bài 1: Cơm người khó lắm mẹ ơi!

15/08/2007 22:13 GMT+7

Từ tháng 9.2006, đường dây nóng với số điện thoại 1577 - 1366 được thành lập tại Seoul để tư vấn khẩn cấp cho các phụ nữ nước ngoài kết hôn với đàn ông Hàn Quốc trong trường hợp bị ngược đãi, đánh đập, bị đe dọa tính mạng, sức khỏe... Các cô gái nước ngoài sẽ được tư vấn bằng các thứ tiếng Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ, Thái Lan và tiếng Anh. Phóng viên Thanh Niên đã đến tận Seoul để tìm hiểu hoàn cảnh các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc thông qua những câu chuyện từ đường dây nóng này.

Bị chồng hành hạ à, bên này nhiều lắm!

1577 - 1366 là đường dây nóng đầu tiên và duy nhất hiện nay của Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc (thuộc Bộ Phụ nữ - Gia đình Hàn Quốc) chuyên hỗ trợ tư vấn 24/24 giờ trong suốt 365 ngày cho các vấn đề bạo lực gia đình, cưỡng hiếp, mại dâm... của các cô gái nước ngoài lấy chồng Hàn ở khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc. Đối với người Việt Nam, đường dây nóng này còn có tên gọi là Đường dây ấm - một tên gọi thật dễ gợi lên cảm giác ấm áp và tin cậy nào đó của tình đồng hương. Có bốn người phụ nữ Việt Nam phụ trách đường dây ở đây. Ba trong số bốn nhân viên trên đều là những phụ nữ Hà Nội, TP.HCM đã lấy chồng Hàn, nay định cư ổn định trên đất nước Hàn Quốc. Cô gái còn lại là một nghiên cứu sinh ngành sinh học quê ở Tiền Giang, với tấm lòng tình nguyện của mình đã tìm đến để hỗ trợ đường dây ấm này vào những ngày cuối tuần.

Mở đầu câu chuyện, tôi đặt vấn đề bằng một sự kiện đang rất "nóng" hiện nay là trường hợp một cô gái Việt Nam bị người chồng Hàn lừa dối biến cô thành công cụ sinh sản (trang web www.hani.co.kr của tạp chí Hankyoreh Hàn Quốc đã phản ánh qua bài viết tựa đề Vietnamese woman files for custody of lost childen ngày 7.7.2007), sau khi đẻ con thì người chồng giấu biệt không cho cô gặp mặt con, kết quả là người mẹ trẻ đau khổ trên đang kiện lên tòa án Seoul để đòi lại quyền nuôi những đứa con nhỏ của mình. Đó là một câu chuyện rất xót xa. Nhưng, đáp lại cảm xúc bần thần khi tường thuật câu chuyện của tôi, những nhân viên ở đây nói: "Có lẽ anh nghe chuyện này lần đầu tiên, chứ chuyện phụ nữ Việt lấy chồng Hàn bị hành hạ, bị đánh chết, sau khi đẻ con thì bị chồng bắt con giấu đi, hoặc bị chồng đánh đập rồi đưa lên xe chở đi đến chỗ vắng vứt ra đường... thì bên này nhiều lắm!".

Họ tiếp tục kể cho tôi nghe hai vụ án mạng gần đây nhất của các cô dâu Việt Nam mà Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đưa tin. Trường hợp đầu tiên là một cô gái trẻ quê Cần Thơ, khi sang Hàn Quốc thì bị người chồng ép buộc quan hệ sinh lý vô độ, lại giam kín trong nhà không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chịu không nổi sự bức bối về tinh thần lẫn thể xác, cô gái xé mành cửa tìm cách thoát ra ngoài bằng đường cửa sổ. Nhưng nửa chừng thì dây đứt, cô gái bị rơi từ lầu cao xuống đất tử nạn. Hơn ba tháng xác cô gái không đưa về được Việt Nam, vì gia đình cô nghèo không đủ tiền, trong khi phía chồng cô vẫn từ chối đưa ra một số tiền thích đáng để lo hậu sự.

Gần đây nhất, ngày 9.8 Đài KBS đưa tin về cái chết của cô gái 20 tuổi quê ở Kiên Giang tên là Huỳnh Mai. Cô gái này sang Hàn Quốc vào tháng 5.2007, do lúc đầu chưa quen cuộc sống bên Hàn, bị chồng cô lập với thế giới bên ngoài, chồng lại hay đòi hỏi quan hệ... nên bức bối, Huỳnh Mai đòi trở về Việt Nam. Chỉ có vậy, người chồng tức giận xé hộ chiếu, trong lúc Huỳnh Mai quấn chăn trốn cơn giận dữ của chồng thì gã chồng dùng chân giẫm đạp lên người cô cho đến chết rồi bỏ trốn. 8 ngày sau, hàng xóm phát hiện mùi tử thi nên gọi cảnh sát. Xác Huỳnh Mai được tìm thấy với 18 cái xương sườn bị gãy cùng lá thư tuyệt mệnh của cô. Khi người chồng bị bắt giữ, Đài KBS tường thuật cảnh cảnh sát dựng lại hiện trường vụ án khiến nhiều người rúng động vì mức độ dã man của vụ án.

Tại Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc, chúng tôi đã gặp bà Kang Sung Hea (ảnh) và đặt câu hỏi: Hôn nhân quốc tế giữa đàn ông Hàn Quốc và phụ nữ các nước khác đang có những mâu thuẫn và hậu quả nghiêm trọng, liệu Chính phủ Hàn Quốc có nhận ra điều đó? Và Chính phủ Hàn Quốc có biện pháp gì? Bà Kang Sung Hea thừa nhận đó là một câu hỏi khó và trả lời: "Chúng tôi đã bắt đầu nhận ra vấn đề này, tuy nhiên vì chỉ mới nhận ra nên chúng tôi thực sự chưa biết phải giải quyết bằng cách nào? Cần có một trung tâm đầu tiên để đánh giá, nghiên cứu, thử nghiệm… và Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc ra đời với lý do đó. Tôi nghĩ vấn đề chính là ở chỗ các công ty môi giới, chính họ đã đưa ra những thông tin sai lệch khiến chú rể Hàn và các cô dâu khi chưa gặp thì trông đợi quá nhiều về nhau, khi ở với nhau thì… vỡ mộng. Nhưng trung tâm chúng tôi hiện nay chỉ giải quyết hậu quả, còn nguyên nhân của những vấn đề trên thì chúng tôi chưa thể can thiệp được".

Một câu chuyện khác là một cô gái Hà Nội lấy một người đàn ông Hàn Quốc đã một lần ly hôn, có một đứa con trai riêng. Cô gọi đến đường dây nóng khóc lóc nói rằng chồng cô quý con hơn vợ, nhiều lần đánh đập cô. Quá phẫn uất, cô gái đã đóng đinh lên bậu cửa, chuẩn bị một sợi dây thòng lọng để tự tử. Người chồng phát hiện được, đem giấu sợi dây đi, nhưng tình trạng đánh đập vẫn xảy ra. Cô muốn báo cảnh sát cũng không được, vì những lần như thế người chồng luôn giật lấy điện thoại không cho cô gọi. Khi cô có mang phải vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán rằng vì bị đánh đập nên thai nhi đã bị chết trong bụng mẹ. Lúc rời bệnh viện về nhà thì người chồng đóng sập cửa, đuổi cô đi...

"Thường khi nghe những câu chuyện như vậy phụ nữ chúng tôi rất dễ đau lòng, cảm thấy uất hận, như có phần nào trong con người chúng tôi cũng đang bị xâm phạm vậy" - Những người phụ nữ ở đường dây ấm tâm sự nghề nghiệp với tôi như vậy.

"Trong trường hợp đó các chị sẽ giúp được gì cho các nạn nhân?" - tôi tiếp tục đặt câu hỏi. "Đối với những phụ nữ bị tình trạng bạo lực gia đình, chúng tôi sẽ hướng dẫn chị em thu thập chứng cứ như chụp hình, xét nghiệm vết thương... vì theo luật pháp Hàn Quốc trong trường hợp ly hôn do lỗi người chồng thì người vợ có thể lưu trú tại Hàn Quốc, hoặc những quyền lợi khác. Còn với những trường hợp khẩn cấp thì chúng tôi sẽ có những nhà lánh nạn khẩn cấp để đón nhận các nạn nhân, các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ pháp lý từ các đoàn luật sư... Chúng tôi có hệ thống trung tâm giúp đỡ cô dâu nước ngoài khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc. Khi nhận được sự cầu cứu, chúng tôi sẽ hướng dẫn nạn nhân tìm đến trung tâm gần nhất để lánh nạn. Ngoài ra, chúng tôi có những tư vấn khác như hòa giải vợ chồng, người vợ không giao tiếp được với chồng, mẹ chồng… thì chúng tôi sẽ phiên dịch cho hai bên hiểu nhau. Trường hợp không thể hòa giải nổi qua điện thoại thì chúng tôi mời họ tiếp tục đến văn phòng để hòa giải. Hoặc chúng tôi tư vấn những dịch vụ dịch thuật đơn thuần, thủ tục ly hôn, cách nhập quốc tịch..." -  đó là câu trả lời của những người tư vấn ở đường dây 1577 - 1366.

Đâu là trách nhiệm của các công ty môi giới?

Liệu các cuộc hôn nhân giữa các cô gái Thái Lan, Campuchia, Philippines... với đàn ông Hàn cũng rơi vào tình trạng bạo lực, ngược đãi, bất đồng văn hóa, ngôn ngữ... hay đó chỉ là trường hợp riêng biệt của phụ nữ Việt Nam? Câu trả lời của những người tư vấn ở đường dây nóng 1577 - 1366 là tương tự. Có thể thấy hôn nhân quốc tế tại Hàn Quốc có diện mạo rất giống nhau.

Vậy đâu là nguyên nhân tình trạng ấy, những người trực tiếp nghe tâm tư của các cô gái qua đường dây nóng đã có sẵn câu trả lời: Xuất phát từ những công ty môi giới hôn nhân! Những phụ nữ ở đường dây ấm thổ lộ: "Hơn 90% trường hợp hôn nhân với đàn ông Hàn Quốc là do môi giới. Những cô gái nói với chúng tôi rằng những công ty môi giới rất giàu vì thường những người đàn ông Hàn phải bỏ ra từ 10 đến 15 ngàn USD để cưới một cô gái Việt, trong khi số tiền đến tay gia đình cô gái thường chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng. Có trường hợp chú rể Hàn đưa tiền cho gia đình cô gái, nhưng khi chú rể vừa bước ra khỏi nhà là phía công ty môi giới sấn sổ lao đến lấy sạch số tiền trên".

Thu lợi kếch sù, nhưng phía công ty môi giới luôn che giấu thông tin khiến cả cô dâu Việt Nam và chú rể Hàn không hiểu rõ đối tác hôn nhân, dẫn đến những mâu thuẫn, tan vỡ hay những án mạng đau lòng... như kể trên. Hay những hoạt động môi giới như cởi quần áo các cô gái Việt cho đàn ông Hàn lựa chọn như những món đồ làm xúc phạm đến nhân phẩm người phụ nữ Việt Nam. Báo chí, dư luận đã lên án, nhưng những hoạt động môi giới như vậy vẫn diễn ra vì chúng ta vẫn chưa có một chế tài về luật pháp nào để chấn chỉnh, siết chặt hoạt động môi giới. Tôi đã tiếp xúc với nhiều cuộc hôn nhân qua môi giới mà vẫn toại nguyện, điều đó không có nghĩa mọi cuộc hôn nhân với đàn ông Hàn đều có kết cuộc xấu. Cũng như chuyện hôn nhân giữa những người phụ nữ và đàn ông hướng đến việc tạo dựng gia đình là lẽ tự nhiên, không phân biệt người đó thuộc quốc tịch nào, dòng máu nào. Nhưng để ngăn ngừa những câu chuyện, những án mạng đau lòng như kể trên, cũng như nỗi hổ thẹn vì những cô gái Việt Nam trần truồng chờ được lựa chọn như một cảnh tối tăm nào đó của thời buôn bán nô lệ... như vậy, chúng ta còn thả nổi hoạt động môi giới hôn nhân quốc tế đến bao giờ?

(Còn tiếp)

Quang Thi
(từ Seoul)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.