Các doanh nghiệp Singapore hướng về Việt Nam

15/08/2007 00:02 GMT+7

Họ đã tìm thấy ở Việt Nam cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Sự hướng về Việt Nam của các doanh nghiệp Singapore thể hiện rõ nhất nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

"Chúng tôi muốn đầu tư vào Việt Nam!"

Ông Ong Beng Seng, tỉ phú Singapore gốc Malaysia, người sáng lập và hiện đang điều hành Tập đoàn Hotel Properties Ltd. (HPL) đến gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 13.8 tại khách sạn Fullerton trong bộ áo quần giản dị và một trái tim đầy nhiệt huyết: "Tôi muốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam". Ong Beng Seng sớm trở thành tỉ phú ở đảo quốc sư tử bởi tài năng kinh doanh của mình ở lĩnh vực bảo hiểm hàng hải và cho thuê máy bay.

Tập đoàn HPL được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore và các công ty riêng của Ong Beng Seng hiện đang sở hữu 40 khách sạn cao cấp trên toàn thế giới như Four Seasons tại Singapore, Anh và Indonesia; Concorde ở Úc và Malaysia; Hilton ở Singapore... HPL hiện kinh doanh trên 4 lĩnh vực: khách sạn, bất động sản, hệ thống nhà hàng - công ty phân phối thực phẩm và khu mua sắm - giải trí. Còn vợ ông, bà Christina Ong, con gái tỉ phú Peter Fu Yun Siak, là người sở hữu quyền kinh doanh các sản phẩm thời trang cao cấp như Guess, Calvin Klein, DKNY, Bulgari... 

Ông Beng Seng tự giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Thưa ngài Thủ tướng, không biết ngài có nhớ, tôi đã từng cho Vietnam Airlines thuê máy bay từ cách đây hơn 15 năm! Tôi đã quan tâm đến Việt Nam từ rất sớm, sớm hơn những nhà đầu tư Singapore khác. Ngày nay, tôi muốn xây dựng ở TP.HCM và Hà Nội những khách sạn 5 sao như Four Seasons ở Singapore, và phát triển những khu du lịch nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Côn Đảo và Nha Trang”. Ông so sánh Phú Quốc như Phukhet của Thái Lan, Côn Đảo như Shambala ở Bali. Bên ngoài cuộc tiếp, chúng tôi hỏi ông: “Nếu được chấp thuận, khi nào ông sẽ bắt đầu?”.

Cả Ong Beng Seng và Joseph Won, Giám đốc điều hành của Leisure Ventures Pte Ltd, thành viên của HPL chuyên quản lý hệ thống khách sạn, trả lời không do dự: "Chúng tôi làm ngay". Ông Beng Seng cũng cho biết ông sẽ đưa sản phẩm cà phê robusta của Tập đoàn Trung Nguyên vào thực đơn của các nhà hàng Hard Rock Café của HPL. Ông cũng thể hiện sự quan tâm đối với dự án "Thiên đường cà phê" do Trung Nguyên khởi xướng ở tỉnh Đắk Lắk. Khi tôi hỏi các ông ấy hy vọng ra sao ở quyết định của Thủ tướng, ôngWon đáp: "Chúng tôi rất hy vọng. Chúng tôi từng có "lý lịch" kinh doanh tốt ở Việt Nam".

Hiện nay, ông Beng Seng vẫn đang cho Vietnam Airlines thuê 6 chiếc Airbus. Ông Beng Seng cũng vừa được người dân Singapore tán thưởng bởi thương lượng thành công việc đưa cuộc đua Thể thức 1 (Formula One) về tổ chức tại đảo quốc sư tử năm 2008.

Ở đâu, nếu không phải Việt Nam ?

Ông Ho-Kee Lim, Chủ tịch Singapore Post, cho biết tập đoàn này muốn tham gia hỗ trợ ngành bưu chính Việt Nam cải tiến quy trình lọc phát thư và hợp tác với Tập đoàn bưu chính - viễn thông Việt Nam phát triển mô hình phân phối các dịch vụ tài chính và cho vay tài chính không thế chấp. Trước khi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Lim nói riêng với tôi: "Chúng tôi không thấy các thị trường Indonesia, Malaysia, Thái Lan hấp dẫn tí nào. Singapore Post không vào được Việt Nam thì chắc chắn sẽ có những "Singapore khác" vào thôi".

Tỉ phú Ong Beng Seng thể hiện quyết tâm đầu tư vào Việt Nam của mình sau cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - ảnh: Thục Minh

Trong khi đó, Liên hiệp Thương mại quốc gia Singapore (National Trade Union Congress Fairprice Co-operative - NTUC), một tổ hợp siêu thị bán lẻ, bảo hiểm và các loại hình kinh doanh khác do trên 3.000 lao động nắm cổ phần, cũng đề đạt với Thủ tướng nguyện vọng được thâm nhập vào hệ thống bán lẻ của Việt Nam. NTUC tại Singapore có hệ thống siêu thị rộng khắp, bán hàng với giá rất rẻ, nhằm đảm bảo đời sống của người lao động.

Từ sau sự kiện 11.9, dòng vốn từ Mỹ, châu u chuyển hướng sang Singapore, biến nơi này trở thành một trung tâm tài chính mới của thế giới. Hơn nữa, Singapore có những nền tảng tốt về hạ tầng cơ sở, về hạ tầng tài chính. Về xây dựng thương hiệu, về hệ thống phân phối hàng hóa... Singapore đều ở trình độ cao của thế giới. Tất thảy những thứ đó rất cần thiết để bổ trợ cho những nguồn lực dồi dào nhưng còn ở trình độ thấp ở Việt Nam. VGG ra đời là tâm huyết của những người muốn vun đắp cho mối quan hệ hợp tác hỗ tương và cùng có lợi. Dù ra đời chưa lâu, VGG đã chứáng tỏ là một kênh liên thông hữu hiệu. Tiếc là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quá ngắn, nếu có thêm một ngày nữa, VGG có thể kết nối thêm những doanh nghiệp khác với vài tỉ USD cam kết đầu tư vào Việt Nam nữa.

Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch VGG

Hoạt động của NTUC có ý nghĩa lớn trong việc điều tiết hàng hóa và ổn định giá cả tại đất nước có giá sinh hoạt rất cao này. Cựu Thủ tướng Goh Chok Tong từng là lãnh đạo cao nhất tại NTUC. Giám đốc điều hành NTUC Fairprice Tan Kian Chew cho biết NTUC từng là đối tác của Saigon Co-op trong đào tạo nguồn nhân lực. Hệ thống bán lẻ này cũng nhập một số mặt hàng từ Việt Nam như gạo và các thực phẩm khác, nay mong muốn được thâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, cũng như làm kênh liên thông cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt ở Singapore.

Một ngành dịch vụ khá mới mẻ đối với Việt Nam cũng đang muốn "thử sức" ở thị trường 85 triệu dân với mức sống ngày càng được nâng cao. Đó là Tập đoàn Singapore Pools với dịch vụ cá cược và xổ số hợp pháp. Tập đoàn này có vai trò làm cho hoạt động cờ bạc ở Singapore trở nên minh bạch và được quản lý. Lợi nhuận thu được từ đó lại đem bù đắp vào các công trình phúc lợi xã hội. Ông John Teo, Giám đốc tài chính của Singapore Pools, tỏ ra tự tin khi đề đạt nguyện vọng với Thủ tướng, bởi ông nhìn nhận Việt Nam đang đi lên và tỏa sáng như một "ngôi sao kinh tế" của châu Á, cách gọi Việt Nam của báo chí Singapore trong những ngày Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức nước này.

Các kênh hỗ trợ đầu tư đã sẵn sàng

Tháng 12.2005, Việt Nam và Singapore ký kết Hiệp định hợp tác liên thông (Connectivity Agreement) nhằm tạo ra một cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên 6 lĩnh vực gồm: tài chính, giáo dục, giao thông, công nghệ thông tin, đầu tư, và dịch vụ - thương mại. Hiệp định này là duy nhất hiện nay mà Việt Nam đã ký kết với nước ngoài. Vietnam Global Gateway (VGG), một liên doanh giữa Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ G7 (Việt Nam) với Tập đoàn dịch vụ kinh doanh TMW (Singapore), ra đời sau đó dưới sự hỗ trợ của Hội đồng phát triển kinh tế Singapore (EDB) như một bước hiện thực hóa hiệp định trên.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, thời gian qua, VGG đã làm cầu nối cho nhiều nhà đầu tư Singapore đến với Việt Nam. Trong tổng số trên 11 tỉ USD mà các tập đoàn Singapore vừa cam kết đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, có trên 6 tỉ USD từ các tập đoàn vào Việt Nam thông qua VGG. Hiện nay, nhiều tập đoàn khác cũng đang sử dụng "cầu nối" này để có thể đi vào Việt Nam thuận lợi hơn.

Trong cuộc hội đàm hôm 13.8, Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thỏa thuận sẽ mở rộng Hiệp định liên thông thêm 2 lĩnh vực khác là kho vận - cảng và hạ tầng đô thị.

Thục Minh (từ Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.