F-35, máy bay tiêm kích nhiều tiền lắm tiếng

11/08/2007 21:05 GMT+7

Nằm trong chương trình JSF (Joint Strike Fighter) nhằm xây dựng, hiện đại hóa máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5, chiếc F-35 được giới quân sự Mỹ đặt nhiều kỳ vọng. Thế nhưng những nỗ lực trong nhiều năm qua khiến Mỹ tiêu tốn không ít tiền của và thời gian mà vẫn không đạt mong muốn. Vì sao vậy?

Sai lầm 5 tỉ USD

Kế hoạch JSF của Bộ Quốc phòng Mỹ là nhằm thiết kế hàng loạt máy bay tiêm kích có công nghệ thiết kế tiêu chuẩn cao nhằm rút ngắn thời gian và giá thành sản xuất đối với từng loại. Vào năm 2001, Hội đồng phê duyệt đã xem xét kế hoạch phác thảo của hãng Boeing và hãng Lockheed Martin cũng như đánh giá kết quả bay thử của máy bay thử nghiệm X-32 và X-35 thuộc hai hãng này. Cuối cùng hội đồng đã chọn mẫu X-35 của Lockheed Martin - với tên gọi mới là F-35.

Tuy các thử nghiệm kỹ thuật của F-35 trong giai đoạn đầu hầu như đều suôn sẻ, nhưng sau đó khi hiện thực hóa chúng thì lại gặp nhiều khó khăn. Vào giữa năm 2003, các phân tích cho thấy trọng lượng F-35 như tính toán ban đầu đã cho ra đáp án sai. Đây như là tiếng sấm giữa trời quang mây tạnh. Bởi lúc đầu những người thiết kế kỹ thuật chiếc tiêm kích này tin tưởng tuyên bố: Máy bay còn nhiều chỗ dự phòng để tăng cường thêm cũng như mở rộng thành phần vũ khí. Nhưng thực tế thì hoàn toàn không có bất cứ chỗ dự phòng nào khi ngay cả trọng lượng F-35 cũng vượt chuẩn thiết kế ban đầu 35%: F-35A vượt 680 kg, còn F-35B vượt 1.130 kg.  

Cần nhắc lại rằng, khi thiết kế trọng lượng F-35, các chuyên gia của Lockheed Martin đã nghiên cứu và dựa vào thiết kế của nhiều thế hệ tiêm kích từ F-16 đến

F-22. Đáng ra trọng lượng cũng như thiết kế của  F-35 phải gọn nhẹ, mang tính hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy nó chưa đáp ứng với chuẩn của thế hệ thứ 5. 

Để tháo gỡ tình huống khủng hoảng này, lãnh đạo Lockheed Martin thành lập nhóm hành động “Blue Ribbon Action Team”. Từ năm 2001 - 2005, nhóm này đưa ra 5 phương án thiết kế chi tiết F-35. Mỗi phương án lại đưa ra 3 loại máy bay (F-35A cất cánh và hạ cánh bình thường, F-35B cất cánh nhanh và hạ cánh thẳng đứng;

F-35C cho hàng không mẫu hạm). Mỗi phương án tiêu tốn 1 tỉ USD, tính chung 5 tỉ USD được chi cho những phương án “mang tính khả thi” này. Đây cũng là cái giá phải trả cho những tính toán sai lầm về trọng lượng của F-35.

Chi phí tăng, thời gian kéo dài  

Thời gian và tài chính để sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 hiện không chỉ là mối quan tâm của Nhà Trắng mà còn của Lầu Năm Góc, Thượng viện, giới kinh doanh Mỹ cũng như những người đặt hàng và thiết kế các loại máy tương tự của các nước khác.  

Sản xuất F-35 được coi như giai đoạn đầu của chương trình JSF với 2 công đoạn: Thiết kế khả thi nhóm máy bay tiêm kích và hiện thực hóa chúng. Thời hạn và nguồn tài chính của JSF được đưa ra từ năm 1995, trong đó tính rằng, thiết kế khả thi phải mất 6 năm (từ đầu 1994 đến hết 1999) với chi phí 3,24 tỉ USD, còn thời gian hiện thực hóa mất 8 năm (đầu 2000 – hết 2007) với chi phí 16 - 18 tỉ USD. 

Tuy nhiên tính toán trên là sai lệch, thay vì 6 năm thì giai đoạn thiết kế kéo dài 7 năm và tiêu tốn 3,6 tỉ USD. Còn thời gian và tiền để hiện thực hóa chương trình thì ngay từ năm 2001, lãnh đạo JSF dự đoán sẽ mất 13 năm (đầu 2001 – hết 2012) với chi phí 31 tỉ USD, trong đó 17 tỉ USD để hiện thực hóa chương trình, còn 14 tỉ USD là để sản xuất máy bay thử nghiệm.   


Chiếc F-22 được sản xuất trước nhưng tính năng kỹ thuật vượt trội F-35  - Ảnh: Williston.k12

Thế nhưng, vào năm 2007 này, các dự báo trên đã trở nên lạc hậu. Theo tính toán, giai đoạn 2 của F-35 kéo dài từ đầu năm 2001 đến hết 2014, còn chi phí sản xuất lên đến 38 tỉ USD. 17 tỉ để hiện thực hóa chương trình nêu trên giờ đã là 22 tỉ USD bởi phải cộng thêm 5 tỉ USD khi tính toán sai trọng lượng. Có thể nói, F-35 đã tiêu tốn của bên đặt hàng (Lầu Năm Góc và các đồng minh của Mỹ) 41 tỉ USD thay vì 20 tỉ USD theo như tính toán ban đầu.  

Vào đầu thập niên 90, lãnh đạo JSF tính toán rằng mỗi loại tiêm kích thế hệ thứ 5 từ thiết kế đến sản xuất tiêu tốn cùng lắm là 27 tỉ USD (tính theo đồng USD trong giai đoạn 1995 - 2015). Tuy nhiên, chiếc tiêm kích đầu tiên của thế hệ thứ 5 là F-22 theo một số nguồn tin đã tiêu tốn không phải 30 tỉ USD mà là 40 tỉ USD.

Còn nhiều khó khăn

Chương trình JSF đã có gần 25 năm lịch sử, được thử thách qua những kiểm nghiệm từ thực tế. Tuy nhiên, với chiếc F-35 thì vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Tom Burbidge, lãnh đạo nhóm thiết kế F-22 thuộc Lockheed Martin, đánh giá: “Chúng tôi đảm bảo cho máy bay tiêm kích F-22 những động tác siêu việt khi cận chiến ở góc 60 độ với vận tốc 150 km/giờ”. Còn

F-35A và F-35C khi cận chiến như thế có một số tính năng còn thua kém những máy bay tiêm kích hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc F-35 chưa thể được xem là máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5.

Khi soạn thảo JSF, phía Mỹ rất chú trọng đến tính “phổ biến của phương tiện” nhằm giảm giá thành sản xuất một cách hiệu quả, đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn trong và ngoài nước. Nghĩa là sản xuất đại trà với nhiều đơn đặt hàng để giảm chi phí.

Ngay lúc đầu, JSF dự tính một chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 (cất cánh và hạ cánh bình thường) có giá 30 triệu USD, còn loại dành cho hàng không mẫu hạm là 50 triệu USD. Tuy thế, so với tính toán từ năm 1994 thì giá tương ứng của hai loại F-35 vào năm 2005 đã tăng lên lần lượt là 47 và 78 triệu USD.

F-35 vẫn trong quá trình hoàn thiện và không loại trừ giá thành của nó sẽ tăng gấp đôi so với tính toán ban đầu. Nhưng nếu sản xuất không đạt 1.000 chiếc (sau đó thêm 1.000 – 2.000 chiếc nữa) như ý định ban đầu thì giá thành của nó sẽ còn tăng cao hơn nữa. Trên lý thuyết, người ta tính bù đắp chi phí thiết kế F-35 sẽ là 18%, nhưng nếu lấy F-22 để so sánh thì ban đầu con số này gần 20%, nhưng sau đó tăng lên 87% do lúc đầu  chương trình định sẽ sản xuất 648 chiếc, nhưng con số sản xuất thực chỉ là 183 chiếc. Với tình hình như trên thì chi phí bù đắp cho F-35 có thể còn cao hơn so với F-22.

Chiếc F-35 trong chương trình JSF có tên gọi chính thức là “Lightning II” (Tia chớp II). Trước đây, Lightning là tên gọi của chiếc P-38 của không lực Mỹ trong Thế chiến II và cũng là tên gọi của một loại máy bay thuộc không lực Anh trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. 
Mỹ và Anh là những quốc gia chính tham gia dự án F-35, với 3 phương án sản xuất: Loại dành cho các sân bay thông thường, loại dành cho hàng không mẫu hạm và loại hạ cánh thẳng đứng. Anh đầu tư 2 tỉ USD vào chương trình JSF và có kế hoạch mua 150 chiếc trị giá 8,6 tỉ USD. Ngoài ra, còn có 8 quốc gia khác tham gia dự án. 
Đầu năm 2006, những chiếc F-35 đầu tiên đã được sản xuất tại nhà máy của Lockheed Martin. Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến mua 2.400 chiếc F-35. Tính chung, tổng đơn đặt hàng F-35 trên toàn thế giới dao động từ 2.000 đến 3.500 chiếc.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.