Đền bù giải tỏa: Lại vướng !

12/07/2007 00:18 GMT+7

Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vừa có hiệu lực từ ngày 2.7.

Quan điểm đền bù khi thu hồi đất của Nghị định 84 là đất cùng tình trạng pháp lý thì xử lý như nhau, không phân biệt được cấp giấy hay chưa. Cụ thể, đất sử dụng trước 15.10.1993 không có giấy tờ nhưng không thuộc một trong các vi phạm khiến không được cấp "sổ đỏ" như đất lấn chiếm, vi phạm quy hoạch... khi thu hồi sẽ được bồi thường như đất có giấy tờ.

Điều này sẽ góp phần tháo gỡ được rất nhiều cho các dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) đang ách tắc hiện nay. Tuy nhiên, theo như phát biểu của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Quý Đôn thì "Đứng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, một số quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất (GPMB) có khả năng gây ra sự so sánh giữa các đối tượng sử dụng đất, gây phức tạp thêm cho công tác GPMB". Với đặc thù quỹ đất tái định cư cực kỳ hạn hẹp của các thành phố đô thị hóa cao, bồi thường bằng đất nông nghiệp cho người dân bị thu hồi đất đã là khó, chưa nói đến đất phi nông nghiệp (đất dịch vụ) hay đất ở đô thị thì lấy đâu ra? Điều nữa, khi áp dụng chính sách này ở những nơi còn quỹ đất thì những nơi khác lập tức dân sẽ thắc mắc.

 Thông tư 06 hướng dẫn thực hiện Nghị định 84 quy định: Người dân sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15.10.1993 nhưng không có một trong các loại giấy tờ theo quy định (biên lai nộp thuế nhà đất, quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất,...) thì khi cấp giấy chứng nhận, UBND phường, xã phải xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất.

Quá trình thẩm tra, xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất phải lấy ý kiến của khu dân cư gồm những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất. Ý kiến này được lập thành văn bản theo mẫu và phải được công bố công khai. Quy định như vậy cũng rất không khả thi vì cán bộ chính quyền (đặc biệt ở những đô thị lớn) không thể biết ai đã cư trú cùng thời điểm với người sử dụng đất chưa kể là không biết phải lấy ý kiến bao nhiêu người mới đủ? Trước tình hình này, nhiều cán bộ chuyên môn cấp cơ sở có kiến nghị rằng, trong trường hợp người dân không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất chỉ cần UBND xã, phường xác nhận và chịu trách nhiệm sẽ thuận tiện hơn cho người dân và tăng tính khả thi cho chính quyền khi thực hiện.

 An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.