Tiêu thụ trong nước là nội lực

12/08/2007 23:50 GMT+7

Việt Nam cũng như nhiều nước Đông Nam Á đều có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Đó là một định hướng đúng, do có nguồn nhân công tương đối rẻ, có tỷ lệ tiết kiệm cao và xuất khẩu là con đường quan trọng để có ngoại tệ nhập thiết bị máy móc để đổi mới công nghệ nhằm tăng trưởng kinh tế nhanh, chống tụt hậu xa hơn.

Tuy nhiên, xuất khẩu lại phụ thuộc vào thị trường, nếu thị trường có "trục trặc" thì khó tránh khỏi bị hụt hẫng. Trong khi đó, nước ta có dân số đông (đứng thứ 13 trên thế giới), có mức sống còn thấp nhưng đang lớn lên nhanh nhờ định hướng tăng trưởng kinh tế hướng vào con người, vì con người; có tỷ trọng dân cư sống ở nông thôn đông (trên 70%) còn mang nặng tính tự cấp tự túc, nhưng đang chuyển khá nhanh sang sản xuất hàng hóa, việc tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường ngày một tăng; nhu cầu cuộc sống ngày một đa dạng từ chỗ tập trung cho những mặt hàng thiết yếu, có giá trị gia tăng thấp đang chuyển sang có nhu cầu đa dạng phong phú, đòi hỏi hàng hóa có chất lượng và mở rộng rất nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thì Việt Nam đã trở thành thị trường "đầy mơ ước" so với nhiều nước tuy có thu nhập cao, nhưng hoặc do dân số ít, hoặc do nhu cầu về sản phẩm vật chất đã bão hòa... Chẳng thế mà Việt Nam đã trở thành một trong 5 thị trường hấp dẫn nhất thế giới.

Thực tế trong một vài năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đã luôn luôn tăng với tốc độ cao hiếm thấy. Trong 7 tháng đầu năm, về mặt này Việt Nam đã đạt được nhiều vượt trội.

Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã khá cao, đạt xấp xỉ 395 nghìn tỉ đồng - mới qua 7 tháng mà đã bằng mức cả năm của năm 2004. Bình quân 1 người 1 tháng đã đạt trên 660 nghìn đồng, bình quân 1 ngày đạt khoảng 22 nghìn đồng. Đó là những con số cách đây dăm mười năm có mơ cũng không thấy; dù có loại trừ yếu tố tăng giá thì cũng đã được cải thiện hơn nhiều.

Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước lên đến 23,1%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá (bình quân 7 tháng năm nay tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước), thì về mặt lượng tiêu dùng thực tế cũng đã tăng tới 14,8%, cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế - một tốc độ tăng cao hiếm thấy trong nhiều năm gần đây.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do thu thập bình quân đầu người tăng khá nhờ tăng trưởng kinh tế liên tục đạt tốc độ cao, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả tích cực... Điều đó chứng tỏ tiêu dùng trong nước đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế. Có nguyên nhân do tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng thông qua việc mua bán trên thị trường đã tăng khá nhanh (đã tăng từ 80,5% năm 2002 lên 95% năm 2006). Điều đó chứng tỏ tính tự cấp giảm nhanh, tính sản xuất hàng hóa ngày một tăng, tạo cơ sở cho kinh tế thị trường phát triển.

Tiêu thụ trong nước đã trở thành nguồn lực quan trọng, chẳng những là động lực của tăng trưởng kinh tế trong nước, mà còn có tác động mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước ta. Chẳng thế mà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta 7 tháng đầu năm cả đăng ký mới và bổ sung đạt gần 7,5 tỉ USD, cao gần gấp rưỡi cùng kỳ năm trước.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.