Nghị lực của cô gái mười năm mang bệnh ung thư

29/06/2007 22:07 GMT+7

Tôi mới 13 tuổi, tôi chưa muốn chết!" - tiếng kêu thảng thốt và bất lực của Nguyễn Thị Thúy Hằng, cô bé học lớp 7 ở Quảng Nam khi lâm bệnh ung thư phổi thấm thoắt lùi xa vừa chẵn 10 năm. Cũng thời điểm 10 năm trước, chính bạn đọc Báo Thanh Niên đã từng cứu giúp em. Cùng với ba và em trai đều bị bào mòn thân thể mỗi ngày bởi chất độc da cam ấy, kỳ diệu thay, có một nghị lực đã âm thầm trỗi dậy để Thúy Hằng vượt qua bệnh tật...

Số phận nghiệt ngã

"Gần 10 năm qua là một khoảng thời gian đặc biệt của tôi. Câu chuyện bắt đầu khi tôi đang học lớp 7. Đó là một ngày định mệnh của tháng 3.1997... "Tôi mới mười ba tuổi, tôi chưa muốn chết!" - Nguyễn Thị Thúy Hằng bắt đầu những trang hồi ký của mình như vậy, khi nhớ lại lần đầu tiên mình ho ra máu.

Trước mặt tôi bây giờ là một Thúy Hằng của tuổi 23, nhưng bệnh tật buộc cô học trò giỏi trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) phải mãi mãi bỏ lại những tháng ngày vô tư. Sau Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, Đà Nẵng, gia đình phải chuyển Hằng đến Bệnh viện nhi Việt Nam - Thụy Điển ở Hà Nội. Tình cảnh lúc ấy thật tiến thoái lưỡng nan vì không kiếm đâu ra tiền. Cuối cùng, đến tháng 11.1997, bạn đọc hảo tâm của Báo Thanh Niên đã góp đủ tiền cho em ra Hà Nội. Nhưng cảm giác thất vọng tràn ngập vì bệnh không chữa khỏi.

Đó là "những tháng ngày đen tối và đầy kinh hoàng" khi Hằng thường xuyên ho khạc ra máu, có ngày đến 8 lần. Mệt và khó thở hơn, chân cũng dần yếu đi, Hằng suy sụp: "Mười ba, mười bốn, mười lăm, rồi đến hai mươi hai tuổi là khoảng thời gian tươi đẹp của đời người mà với tôi là sự thoi thóp, vật vã với bệnh tật" (trích hồi ký của Hằng). Bệnh ngày càng nguy kịch, máu ra nhiều hơn, đau tức vùng phổi dữ dội, lúc đó nhiều người đã khuyên mẹ Hằng nên để đứa con gái "ra đi" vì không còn hy vọng gì nữa... Nhưng cô Nguyễn Thị Thúy (mẹ Hằng), một nữ y tá vào nghề từ tháng 4.1975 đã không làm thế. Người mẹ khốn khổ ấy vừa chạy vạy khắp nơi vay tiền, chuẩn bị hành trang để vào TP Hồ Chí Minh chữa bệnh cho Hằng. Tháng 9.2005, Bệnh viện Chợ Rẫy làm rất nhiều xét nghiệm để có một kết quả choáng váng: ung thư phổi. "Sao số phận lại nghiệt ngã với mình đến thế, hai mươi mốt tuổi mà mình đã kịp sống được ngày nào cho ra sống đâu, thế mà phía trước mình là cái án tử hình đang đợi sẵn !" - Hằng than thở một mình.  "Nhìn về phía mặt trời"

Ai biết chuyện của Thúy Hằng đều không tin được đó là sự thật, khi giờ đây, mỗi buổi sáng cô gái ấy vẫn đạp xe từ nhà đến Trung tâm nuôi dưỡng & dạy nghề trẻ em đường phố tỉnh Quảng Nam để học may, học vi tính. Đã có một Thúy Hằng rất khác so với những gì được mô tả lần đầu tiên trên Báo Thanh Niên số ngày 19.9.1997: "đang nằm liệt tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, từ 4 tuổi đã loạn não, nôn mửa liên tục, béo phì"... "Tuy tôi không thể thay đổi sự thật về căn bệnh quái ác này, nhưng tôi có thể quyết định được thái độ của mình để đối diện với nó ! Mình chỉ được phép buồn và khóc nốt hôm nay nữa thôi, ngày mai sẽ phải khác...". 


Kết thúc khóa học may công nghiệp 4 tháng, Thúy Hằng tiếp tục học vi tính - Ảnh: H.X.H

Tháng 10.2005, Hằng lên bàn mổ. Nhưng bất hạnh lại dồn dập khi vài ngày sau đó, ở quê nhà, cha em - ông Nguyễn Xuân Công, đại tá về hưu từng chiến đấu ở chiến trường tây nam, Campuchia - qua đời vì bệnh nặng. Thêm đứa em trai phát hiện bệnh xơ gan. Một kết cục buồn khi cả 3 cha con bị nhiễm chất độc hóa học. Những ngày dài u ám lại kéo đến, và phải rất lâu sau đó Hằng mới vượt qua. Em âm thầm tập đi, mặc những lần té ngã thâm tím. Hằng đọc nhiều hơn những cuốn sách viết về nghị lực như Quẳng gánh lo đi và vui sống, Còn có ai đó yêu thương bạn, Lắng nghe điều bình thường, Tài sản quý nhất ở đâu, Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, cả bộ truyện Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh... 

Tại địa chỉ 14/1 Trần Hưng Đạo, P.Tân Thạnh, TP Tam Kỳ bây giờ, có 3 người phụ nữ yếu đuối đang săn sóc lẫn nhau. Mỗi ngày, dì ruột 62 tuổi của Hằng phải dậy từ 2 giờ sáng mới kịp sắc thuốc. Khốn khó lại vây bủa, bởi khu vườn và ngôi nhà tình nghĩa mà mẹ con Hằng và dì đang ở (do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, UBND thị xã Tam Kỳ, gia đình góp sức xây năm 2003) cũng thuộc về người khác từ lâu vì đã cầm cố khoảng 2,8 lượng vàng để chữa bệnh. Họ đang hoàn toàn khánh kiệt. Thêm một lần tái khám trong tháng 6.2007 bị lỡ hẹn... Nhưng thật nghịch lý khi Thúy Hằng chính là người luôn động viên dì và mẹ, lại thường xuyên viết thư khuyên nhủ đứa em trai bệnh tật đang tự bươn chải theo học năm thứ nhất, hệ cao đẳng tại trường ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh... "Suốt 10 năm nửa sống nửa chết, đã có giai đoạn em không hình dung mình sẽ bước chân ra khỏi cửa. Vậy mà giờ đây... Rõ ràng là một giấc mơ quá đẹp! Em muốn được làm một việc gì đó. Đôi lúc cũng muốn kiếm tiền để phụ giúp gia đình và cho những nhu cầu nho nhỏ của mình" - Thúy Hằng dè dặt nói với tôi về tương lai, một ước mơ giản đơn.  Kết thúc "hồi ký" mà Thúy Hằng vừa viết ròng rã 5 ngày liền có đoạn: "Tôi biết không phải mọi nỗ lực đều đem lại thành quả như mong đợi, nhưng tôi tin những sự cố gắng sẽ không bao giờ vô ích. Vì thế tôi sẽ luôn nhìn về phía trước, phía có ánh mặt trời". Chưa bao giờ tôi nhìn ra một Thúy Hằng sau 10 năm chống chọi với bệnh ung thư phổi lại can trường đến như vậy.

 Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.