Lính "quân hàm xanh" làm thay đổi Anông!

17/07/2007 22:21 GMT+7

Đồn biên phòng 645 nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi thuộc địa bàn xã biên giới Anông, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Qua nhiều ngày ở cùng với các cán bộ, chiến sĩ nơi đây, chúng tôi đã ghi nhận biết bao sự hy sinh thầm lặng của những người lính trẻ trong việc bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc và làm biến đổi lớn cuộc sống của người dân địa phương.

Bắt đầu từ cây lúa nước...

Từ bao đời, với cuộc sống du canh, du cư - rẫy ở đâu thì người và nhà ở đó, người Cơ Tu đã quen chặt rừng làm rẫy, được chăng hay chớ nên việc thuyết phục họ sống định canh định cư quả là điều không đơn giản chút nào. Thuyết phục mãi không được, các chiến sĩ Đồn biên phòng 645 quyết tâm làm cho người dân thấy. Họ be bờ, cày xới một mảnh đất nhỏ ven suối. Thấy họ làm, dân làng bĩu môi: "Hắn không sống được mô. Nước nhiều lúa sẽ chết ngộp ngay thôi". Ngày đầu tiên nhổ mạ cấy lúa, người dân kéo đến xem rất đông và rất lấy làm lạ. Họ bảo: "Trời sẽ phạt đấy, sao chúng mày dám nhổ lúa trên đất khô rồi cắm xuống đất nước...".

Lúa ngày một lên xanh tốt, các chiến sĩ rất vui. Đến khi thấy các chiến sĩ đi thu gom phân bò vươn vãi khắp nơi về bón cho lúa, dân trong thôn lại xì xào: "Răng dơ dáy rứa. Chắc chịu không nổi, cây lúa sẽ chết thôi". Rồi cũng đến lúc thu hoạch, chỉ hơn 1 sào ruộng nước, các cán bộ chiến sĩ đã thu hoạch số lúa gấp nhiều lần số lúa mà người dân ở đây làm trên 1 quả đồi. Đến lúc đó, người dân thôn AXòo mới chịu nghe lời và họ bắt đầu làm lúa nước. Đến nay, cả 4 xã nằm trong địa bàn mà Đồn 645 phụ trách, nơi nào cũng làm lúa nước. Những hộ nào trồng nhiều, không còn cảnh phải ăn mì trừ bữa nên dân trong các thôn xã náo nức làm theo, góp phần hạn chế việc đốt rừng làm nương rẫy.

... Đến con bò xóa đói giảm nghèo

Dân cư sinh sống trong 4 xã mà đồn phụ trách, tất cả đều là dân tộc Cơ Tu, theo khảo sát, tỷ lệ số hộ đói nghèo chiếm đến 80%. Không thể để người dân tiếp tục sống nghèo khổ mãi, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng lại bắt tay vào việc giúp dân phát triển chăn nuôi bò. Họ gọi đây là những con bò xóa đói giảm nghèo. Cùng với chính quyền địa phương, chỉ huy đồn đã chọn được 5 hộ nghèo nhất trong các thôn AXòo, ARớt của xã Anông làm thí điểm trước.


Các chiến sĩ biên phòng trong một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Không sinh con thứ 3 - Ảnh: T.T
Đó là các hộ Arât Hênh, Arât Minh, Poloong Quyết, Avô Mlăng và Briu Ngách. Các hộ này hằng năm ăn củ mì thay cơm nhiều nhất. Sau đó, đích thân Đồn trưởng Đồn biên phòng 645 liên hệ với Ngân hàng Chính sách của huyện Tây Giang bảo lãnh xin vay 50 triệu đồng cho các hộ nghèo. Đích thân các sĩ quan trong đồn cùng với các hộ trên liên hệ ở khắp nơi trong tỉnh để mua bò giống với giá rẻ nhất và chia cho các hộ, mỗi hộ từ 2 đến 3 con. Có bò rồi, chỉ huy đồn lại cử cán bộ, chiến sĩ xuống từng hộ gia đình hướng dẫn cách làm chuồng, cách chăm sóc, cả cách lấy phân bò để bón ruộng... Chúng tôi đến thăm nhà anh Arât Hênh, người Cơ Tu vốn rất ít nói, nhưng anh đã nói rất thật lòng: "Tôi trước đây chẳng có con bò nào, được bộ đội cho nuôi 2 con, bây giờ đã thành 4 con rồi...".

Và lo cả chuyện yêu thương!

Theo tập tục, người Cơ Tu sinh đẻ hầu như không có giới hạn, thích là đẻ và không cần phải nghĩ là phải nuôi nấng con cái như thế nào. Thấy những gia đình người Cơ Tu đông con sống xung quanh đồn quá vất vả, các em không được học hành đến nơi đến chốn, ăn uống thiếu thốn, các chiến sĩ biên phòng kết hợp với phụ nữ địa phương thành lập các câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở 3 thôn thuộc 3 xã. Có hàng trăm hộ gia đình tham gia, không ai vi phạm. Ban đầu đi vận động, các chiến sĩ biên phòng bị dân phản đối, họ nói thẳng: "Rảnh quá hỉ? Con mình đẻ, mình nuôi. Mình đâu bắt biên phòng nuôi đâu mà chúng mày cấm mình...?". Không hề nản lòng, các chiến sĩ lại ra sức vận động, chỉ ra cho họ những cái đúng, những cái lợi trong việc có ít con, rồi chỉ ra các biện pháp tránh thai.

Lúc ấy người dân mới chịu nghe ra và thực hiện. Lúc chúng tôi đến thôn Tà Vàng, xã ATiêng, huyện Tây Giang, khi hỏi về các biện pháp tránh thai, một thanh niên nói rất rành mạch và rất tiếu lâm rằng: "Hi! Cái đó mình rành lắm rồi, ngoài việc uống thuốc, dùng bao cao su và các biện pháp khác, mình còn có 2 biện pháp hữu hiệu nữa. Đó là ngủ xoay đầu và ngủ riêng giường nữa đó". Nghe đến đó, ai trong đoàn cũng cười. Chị Hồ Thị Díp, ở thôn Tà Vàng cho biết: "Đã gần 4 năm nay, toàn thôn có hơn 35 cặp vợ chồng tham gia câu lạc bộ, không ai đẻ con thứ 3 nữa nên con cái vợ chồng sống rất vui vẻ". 

Ghi chép của Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.