Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang gia tăng

12/06/2007 23:58 GMT+7

Các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đang dần tháo dỡ kho dự trữ vũ khí hạt nhân, tập trung phát triển tên lửa và đầu đạn mới dù có sức công phá thấp hơn nhưng lại làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Trong báo cáo thường niên về các lực lượng quân sự trên toàn cầu công bố hôm 11.6, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển cũng cho rằng sự gia tăng số lượng các quốc gia có vũ khí hạt nhân đang làm tăng nguy cơ các vũ khí trên có thể được sử dụng. "Điều đáng ngại là các nước đang bắt đầu nhận thấy những vũ khí này là có thể sử dụng, khác với thời Chiến tranh lạnh chúng được coi là một phương tiện ngăn chặn", Hãng tin AP dẫn lời ông I.Anthony, chuyên gia hạt nhân của SIPRI.

SIPRI lần đầu tiên liệt kê CHDCND Triều Tiên trong số những quốc gia hạt nhân của thế giới do nước này đã tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất hồi tháng 10.2006. Trong khi vẫn chưa xác định rõ liệu Bình Nhưỡng đã phát triển một loại vũ khí hạt nhân có thể được phóng đi hay không, SIPRI ước tính CHDCND Triều Tiên có thể đã sản xuất khoảng 6 quả bom hạt nhân dựa trên cơ sở kho dự trữ plutonium của nước này.

Theo ông Anthony, Iran có thể gia nhập "câu lạc bộ hạt nhân" sau ít nhất 5 năm nữa, nếu Tehran quyết định chuyển việc làm giàu uranium sang mục đích quân sự. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan và Ấn Độ là những nước đã có vũ khí hạt nhân. Israel được nhiều chuyên gia tin cũng sở hữu loại vũ khí trên. Báo cáo của SIPRI ước tính các nước trên đã có 11.530 đầu đạn có thể được phóng đi bằng tên lửa hay máy bay tính đến đầu năm 2007, trong đó Nga và Mỹ chiếm hơn 90%. Cả Nga và Mỹ đang giảm kho dự trữ của mình theo các thỏa thuận song phương, nhưng lại đang phát triển các vũ khí mới trong quá trình hiện đại hóa quân đội. Anh, Pháp và Trung Quốc cũng có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân mới. Ấn Độ, Pakistan và Israel mỗi nước có hàng chục đầu đạn, nhưng chỉ mới triển khai một phần trong số này.

Mỹ vẫn là nước chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới vào năm ngoái với khoảng 529 tỉ USD dành cho các lực lượng quân sự của mình, trong khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nước chi tiêu quân sự nhiều nhất châu Á. Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Mỹ tăng từ mức 505 tỉ USD trong năm 2005, chủ yếu do "các chiến dịch quân sự tốn kém" ở Iraq và Afghanistan. Theo sau Mỹ là Anh và Pháp. Trong khi đó, với 50 tỉ USD chi tiêu quân sự, Trung Quốc giành vị trí thứ tư, đẩy Nhật xuống vị trí thứ năm với 43,7 tỉ USD. Chi tiêu quân sự của Nga cũng đạt 34,7 tỉ USD trong năm qua. Hoạt động mua bán vũ khí quốc tế tăng mạnh kể từ năm 2002, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là nước nhập khẩu nhiều nhất, còn Mỹ và Nga là nước xuất khẩu nhiều nhất. Năm nước Trung Đông nằm trong số 10 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu.

Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến đáng lo ngại. Theo báo Anh The Times, hôm 10.6, Iran đã dọa bắn tên lửa vào các quốc gia vùng Vịnh và dìm Trung Đông trong bể chiến tranh nếu Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân của họ.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.