Kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ 27.7: Về “làng 4 nhất”

27/07/2007 16:27 GMT+7

“Làng mẹ vinh dự lắm, có đến 4 nhất: nhiều anh hùng lực lượng vũ trang nhất; nhiều tướng lĩnh QĐND, CAND nhất; nhiều liệt sĩ nhất; nhiều Mẹ VNAH nhất... Không phải ở mô cũng làm được như vậy đâu!” - ở độ tuổi ngoài 80 và mái đầu bạc trắng như cước, mẹ Lê Thị Điệp vẫn say sưa kể về mảnh đất Điện Nam (Điện Bàn, Quảng Nam) mà mẹ mộc mạc gói trong tiếng “làng” trìu mến.

Vùng cát trắng gieo hạt gống đỏ

Trời tháng 7, miền Trung nắng cháy. Trên trục lộ Đà Nẵng – Hội An hầm hập hơi nóng, phả vào mặt ngưòi, chúng tôi tìm đến xã Điện Nam, cách TP Đà Nẵng 18 km về hướng Bắc. Những đụn cát, cồn bạc màu một thời ở đây, giờ dần thay bằng những lùm cây xanh mát, những ngôi nhà mái ngói khang trang ... Nhưng chứng tích về một thời máu lửa chiến tranh, vẫn còn in đậm nơi mái đầu phơ bạc của các mẹ VNAH, những bước chân khập khễnh của các bác thương binh ... và những nghĩa trang liệt sĩ nghi ngút hương chiều.

Đã gần 50 năm nay, mẹ Lê Thị Điệp vẫn ngày ngày thắp nén nhang lên bàn thờ vong linh của ngưòi chồng và 3 ngưòi con đều là liệt sỹ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong khoé mắt nhăn nheo, già nua vì tuổi tác của mẹ, những giọt nước mắt chẳng thể lăn dài như những ngày phải chứng kiến người chồng  – Nguyễn Viết Tước, bị đày ải ra pháp trường, chịu tử hình vào năm 1972, khi ông đang bám đất quê hương để chiến đấu. Ngày đó, mẹ mới ngoài 30, nỗi đau cùng sự thương nhớ như cào xé ngưòi phụ nữ hãy còn xuân sắc.

Mãn tang chồng chưa lâu, ba ngưòi con đều lên đường nhập ngũ “trước là rửa nhục cho Tổ quốc, sau là trả thù cho cha”. Mẹ lại một lần nữa nén nỗi thương nhớ vào lòng, ngậm ngùi tiễn những đứa con ra trận. Trận tuyến chẳng cách bao xa và mẹ thấu hiểu những gian khổ khốc liệt của chiến tranh có thể sẽ cướp mất con mẹ, như đã lấy đi người chồng thuỷ chung. “Mẹ biết thế, nhưng tình yêu Tổ quốc, những khao khát cháy bỏng độc lập - tự do, cùng cái hào khí chung của ngưòi dân quê mẹ hồi đó, ai cũng lên đường, ai cũng nhập ngũ, dẫu có hi sinh vì Tổ quốc mẹ cũng chẳng sờn lòng ...”- ở độ tuổi 85 nhưng ánh mắt và giọng nói của mẹ Điệp vẫn còn rắn rỏi khi gợi nhớ về kí ức.

3 ngưòi con mới ngoài 20, lên đường, mẹ một mình nuôi 4 ngưòi con còn lại, tiếp tục làm công tác hậu phương, cảnh giới, nuôi bộ đội ... Chính mẹ, cũng từng bị giặc bắt đến 3, 4 lần, chúng giam cầm, bắt mẹ phải khai địa điểm cách mạng. Mẹ Điệp, cũng như hàng trăm mẹ VNAH khác trên quê  hương Điện Nam, chẳng hề khuất phục, khí phách Điện Nam anh hùng, cùng những nỗi nhớ thương chồng, con lại chuyển hoá thành phẩm chất cách mạng kiên cường. Sau chiến dịch tết Mậu Thân 1968, mẹ Điệp lại phải vĩnh biệt 2 ngưòi con liệt sĩ: Nguyễn Viết Hoàng (đội viên du kích), Nguyễn Viết Huân (xã đội trưởng). Không lâu sau, năm 1973, mẹ tiếp tục nén dòng nước mắt nóng hổi trước sự hi sinh của ngưòi con Nguyễn Viết Nam ...

Nơi căn nhà tình nghĩa khang trang, mới xây dựng năm 2006, mẹ Điệp vui vầy cùng con cháu, nội ngoại. Mẹ Điệp say sưa kể : “Quê mẹ ngày đó kiên cường lắm, chồng mẹ và 3 con đều là liệt sĩ nhưng có những gia đình còn nhiều hơn, như mẹ Hứa Thị Nho, Nguyễn Thị Ba, Hà Thị Đố... có đến 4 liệt sĩ, mẹ Phạm Thị Ngọ, Trần Thị Tâm ... 5 liệt sĩ, mẹ Lê Thị Đỏ 6 liệt sĩ ... các mẹ hồi đó cùng nhau chiến đấu, cùng sát cánh, động viên nhau. Mỗi ngưòi chiến sĩ hi sinh các mẹ đều thương nhớ như con mình vậy, nhưng lại càng thêm ý chí chiến đấu quân thù” – mẹ tâm sự.

Mẹ Điệp vui vầy cùng cháu

Chúng tôi nhớ đến thống kê của Nguyễn Thanh Cầu, Chủ tịch UBND Xã Điện Nam Bắc: toàn xã Điện Nam (cũ) có 206 mẹ VNAH, có 1 gia đình 6 liệt sĩ, 9 gia đình 5 liệt sĩ, 22 gia đình 4 liệt sĩ, 78 gia đình 3 liệt sĩ, có đến gần trăm gia đình có 1 đến 2 liệt sĩ. Bao năm tháng qua, mẹ Điệp hay bất cứ ngưòi dân xã Điện Nam luôn tự hào về mảnh đất cát gieo hạt giống đỏ, sản sinh ra chủ nghĩa anh hùng cách mạng này.

Làng “4 nhất”

Vào những ngày tháng 7, đến gia đình nào, chúng tôi cũng thấy làn hương trầm cháy đỏ trên bàn thờ; đến các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn, đầy hương hoa. Hàng năm, những ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng như lời anh Nguyễn Thanh Cầu: “Chúng ta sống hôm nay, phải nhớ tri ân công lao của những liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc, làm nên sự nghiệp vẻ vang, rạng danh tuấn kiệt anh hùng, rạng danh quê hương; đồng thời, làm sáng ngời đạo lý uống nước nhớ nguồn ...”.

Mẹ Điệp vui mừng khi quê hương mẹ được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, được tôn vinh xã bốn nhất: nhất 2230 liệt sĩ; nhất 206 mẹ VNAH; nhất 2 đơn vị, 8 cá nhân lực lượng vũ trang; nhất 8 tướng lĩnh QĐND, CAND. Trong làn hương trầm cháy đỏ, mẹ vẫn thầm gởi nỗi nhớ thương và những lời tâm tình, niềm vui quê mình “4 nhất” lên hương hồn chồng, con.

Những làn gió nhẹ rung rinh mái tóc mẹ bạc trắng. Nửa thế kỷ đã trôi qua, mẹ Điệp vẫn nhớ như in hình ảnh cùng phẩm chất cách mạng của thiếu tướng anh hùng Phạm Ngọc Lan, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không- không quân, bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hoá; thiếu tướng Phạm Bân, Phó tư lệnh Quân khu V, chỉ huy đơn vị tăng thiết giáp tham gia chiến dịch Tây Nguyên... Rồi thiếu tướng Phan Hoan, nguyên Tư lệnh Quân khu V, Thiếu tướng Phạm Mai, nguyên Cục trưởng Cục tình báo Bộ Công an... họ đều là những ngưòi con của mảnh đất Điện Nam máu lửa, mà mẹ từng gặp, hay nghe kể như những huyền thoại; giờ lại lưu truyền cho các thế hệ bằng tất cả niềm vinh dự và tự hào.

Quê mẹ giờ đây đang đổi thay thực sự. Không ít những bác thương binh tham gia sản xuất giỏi, gánh vác cả gia đình trên thân thể đầy vết tích chiến tranh.

Điện Nam giờ đã chia thành Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung và Điện Nam Đông, nhưng có lẽ sợi dây truyền thống cách mạng suyên suốt và kết nối toàn Điện Nam chính là: “làng 4 nhất”.

Xuân Huy - Hoàng Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.