Công viên và nghĩa trang nhân dân

13/08/2007 23:46 GMT+7

Ngay sau khi Quân khu 7 bàn giao khu đất trong đó có nghĩa trang của chế độ cũ cho tỉnh Bình Dương quản lý, tỉnh này đã có quy hoạch giao 32 ha đất là nghĩa trang cũ cho huyện Dĩ An làm nghĩa trang nhân dân. Ông Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương đã nói rõ: "Tỉnh Bình Dương ủng hộ việc bà con tiến hành chỉnh trang, sửa sang lại những phần mộ ở đây để có một nghĩa trang nhân dân đẹp đẽ" (trích từ nguồn Thể thao và Văn hóa ngày 11.8.2007).

Đây là nghĩa trang quân đội của chế độ cũ, và việc làm này của Bình Dương là một biểu hiện cụ thể của chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc một cách thực sự. Không chỉ thân nhân của những phần mộ ở đây cảm thấy được giải tỏa, mà người dân nói chung đều cho "nghĩa tử là nghĩa tận" và tỏ ra hài lòng về quyết định này.

Tôi để ý, trong bài trả lời phỏng vấn, ông Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương có nói một ý: "Vừa rồi cũng có một số doanh nghiệp xin phép tỉnh đầu tư vào nghĩa địa này, nhưng tỉnh không đồng ý. Vì doanh nghiệp đầu tư vào đây với mục đích chính là làm kinh tế, xây khu dân cư… thì đâu có được!". Lại xin hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Bình Dương về quyết định đúng đắn này. Nghĩa trang là dành cho người đã khuất, càng là nghĩa trang nhân dân thì càng nên tôn trọng, không dùng đất nghĩa trang vào việc khác, dù những việc này có sinh lợi bao nhiêu.

Tự nhiên, từ chuyện nghĩa trang nhân dân, tôi lại nghĩ tới chuyện công viên nhân dân. Những ngày gần đây ở Hà Nội đã rộ lên những ý kiến phản ứng về chuyện một vài sở ngành Hà Nội định quy hoạch Công viên Thống Nhất thành một "Disneyland kiểu mới" - nghĩa là xây dựng vùng đất đẹp nhất, rộng nhất của công viên này thành "vùng động" - nôm na là thành "khu vui chơi có thu", còn khu công viên với đúng nghĩa là "khu vườn công cộng, công viên của nhân dân", nơi người dân có thể tự do vào thư giãn tập thể dục dưỡng sinh miễn phí dưới bóng cây và giữa vườn hoa, được gọi là "vùng tĩnh" thì bị thu hẹp tới mức tối đa. Ai cũng biết Hà Nội bây giờ "tấc đất tấc vàng", nhưng không phải vì thế mà nôn nóng "thị trường hóa" cả những công viên của nhân dân.

Tôi nhớ, ngày còn học cấp 3 ở Hà Nội, trường tôi đã có nhiều chủ nhật đi lao động xây dựng Thủ Lệ - nơi vốn là vùng ao chuôm bãi lầy - thành một công viên đẹp đẽ như ngày nay. Những thế hệ thanh niên học sinh Hà Nội trước tôi cũng đã từng tham gia "lao động xã hội chủ nghĩa" xây dựng Công viên Thống Nhất và hồ Bảy Mẫu. Những công viên ấy trong nhiều năm nay đã là "lá phổi xanh" của Hà Nội, đã giúp cho biết bao thế hệ trẻ thơ và người già Hà Nội và các tỉnh về Hà Nội có được những phút giây thư giãn, hồi phục sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Thử nghĩ, nếu Hà Nội không có hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ và nhiều công viên nhỏ khác, thì cuộc sống của người thủ đô sẽ thế nào?

Có một điều rất đáng suy nghĩ: khi nhận được những thông tin về "quy hoạch mới Công viên Thống Nhất" đã có rất nhiều thư, e-mail, ý kiến của những người đang ở rất xa Hà Nội gửi về các báo bày tỏ nỗi lo lắng và cảnh báo về nguy cơ định biến những "lá phổi" thành "dạ dày", biến những công viên nhân dân thành nơi kinh doanh các "dịch vụ vui chơi ăn nhậu có thu". Việc làm đó không chỉ tước đi quyền lợi chính đáng được hưởng những phúc lợi xã hội của nhân dân, mà còn góp phần "tích cực" làm ô nhiễm môi trường, phá hoại hình ảnh "thành phố hòa bình và thân thiện" của Hà Nội.

Với những người ở xa thủ đô, các công viên ở đó không phải là phúc lợi trực tiếp của họ. Vì sao họ lại lo lắng bất an và phản ứng nhanh nhạy như thế về một "dự án quy hoạch" của thành phố này ? Bởi một điều đơn giản: Hà Nội là của mọi người Việt Nam, là của nhân dân Việt Nam, bất kể đang ở đâu! Mọi ý định xây dựng Hà Nội ngày càng "xanh sạch đẹp" đều được hoan nghênh, và mọi ý định ngược lại, đều bị phản đối. Người ở xa còn thế, huống chi là người Hà Nội. Những phản ứng của họ về "dự án quy hoạch" Công viên Thống Nhất là hoàn toàn có thể hiểu được.

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.