Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28.6: Bà tôi!

28/06/2007 16:35 GMT+7

Với tôi, Bà là mẹ và còn hơn cả thế! Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê thuộc vùng đất Trung du với bề dày truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Nơi có Đền Hùng, có con sông Lô, sông Thao bốn mùa uốn mình ôm đất mẹ. Thế nhưng quê tôi nghèo lắm!

Tuổi thơ tôi gắn liền với giai đoạn khó khăn nhất của làng quê. Đó là thời bao cấp của những năm cuối thập niên 70.

Dù nghèo nhưng cha mẹ tôi cố gắng từng bữa sắn bữa khoai cho con ăn học. Tuổi thơ tôi thường theo Bà leo khắp các ngọn đồi trung du để hái củi, nhặt sắn, bẻ măng. Tôi là con lớn trong gia đình nên phải theo Bà đi kiếm cơm giúp cha mẹ sau giờ học ít ỏi ở trường. Thế rồi, tôi lại có thêm những đứa em. Tôi không còn được quan tâm chăm sóc chuyện học hành từ cha mẹ.

Bà, chính Bà đã thay cha mẹ săn sóc cho tôi từng bát cơm manh áo. Mùa đông tôi ngủ với bà cho ấm vì Bà có chăn bông. Mùa hè, tôi cũng ngủ với Bà để được bà quạt mát thâu đêm. Bà chỉ sinh được hai người con trai. Ông tôi mất khi cha tôi mới 4 tuổi. Thế rồi người con trai lớn của bà hi sinh trong chiến dịch Cao-Bắc-Lạng năm 1953. Bố tôi trở thành con một. Nhưng chính người Bác ruột hi sinh mà tôi chưa từng biết mặt đã giúp Bà nuôi tôi lớn lên.

Mỗi tháng tiêu chuẩn Mẹ liệt sỹ của Bà cũng được vài chục nghìn, chưa kể những nhu yếu phẩm khác mà Nhà nước ưu tiên được mua từ tem phiếu. Những năm tháng tôi học cấp 3 là chuỗi ngày tháng mà gia đình gặp khó khăn nhất. Mẹ tôi phải đi mua từng bao sắn đem về Nam Định đổi lấy khoai lang và gạo về ăn. Đi học ở thị trấn, những hôm ở lại học chiều, tôi phải nắm cơm sắn đem đến lớp.

Để bạn bè không biết mình phải ăn cơm độn sắn, khoai, tôi phải xuống tận hồ cá của trường hay ra giữa sân bóng ăn vì sợ bạn biết sẽ xấu hổ! Biết được chuyện đó, bà đã dùng suất gạo được cấp theo chế độ để nấu cơm nắm cho tôi mỗi khi tôi phải ở lại trường học mà không về nhà. Hai năm cuối cấp 3, tôi không còn cảnh phải ăn cơm trưa ngoài hồ cá hay giữa sân vận động vì cơm độn nữa.

*****

Thế rồi, tôi lớn lên và đã vượt luỹ tre làng đi kiếm sống. Để lại làng quê, Bà lưng còng với cánh đồng, bãi sắn nương dâu. Bà lại tiếp tục nuôi những đứa em tôi đi học. Ở xa quê, tôi rất thương Bà nhưng không giúp gì được cho Bà. Tôi chỉ còn cách viết thư về thăm Bà mà không có điều kiện về thăm. Tôi ước ao được đưa bà vào thăm miền Nam, nhưng mãi mãi không thành. Trong khi đang nuôi một đứa em bị bệnh nan y giai đoạn cuối thì tôi nhận được điện Bà ốm.

Do biết tôi phải chăm sóc cho em, nên gia đình đã giấu tôi. Bà đã vĩnh viễn ra đi mà không hề được nhìn mặt tôi lần cuối. Biết tin Bà ra đi, tôi khóc suốt đêm. Tôi tự trách mình không làm tròn bổn phận của một đứa cháu đích tôn. Thế rồi đứa em tôi lại tiếp tục theo Bà vì căn bệnh ung thư quái ác. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau. Tôi trở về làng và quì bên mộ Bà mà khóc.

Hình ảnh những nắm cơm lá cọ thơm lựng ngày nào Bà dúi vào tay tôi, và lấy lại nắm cơm độn sắn càng làm tôi thấy có lỗi với Bà. Ơn bà như núi cao biển sâu. Suốt đời này tôi không bao giờ quên lời Bà dặn khi tôi xa quê: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Cho đến hôm nay, dù đã ngoài 40 tuổi, nhưng mỗi khi nhớ đến người Bà yêu quí, tôi lại thấy mình có lỗi và không bao giờ quên lời Bà căn dặn!

Q.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.