Việt Nam, tiềm năng khảo cổ học dưới biển chưa được khai thác tốt

26/06/2007 14:33 GMT+7

Trong 15 năm gần đây, Việt Nam đã phát hiện gần chục con tàu chìm ở những vùng xưa nổi tiếng là hải cảng, trạm dừng chân của các nhà hàng hải qua biển Việt Nam tới phương Tây vào vịnh Thái Lan, sang Brunei, Philippines...

Tiêu biểu như tàu Hòn Đầm (Kiên Giang) chứa 14 nghìn cổ vật, gồm sứ Sawankhanlok Thái Lan; tàu Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có 240 nghìn cổ vật, gốm Chu Đậu của Hải Dương thế kỷ XIV; tàu Cà Mau gần 200 nghìn cổ vật thời Nhà Thanh của Trung Quốc thế kỷ XVIII... Riêng vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện và khai quật 6 tàu, trong đó tàu Hòn Cau chìm năm 1690 có 68.000 tiêu bản thời Nhà Thanh với các hiện vật phong phú đa dạng như bình, hũ, lọ, ché, ống cắm bút, ấn, chén, đĩa, tô... có kỹ thuật chế tác đạt tới trình độ nghệ thuật điêu luyện, tinh xảo, được đánh giá là tiêu biểu nhất so với cổ vật trên các con tàu tìm thấy ở vùng biển nước ta.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, công tác điều tra chuẩn bị cho khai quật tàu cổ của Việt Nam đang bị tụt hậu khá xa, chưa có đơn vị nào thực sự là "chuyên nghiệp". Các phát hiện trước đây đều do ngư dân nên việc khảo sát, khai quật thường là "chữa cháy", có trường hợp tàu chìm cách xa đất liền trên 200km ở khu vực có dòng chảy mạnh, độ sâu 80m không thể lặn bằng phương pháp dân gian, nếu đầu tư sẽ tốn kém mà giá trị kinh tế không cao. Ngoài việc lấy trộm cổ vật, người dân đã làm xáo trộn hiện trường, gây khó khăn trong việc xác định nghiên cứu cấu trúc, xuất xứ, nguồn gốc cũng như quản lý các tàu cổ đã chìm. Để nghiên cứu, khai thác tốt tiềm năng khảo cổ học dưới nước, Việt Nam cần đầu tư và hợp tác liên ngành, trong nước và quốc tế để tiếp tục khai quật thêm những con tàu đang còn nằm bí ẩn dưới đáy biển thuộc lãnh hải của mình.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.