Trò chuyện với đạo diễn Việt Linh: Nghệ thuật không có chỗ cho sự chập chờn

28/06/2007 23:20 GMT+7

Thiệp mời ghi Ra mắt Tủ sách Điện ảnh lần II, nhưng buổi gặp gỡ tại Đống Đa cinema lại giống cuộc hội ngộ để chúc mừng nữ đạo diễn Việt Linh sau tai nạn sức khỏe (chị bị tai biến mạch máu não).

Ngoài những đàn anh như Tổng thư ký Hội Điện ảnh VN Trần Luân Kim, đạo diễn Lê Dân, còn có rất nhiều bạn bè - đồng nghiệp, và cả những fan điện ảnh trẻ tuổi. Tất cả mọi người đều xúc động thấy chị lại đi đứng nhanh nhẹn, nói năng gãy gọn, ăn mặc đẹp và là một MC làm chủ sân khấu. 

Sự hồi phục nhanh chóng cho thấy năng lượng sống rất mạnh đã giúp chị vượt qua tai biến đã có thể buộc chị rời bỏ hoạt động nghề nghiệp, cái nghề mà chị đã làm với tất cả trái tim mình. Sau Bạch Diệp, Việt Linh là tên tuổi thứ hai mà người ta phải nhắc tới khi điểm danh những nữ đạo diễn hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam. 

Phải chăng vì thế mà Việt Linh đã nhận được những lời chia sẻ chân tình nhất, không chỉ cho ba tập sách 20 bài học điện ảnh, Làm sao viết kịch bản phim, Từ vựng điện ảnh (NXB Văn Hóa Sài Gòn) mà là cho chính chị. Tổng thư ký Trần Luân Kim đã hứa rằng Hội Điện ảnh sẽ tài trợ cho tủ sách, Hiệu trưởng trường Sân khấu - Điện ảnh Phan Bích Hà cho rằng tủ sách là một phần không thể thiếu trong thư viện của trường, đạo diễn Lê Dân hứa sẽ góp một bản thảo hấp dẫn, về chuyện đóng phim ở Việt Nam...

Cuộc trò chuyện dưới đây đã thực hiện từ không khí buổi gặp gỡ trên:

* Là người có một quá trình nhiều năm trong nghề, chị cho rằng cái khó nhất khi hoạt động điện ảnh ở Việt Nam là gì?

- Cái khó nhất cho người làm điện ảnh ở Việt Nam, theo tôi là sự mai một tính tác giả (nếu người làm phim thật sự có cá tính). Có quá nhiều yếu tố để người nghệ sĩ phải thay đổi những ý tưởng ban đầu: kiểm duyệt, kinh phí, máy móc, nhân sự, thị hiếu... Mỗi thứ tác động một chút, gây xáo trộn một chút. Nếu thiếu bản lĩnh, sẽ rất dễ thỏa hiệp. Theo tôi, đó chính là lý do khiến phim Việt Nam thường hao hao giống nhau.

* Những điều đó liệu có thể cải thiện được?

- Mọi sự đang được cải thiện sau sự ra đời của điện ảnh tư nhân.

* Bản thân chị từng có bao giờ gặp khó khăn đến mức muốn bỏ nghề?

- Có thể nói cứ mỗi lần làm phim là mỗi lần muốn bỏ nghề, nhưng rồi lại tiếp tục...

* Cái gì đã giúp chị trụ lại trong hoạt động điện ảnh?

- Người ta gọi đó là sự đam mê. Tôi thì thấy cái gì đó giống như... si tình!

* Nhưng đam mê không chưa đủ, muốn làm đạo diễn cần phải hội đủ những điều kiện nào nữa?

- Theo tôi có ba yếu tố: đam mê, kiến thức và ám ảnh. Không có những ám ảnh, người ta không thể làm phim nói riêng và làm nghệ thuật nói chung.

* Cái cần nhất cho một người muốn vào nghề đạo diễn ở Việt Nam là gì?

- Là họ phải xác quyết được họ muốn gì: muốn làm phim hay muốn danh vọng (mà chưa chắc đã có) của chuyện làm phim. Hai cái này rất khác nhau, bởi nếu muốn làm phim thì người ta sẽ bất chấp khó khăn, còn muốn danh vọng thì người ta sẽ chập chờn. Mà nghệ thuật thì không có chỗ cho sự chập chờn.

* Gần đây, hoạt động làm phim ở Việt Nam (cả phim nhựa lẫn phim truyền hình) đang gia tăng với tốc độ tương đối cao. Nó có thể mang đến cho văn hóa của người Việt những gì?

- Ít nhất nó cũng mang đến cho người xem nhiều sản phẩm để chọn lựa. Được chọn lựa cũng là một thứ văn hóa.

* Chị vừa trải qua một tai nạn lớn về sức khỏe, chị đã rút ra điều gì đó qua chuyện này? 

- Là phải yêu người hơn, tử tế với bản thân mình hơn. Cho đến giờ tôi vẫn còn rùng mình khi nghĩ rằng mình suýt không còn cơ hội yêu thương được ai, suýt trở thành phế nhân.

* Tủ sách điện ảnh không phải là món dễ xơi cho đại đa số người đọc. Chị có định biến nó thành một thứ hấp dẫn hơn, có tính đại chúng hơn không?

- Qua đề tài, nội dung, văn phong..., chúng tôi - nhà xuất bản, ban chủ biên, các tác giả - đã rất cố gắng để Tủ sách điện ảnh có thể hấp dẫn được công chúng rộng rãi. Nhưng đã là sách chuyên môn thì khó thể đại chúng được. Mỗi loại sách đều có đối tượng riêng. Thay vì "nhí nhố" hóa sản phẩm để lôi kéo công chúng (và chưa chắc đã được), chúng tôi chủ trương mỗi quyển trong Tủ sách điện ảnh phải mang đến cho người đọc một sự thú vị, bổ ích.

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.