Suy nghĩ khi chấm thi đại học môn Sử

19/07/2007 22:00 GMT+7

Chấm thi tuyển sinh đại học bao giờ cũng là một công việc nặng nề. Nào là mùa hè nóng bức; nào là ám ảnh từ nỗi lo "nói không với tiêu cực" cứ đeo đẳng mãi trong đầu; nào là đáp án cho điểm một đằng, thí sinh viết một nẻo và oái oăm là thí sinh viết đúng nhưng không có điểm còn đáp án sai lại chẳng can gì...

1. Ba ngày qua, người viết bài này chấm được 12 túi, trung bình mỗi túi bài thi môn Lịch sử có 25 bài, vị chi là 300 bài. Chỉ có một điểm 7 (mới qua một vòng chấm nên điểm này là điểm lý thuyết); một điểm 6,5; bốn bài có điểm từ 5 đến 6 (!). 6/300 là tỷ lệ từ trung bình trở lên bằng 2%. Câu hỏi thứ nhất của nỗi buồn đó là, tại sao thi tốt nghiệp THPT cũng có môn Sử, học sinh đỗ đến 66%, sao bây giờ điểm 0,5 - 1,0 nhiều đến thế? Đề thi đại học môn Sử năm nay vừa phải, thậm chí là rất hay, vậy can cớ gì cái "tốt", cái "trung thực" của ngày mới vừa hôm qua (thi tốt nghiệp THPT), gió bỗng nhiên xoay chiều, đổi hướng nhiều đến mức ấy?

2. Tiếng kêu cứu từ đáp án bị sai đã bị bay vào cõi thinh không. Dư luận cần một phản hồi, không có! Tại sao sự thật có thể dễ bị cho qua một cách hững hờ đến vậy? Số phận của hàng vạn con người được đo bằng cái thước đo "chưa chuẩn" làm sao có thể tuyển chọn đúng? Cứ 10 bài thi môn Lịch sử thì có đến 5 bài nói về Nguyễn Ái Quốc trong câu 1 (hỏi về phong trào yêu nước của giai cấp tiểu tư sản); 7 bài đề cập đến Phạm Hồng Thái..., nhưng đáp án không hề có. Chẳng lẽ Nguyễn Ái Quốc hay Phạm Hồng Thái không phải là một bộ phận của phong trào yêu nước hay sao? Những người làm đáp án chỉ tách riêng cái bài nói về phong trào này mà quên mất rằng, lịch sử của một dân tộc luôn luôn là một thể thống nhất. Chính vì thế nên mới có chuyện học sinh cứ học, cứ làm bài nhưng người chấm không có điểm để cho! Ở câu IV tình trạng cũng tương tự. Nào là cách mạng KHKT, toàn cầu hóa...; tất cả đều được học sinh biết và viết ra, nhưng trong đáp án không hề có, dẫu chỉ là một phần tư điểm?

3. Tại sao có những "cơ chế" sai mà quy chế chấp nhận? Chẳng hạn, một cán bộ chấm thi lần 1 cho 5,5 điểm, người chấm thứ hai cho 1,75; người chấm phúc khảo theo "nguyên tắc" dung hòa, "đoàn kết", nể nang, cộng lại chia đôi, cho 3,5 điểm; trong khi bài thi đó chỉ đáng 2 điểm. Quy chế đồng tình với giải pháp đó trong lúc rất rõ ràng là tôi hay anh có thể nâng điểm cho ai đấy thêm đến 1,5 điểm dễ như không. Tại sao không có chế tài nghiêm khắc cho những người chấm sai, chấm ẩu? Tại sao sự kém cỏi cứ mặc nhiên tồn tại còn cái đúng, cái cần phải có, cứ phải lui bước?...

  Hà Văn Thịnh
(Đại học Khoa học Huế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.