WB muốn gì? EVN muốn gì?

14/06/2007 23:42 GMT+7

(Nhân đọc Xung quanh việc thành lập Công ty cổ phần mua bán điện duy nhất: Tranh cãi giữa WB và EVN , TN 12.6.2007) Diễn biến cuộc tranh luận xung quanh đề án thành lập Công ty mua bán điện đang nóng lên từng ngày và thu hút sự quan tâm của dư luận. Thoạt nghe thì lập luận của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) lẫn WB (Ngân hàng thế giới) đều có vẻ hợp lý. Nhưng hàm ẩn đằng sau những lý lẽ đó là gì, hay nói khác, động cơ của các bên là gì?

Theo lộ trình mở cửa của ngành điện Việt Nam theo các cam kết tham gia WTO thì sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, truyền tải và phân phối điện sẽ không còn xa nữa, thậm chí có thể diễn ra trước năm 2010. Quy luật kinh tế cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành điện sẽ gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đối với các nước đang phát triển với hệ thống hạ tầng điện yếu như Việt Nam thì mức tăng còn có thể cao hơn nhiều. Như vậy, việc giải bài toán năng lượng điện ở đây đã quá rõ sẽ mang lại lợi ích lớn cho chính các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, với suất đầu tư bình quân 0,7 triệu USD/MW điện thì khả năng tự cấp vốn của nền kinh tế Việt Nam (bao gồm cả Chính phủ và nhà đầu tư trong nước) là không thể. Thực tiễn qua việc thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành dầu khí thời gian qua đã cho thấy cơ sở của nhận định này. Việc thành lập công ty phân phối điện có tiềm lực mạnh của Việt Nam sẽ là đối trọng lớn cản trở và bóp nghẹt tham vọng tham gia và chi phối thị trường điện của Việt Nam của các "ông kẹ" nước ngoài trong tương lai. Không phải đơn giản mà WB  từ trước đến nay luôn khuyến cáo Việt Nam tăng giá điện trong khi tương quan giữa Giá cung cấp điện/GDP Việt Nam lớn hơn nhiều lần so với các quốc gia trong khu vực. Việc mất kiểm soát ngành năng lượng, ngành quan trọng nhất, của Chính phủ Nga khi thực hiện mở cửa và tư nhân hóa/cổ phần hóa đã khiến hố phân cách giàu nghèo tăng lên là một minh chứng rõ nhất.

Thế còn động cơ của EVN là gì? Lý lẽ của EVN cho rằng công ty phân phối điện này chỉ hưởng một mức lợi nhuận từ 5-10% là khá bao biện. Thực tế, khi một doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp sẽ có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và dĩ nhiên mục tiêu lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, chắc chắn là, trong một chừng mực nào đó, công ty đó sẽ thao túng thị trường khi mà họ vẫn được Nhà nước trao độc quyền trong việc phân phối, tiêu thụ điện.

Không thể phủ nhận những đóng góp của EVN và sự tham gia của WB trong việc phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam nhưng để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất, theo tuyên bố của các cơ quan này, thì rất cần những định hướng đúng đắn của các cấp điều hành vĩ mô, cũng như các chính sách, biện pháp, phương pháp thanh tra, giám sát, chế tài hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước.

Định hướng thành lập công ty phân phối điện tổng hợp để đảm bảo cung cấp điện đến các vùng sâu, vùng xa là hoàn toàn đúng đắn. Song nếu đây là đề án thành lập công ty xây dựng hay truyền tải điện, với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hẳn, và nếu lĩnh vực phân phối điện được mở cửa rộng rãi hơn thì đề tài này sẽ ít gây tranh cãi hơn.

tanminh…@yahoo.com.vn

Đất nước ta đã gia nhập WTO, để phát triển kịp với thế giới ta nên học hỏi nhiều ở các nước phát triển. Trên thực tế hiện nay, xu thế kinh doanh của EVN đang đi ngược với sự phát triển kinh tế. EVN độc quyền về điện nên việc áp giá điện hoàn toàn do EVN quyết định, thích thì dùng, không thích thì thôi. Cái cần nhìn lại để quyết định EVN có nên tiếp tục độc quyền nữa hay không là giá cả của ngành viễn thông. Sau khi có nhiều công ty cạnh tranh, giá viễn thông đã giảm rất mạnh. Quyền lợi trên hết vẫn là quyền lợi của nhân dân, của  người tiêu dùng. Vì vậy tôi thấy EVN không nên độc quyền về điện nữa để nhân dân được nhờ.

Phạm Trương Nhật Huy
(Bạc Liêu)

Về đề án thành lập công ty mua bán điện của EVN theo tôi chỉ làm cho cơ chế độc quyền của ngành điện lại càng thêm độc quyền hơn. Tôi kể ra đây một câu chuyện ở khu phố tôi từ những năm của thế kỷ trước mà tôi không biết cái này là dân phải làm hay ông điện lực phải làm đây:

Khi hình thành khu dân cư, người dân ở khu phố tôi làm đơn xin ông điện lực kéo dây điện để người dân dùng rồi trả tiền hằng tháng. Ông nói là dân phải tự kéo. Dân cũng đồng ý. Bây giờ đường dây quá tải, các cây cột sắt ngày trước dân dựng lên để kéo dây hỏng, dân làm đơn xin thay, các ông ấy nói là dân phải tự mà thay lấy! Thử hỏi 10 năm trời chúng tôi đã đóng góp nhiều rồi, nhẽ ra chúng tôi phải được đối xử công bằng chứ (vì theo hợp đồng mua bán là điện lực kéo dây vào tới trước đồng hồ cơ mà).

Kính mong các cấp đưa câu chuyện này hỏi các đồng chí điện lực giùm tôi nhé.

cuongvtv…@yahoo.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.