Du lịch Việt Nam: Mất khách do thiếu nơi lưu trú

06/08/2007 23:16 GMT+7

Du lịch Việt Nam đang rất thiếu nơi lưu trú, đặc biệt là những khách sạn cao cấp. Một thống kê của Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch - TCDL) chỉ ra hiện nay số lượng khách sạn 4 - 5 sao chỉ chiếm tỷ lệ 1% trong tổng số cơ sở lưu trú tại Việt Nam.

Cả nước hiện có 25 khách sạn 4-5 sao, con số này còn chưa bằng số khách sạn sang trọng tại những thành phố lớn trong khu vực như Bangkok của Thái Lan (29 khách sạn) hay Kuala Lumpur của Malaysia (28 khách sạn).

Mất lợi thế giá rẻ

Giá rẻ vốn là lợi thế của du lịch Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nền du lịch khác trong khu vực. Theo thống kê, 44% du khách đến Việt Nam vì lý do chi phí đi tour ở nước ta thấp hơn các điểm đến khác trong khu vực. Thế nhưng theo nhiều công ty du lịch, hiện lợi thế này hầu như không còn vì giá tour du lịch đang tăng theo giá phòng khách sạn.


Tình trạng thiếu phòng khách sạn khiến ngành du lịch bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác nguồn khách MICE - Ảnh: D.Đ.Minh
Do thiếu phòng nên công suất phòng của các khách sạn cao cấp ở nước ta trong 6 tháng đầu năm luôn dao động từ 90-95%, thậm chí có khách sạn tại TP.HCM là 99%. Tình trạng này khiến giá phòng tăng lên nhanh chóng. Các công ty du lịch cho biết giá phòng của các khách sạn lớn đã tăng lên 100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tính toán của Trung tâm du lịch MICE (CITE) thuộc Công ty Bến Thành Tourist, chi phí lưu trú của một khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo...) khi đến Việt Nam là 180 USD/đêm, trong khi cũng với chất lượng phòng tương đương ở Thái Lan chỉ 100 USD/đêm. Theo đại diện của CITE, chi phí cho một tour du lịch MICE cao cấp tại Việt Nam đã ngang với các nước trong khu vực trong khi dịch vụ để thu hút du khách của chúng ta lại không đa dạng bằng họ.

Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, có rất nhiều đoàn khách đã bỏ tour vì giá phòng tăng quá nhanh trong thời gian qua. Nhiều công ty du lịch cũng phản ánh, dù đã ký hợp đồng với nhiều khách sạn từ trước nhưng các khách sạn này vẫn cứ tăng giá và yêu cầu phải  ký lại hợp đồng. Gặp phải tình huống này, các công ty du lịch buộc phải thương lượng lại với khách hàng để tăng giá tour, một điều tối kỵ trong kinh doanh du lịch.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (lúc còn giữ cương vị Tổng cục trưởng TCDL) cho biết, với những dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, TCDL sẵn sàng báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ về mặt thủ tục. Từ nay đến năm 2010 du lịch Việt Nam phải có 15.000 - 20.000 phòng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao thì mới có thể giải quyết được tình hình.

Ông Đồng Hoàng Thịnh, Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm CITE cho biết: "Chúng tôi vừa mất một đoàn khách Nga vì thiếu phòng khách sạn. Đoàn khách này từ Hà Nội đi Đồ Sơn, họ đòi ở riêng mỗi người một phòng nhưng không đủ phòng để đáp ứng, vậy là họ bỏ sang Macao. Hiện nay tôi đang có một đoàn khách Ý định ở lại Sài Gòn 1 đêm nhưng không khách sạn nào chịu nhận. Các khách sạn đòi hỏi phải ở từ 2 đêm trở lên mới cho thuê phòng".

Tìm chỗ "ngủ" cho du khách

Trong vòng 10 năm, số cơ sở lưu trú tại Việt Nam đã tăng 400%, từ 2.481 cơ sở (1997) đã tăng lên 8.556 cơ sở (2007). Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết trong số này đều có quy mô nhỏ, số khách sạn, nhà nghỉ dưới 20 phòng chiếm tới 68% tổng số cơ sở lưu trú nhưng chỉ chiếm 34% tổng số phòng. Chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú này đều không thể đáp ứng được nhu cầu của du khách nước ngoài.

Trong tháng 6, UBND TP.HCM đã chỉ đạo cho Sở Du lịch kiểm soát việc tăng giá phòng của các khách sạn cao cấp trên địa bàn thành phố. Nhưng việc này xem ra không mấy hiệu quả khi cán cân cung - cầu vẫn còn quá chênh lệch như hiện nay. Để giải quyết tình hình này cần một giải pháp căn cơ và lâu dài hơn. Sở Du lịch đã lên kế hoạch khảo sát 23 mặt bằng để kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp. Dự kiến từ đây đến năm 2010 sẽ bổ sung thêm 6.000 phòng cao cấp để giải quyết vấn đề thiếu phòng.

Trung Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.