"Không nên thúc ép ngành giáo dục phổ cập THCS bằng mọi giá"

02/07/2007 17:13 GMT+7

Trong hai ngày cuối tháng 6.2007, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở GD&ĐT và một số ban ngành của tỉnh Lâm Đồng.

Cần tập trung chất lượng phổ cập THCS

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình kinh tế và giáo dục của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá Lâm Đồng là tỉnh miền núi còn không ít khó khăn, nhưng lãnh đạo tỉnh đã có sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển giáo dục. Bộ trưởng tuyên dương những nỗ lực của cán bộ, giáo viên ngành GD&ĐT Lâm Đồng trong những năm học qua. Kết qủa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua là một minh chứng về chất lượng giáo dục ở Lâm Đồng, tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 80,8%, xếp hạng 9 toàn quốc, trong khi đó năm học trước tỉ lệ này là 92,6%, nhưng xếp hạng 34 toàn quốc.

Ngược lại, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc những năm trước đạt tỉ lệ tốt nghiệp THPT trên 90% nhưng năm nay chỉ đạt trên dưới 20%. Bộ trưởng cho biết Lâm Đồng là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm, mô hình này cần được nhân rộng trong toàn quốc. Đồng thời, Lâm Đồng là địa phương có nhiều nỗ lực trong việc phổ cập THCS, nhưng Bộ trưởng lưu ý không nhất thiết phải hoàn thành bằng mọi giá, cần tập trung đến chất lượng phổ cập; tỉnh không nên thúc ép ngành giáo dục chạy theo thành tích.

Sẽ mở cuộc vận động “bốn không” trong giáo dục

Bộ trưởng cho biết năm học 2006-2007 Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc vận động “hai không”: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, và đã đạt được những kết qủa nhất định. Năm nay, Bộ sẽ vận động thêm “hai không” nữa: nói không với những vi phạm đạo đức của thầy cô giáo và nói không với việc đưa học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Bộ trưởng cho rằng thời gian gần đây trong đội ngũ nhà giáo xuất hiện những người để mất tư cách đạo đức, tuy là số ít nhưng cần phải chấn chỉnh ngay. Bên cạnh đó, khi toàn ngành quyết tâm nói không với bệnh thành tích lại “rộ” lên hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”, lên trung học mà đọc chưa thông, viết chưa thạo, phải mất công đào tạo lại. Năm học tới, Bộ sẽ chuẩn hóa từ đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh, công tác quản lý giáo dục, cơ sở vật chất đến chuẩn hóa mối quan hệ giữa nhà trường, phụ huynh học sinh và xã hội.

Giáo dục nhân tài phải đi đôi với giáo dục lòng yêu nước

Khi đến thăm và làm việc với Ban giám hiệu, thầy cô giáo trường Mầm non Anh Đào, Bộ trưởng đã đề cập đến việc cần đổi mới cách đánh giá công bằng chất lượng giáo viên (GV) vì thực tế có nhiều GV dạy giỏi nhưng không bao giờ được dự thi GV dạy giỏi cả. Bộ trưởng cho rằng: “Qua việc đánh giá của hiệu trưởng, đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và chất lượng học sinh vẫn có thể công nhận GV giỏi chứ không nhất thiết phải thi để được công nhận”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thăm trường THPT chuyên Thăng Long - Ảnh: L. Viên - H. Bình
Trong bài nói chuyện với thầy và trò trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt), Bộ trưởng xác định, trường chuyên phải thực sự là nơi bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, không chỉ đào tạo kiến thức, mà còn phải chăm lo đặc biệt giáo dục thể chất, nhân cách, đạo đức, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh (vì phần nhiều HS trường chuyên sẽ đi du học).

Bộ trưởng cho biết: “Nhà nước sẽ hỗ trợ và đầu tư nhiều hơn cho các trường chuyên, ngược lại các trường chuyên phải thể hiện vai trò trách nhiệm cao hơn, học sinh trường chuyên khi ra trường phải phục vụ, cống hiến tài năng cho đất nước nhiều hơn”. Tại buổi làm việc Bộ trưởng cho hay, từ năm học 2007-2008 tùy tình hình thực tế, các địa phương chủ động sắp xếp lịch trình học tập (bảo đảm 35 tuần/năm học) và các kỳ nghỉ lễ, tết  phù hợp, miễn sao kết thúc năm học trước ngày 30.5.

Lâm Viên - Hồ Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.