Người Việt ở Mỹ và hàng hóa Trung Quốc

14/07/2007 20:37 GMT+7

Mấy ngày này đi đâu cũng nghe thiên hạ nói về hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc ở Mỹ. Người gốc Việt cũng rất nhạy cảm với vấn đề này.

Người Mỹ gốc Việt, nhất là những người mới đến định cư, thường “thực hành chính sách tiết kiệm”, mua cái gì cũng “quy” ra tiền đồng Việt Nam rồi cảm thấy là “đắt quá” mà giảm chi tiêu. Thế nên, những cửa hiệu như “Family dollar”, “99 cents”, “One dollar”... là những nơi quen thuộc với họ vì ở đó, tất cả mọi thứ đều khỏi trả giá, mà giá cả lại “quá mềm”, dưới 1 USD, nên thật là thuận mua vừa bán.

Thế mà những ngày này, khi đi mua sắm ở những cửa hàng đó, tôi để ý thấy tâm lý mua sắm đã có chiều thay đổi. Họ cầm món hàng lên, xoay qua xoay lại, không những xem còn thời hạn sử dụng không, mà còn tìm xem xuất xứ của món hàng, có phải là hàng của Trung Quốc hay không. Những hàng hóa như đồ may mặc, hàng điện tử, máy móc... còn khả dĩ chấp nhận được, nhưng với các mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, tức những thứ có liên quan đến sức khỏe con người thì họ dè dặt, thà mua đắt hơn mà an toàn. Một phụ nữ đứng tuổi sau khi xem đi xem lại chai xì dầu hiệu Maggi bèn quay qua hỏi tôi: “Chú xem giùm có phải đồ của Trung Quốc không?”.

Sau khi xem nơi xuất xứ, tôi nói cho cô ấy biết là hàng của Morocco, cô bèn cười vui và bỏ vào giỏ.

Phải nói rằng, hàng hóa mang nhãn hiệu “made in China”, “products of China” hiện đang là đề tài nóng bỏng, là mục tiêu báo động của giới tiêu thụ ở Mỹ. Hầu như ngày nào cũng có tin bài liên quan đến an toàn thực phẩm, dược phẩm. Mỹ là một thị trường tiêu thụ béo bở mà nước nào cũng nhắm đến. Một khi người tiêu dùng Mỹ tẩy chay hàng thực phẩm, dược phẩm của Trung Quốc thì cơ nguy về một làn sóng tẩy chay dây chuyền trên khắp thế giới khó mà tránh khỏi. Thế nên, chính quyền Trung Quốc buộc phải mạnh tay, và việc đem thi hành án tử hình đối với ông Trịnh Tiêu Du ngày 10.7 vừa qua là cách để bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa “made in China”. Ông Trịnh trong chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm từ 1998 đến 2005 đã nhận hối lộ hơn 800.000 USD và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi cấp giấy kiểm định chất lượng cho các dược phẩm giả mạo hoặc không đủ tiêu chuẩn.

Cái chết của ông Trịnh, 62 tuổi, không làm nhiều người ngạc nhiên. Ngạc nhiên chăng là vì ông bị đem ra xử tử hình quá nhanh: Tòa kết án hồi cuối tháng 5, qua tháng 6, ông kháng án và đầu tháng 7 thì y án và cho thi hành. Chính quyền Trung Quốc đang mở một chiến dịch để “giải độc” dư luận vì nếu không, sẽ ảnh hưởng nặng đến xuất khẩu của họ.

Lê Đình Bì
(từ California)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.