Tăng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng: Lãi suất cho vay có nguy cơ tăng cao

22/06/2007 22:45 GMT+7

Quy định tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) khiến các ngân hàng (NH) thương mại đang đau đầu trước vấn đề phải điều chỉnh giảm lãi suất (LS) huy động hay tăng lãi suất cho vay đối với các cá nhân, doanh nghiệp (DN). Hầu hết tổng giám đốc của các NH cho rằng chắc chắn mặt bằng LS sẽ thay đổi, các ảnh hưởng đến người gửi tiền và người vay, đến giá cả hàng hóa… là không thể tránh khỏi.

Theo Quyết định 1141 của NHNN về việc điều chỉnh dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, tỷ lệ dự trữ tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng tiền đồng áp dụng cho các NH được điều chỉnh tăng từ 5% lên 10% trên tổng số dư tiền gửi. Tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng bằng tiền đồng tăng từ 2% lên 4% trên tổng số dư tiền gửi. Đối với tiền gửi ngoại tệ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng từ 8% lên 10% trên tổng số dư tiền gửi; với tiền gửi ngoại tệ từ 12 tháng đến dưới 24 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng từ 2% lên 4%. 

Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần (TMCP) cho rằng, việc NH Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể nhằm hạn chế lượng tiền lưu thông ngoài thị trường để đối phó với khả năng lạm phát tăng cao trong tình hình giá cả xăng dầu, thực phẩm... tăng. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đang khiến các NH thương mại phải tìm ra giải pháp trước tình hình chi phí NH gia tăng, và giải pháp chỉ có thể là lựa chọn giữa giảm lãi suất huy động hay tăng lãi suất cho vay.

Lãi suất huy động tiền đồng của các NH hiện nay dao động từ 8 - 9,6%/năm, lãi suất huy động ngoại tệ từ 4 - 4,7%/năm. Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 4,32%. Do đó, một số NH cho biết họ sẽ không giảm lãi suất huy động vì như vậy người gửi tiền sẽ phải chịu thiệt.

Ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) cho biết: "Giá cả hàng hóa hiện nay đang tăng, nếu NH giảm lãi suất huy động thì thu nhập thực tế của người gửi tiền sẽ giảm đi. NH sẽ cố gắng tìm nguồn vốn rẻ nhưng không để khách hàng chịu thiệt thòi. NH cố gắng đảm bảo quyền lợi của khách hàng và NH".

Tổng giám đốc một NH TMCP có hội sở tại TP.HCM phân tích: "Giả sử NH huy động được 100 đồng, trước đây NH có thể sử dụng 85 đồng để cho vay (5 đồng theo tỷ lệ dự trữ bắt buộc của NH Nhà nước, 10 đồng NH để ở kho) nhưng với quy định hiện nay, NH chỉ được sử dụng cho vay được có 80 đồng trong khi vẫn phải trả lãi huy động cho người gửi tiền trên 100 đồng".

Do tình trạng cạnh tranh trong huy động vốn giữa các NH hiện nay rất gay gắt nên khó có thể giảm lãi suất huy động, khả năng các NH tăng lãi suất cho vay nhiều hơn. Các NH hiện nay đang áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng từ 10,8% - 13,8%/năm; ngoại tệ từ 6,6% - 7,5%/năm. Còn lãi suất cho vay dài hạn đối với tiền đồng từ 12,36% - 15,48%/năm; ngoại tệ từ 6,8% - 7,37%/năm. Việc lãi suất cho vay được điều chỉnh tăng sắp tới sẽ làm tăng áp lực trả lãi đối với người vay NH. Các ảnh hưởng đối với DN cũng sẽ không nhỏ, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vay vốn tăng dần về cuối năm. Chi phí này sẽ được các DN đưa vào giá hàng hóa dịch vụ và điều này lại khiến lạm phát tăng lên. 

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.