Phản hồi xung quanh bài báo "Ai đã từ chối triển lãm của Nick Út?"

05/06/2007 23:16 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên số 156 ra ngày 5.6.2006 đăng bài Ai đã từ chối triển lãm của Nick Út? phản ánh vụ việc Hội Nhiếp ảnh TP.HCM ngưng triển lãm của Nick Út và Huỳnh Ngọc Dân, tòa soạn chúng tôi đã nhận được nhiều thư, điện thoại của bạn đọc, của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật... bày tỏ nỗi bức xúc trước sự việc. Chúng tôi xin tiếp tục đăng những ý kiến trên để bạn đọc có cơ hội tiếp cận đa chiều hơn về trường hợp đáng tiếc này.

Cựu phóng viên chiến trường - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính:

Hy vọng Nick Út sẽ không nản lòng!

Năm 1972, khi Nick Út chụp bức ảnh Kim Phúc bị bom napalm Mỹ cũng là năm phóng viên ảnh chiến trường Đoàn Công Tính có những bức ảnh nổi tiếng tại thành cổ Quảng Trị. Dù ít gặp nhau, nhưng trong thâm tâm họ thật sự cảm phục và quý trọng nhau bởi tình đồng nghiệp từng xông pha chiến trường để có những bức ảnh mãi mãi là chứng nhân lịch sử.

Ngày 3.6, hay tin triển lãm Nick Út bị hủy bỏ, Đoàn Công Tính dù bận việc tại Thủ Đức vẫn ngược lên sân bay Tân Sơn Nhất để làm một động thái theo ông là "rất cần thiết" để  an ủi và chia sẻ nỗi thất vọng với người đồng nghiệp trước khi Nick Út rời VN. Sau đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã gửi thư này cho Báo Thanh Niên để bày tỏ suy nghĩ của ông...


Nụ cười thành cổ - tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính
Nick Út là tên tuổi lớn của làng nhiếp ảnh thế giới. Dịp này, kỷ niệm 35 năm ngày bức ảnh nổi tiếng Kim Phúc bị bom napalm Mỹ ra đời, nhiều nơi trên đất Mỹ cũng như Tây u - Nhật Bản đã mời Út mở triển lãm và giao lưu nghiệp vụ. Nick Út đã trở thành công dân toàn cầu, ông đi đến đâu cũng được người hâm mộ yêu mến, kính trọng. Khóa giảng dạy đồng nghiệp trẻ vừa rồi của ông ở Hà Nội cũng rất được hoan nghênh.

Nên hay tin ông có ý định triển lãm tại Sài Gòn, mọi người yêu mến ông (trong đó có tôi) chờ đợi, coi đây là dịp tốt để học tập. Nhưng, thật quá bất ngờ, triển lãm của Út lại bị hủy bỏ bởi Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Tất nhiên phía Hội sẽ có những lý do (nặng về thủ tục), nhưng theo thiển ý của tôi dù vì lý do gì đi nữa việc hủy bỏ một triển lãm rất được nhiều người mong đợi này là việc làm vội vàng, đáng tiếc cần rút kinh nghiệm.

Có thể vì chân ướt chân ráo, Nick Út chưa rành cách thức, nhưng ngay cả những cuộc thi ảnh và triển lãm ảnh của Hội dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết, thậm chí  có lời ra tiếng vào cả về nội dung lẫn hình thức. u đó cũng là việc thường xảy ra. Về lý có thể bàn bạc, khắc phục, nhưng nếu Hội đề cao cái tình đồng nghiệp, tình người Việt với nhau cùng xắn tay áo làm tốt các khâu... thì sự việc trên khó xảy ra.

Trong lúc chúng ta đang đấu tranh chống sự quan liêu, cửa quyền thì hành động trên của Hội thật lạc lõng, khó thuyết phục, tránh sao khỏi sự phản cảm, hoài nghi về tính công tâm. Tôi cũng muốn chia sẻ và nhắn nhủ rằng hy vọng Nick Út  không vì thế mà nản lòng. Với những gì ông đã làm trong chiến tranh và trở về sáng tác tại Việt Nam, chắc chắn Út sẽ có những cuộc triển lãm được chờ đợi trên đất nước quê hương.

 Nhà nhiếp ảnh Văn Lang: "Công luận và anh em trong giới nhiếp ảnh chúng tôi đang nghĩ về Hội với sự nghi ngờ quá lớn"

Sáng nay khi đọc Báo Thanh Niên, tôi và nhiều anh em nhiếp ảnh khác đã bàn bạc và chia sẻ với nhau rằng đây là nỗi bức xúc nghiêm trọng của giới nhiếp ảnh. Thật tình, Hội đã gây nên một cú sốc không cần thiết. Cho nên, theo chúng tôi, Hội cần phải có sự lên tiếng chính thức về vụ việc chứ không thể nói đó rồi... để đó, chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Bởi vì công luận và anh em nhiếp ảnh gia chúng tôi đang nghĩ về Hội với sự nghi ngờ quá lớn, liệu những triển lãm khác có bị áp đặt như vậy nữa hay không? Anh em nhiếp ảnh chúng tôi đang mong chờ sự rõ ràng và minh bạch từ phía Hội.

Nhà nhiếp ảnh Vũ Hải Sơn: "Những lập luận của Hội nêu ra... hẹp hòi quá!"

Tôi và các bạn sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - nơi tôi đang giảng dạy về ảnh báo chí rất háo hức với triển lãm của anh Nick Út.

Thế nhưng, quyết định của Hội khiến chúng tôi quá sững sờ. Đáng buồn hơn, những lập luận của Hội nêu ra... hẹp hòi quá! Điều cần thiết là về mặt tình lẫn mặt lý chúng ta nên cư xử với nhau cho đẹp, bởi vì chúng ta đang làm nghệ thuật, làm văn hóa là cùng hướng đến cái đẹp mà.

Điêu khắc gia Lâm Quang Nới - Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ: "Chúng tôi không khỏi có cảm giác đây là sự ganh tỵ nghề nghiệp..."

Triển lãm Nick Út bị hoãn khiến nhiều người thấy tiếc, nhưng những người làm bảo tàng như chúng tôi lại... càng thấy tiếc hơn.

 Tôi đã từng chứng kiến, không phải một lần mà nhiều lần, nhiều phụ nữ nước ngoài khi xem bức ảnh của Nick Út và những bức ảnh khác trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã lẳng lặng ra gốc cây ngồi khóc. Nay tác giả của bức ảnh nổi tiếng đó về nước triển lãm, tôi xem như đó là một cơ hội tốt, vậy mà... Cách xử sự của Hội là quá non tay, còn lập luận của Hội khiến người ngoài như chúng tôi không khỏi có cảm giác đây là sự  ganh tỵ nghề nghiệp hơn là những lý do đã nói.

Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc: "Thái độ và lý do của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM là ngụy biện và lấp liếm"

Thứ nhất, tôi không đồng ý rằng nếu không chấp nhận nội dung thư mời là có thể hủy bỏ triển lãm, bởi vì so với việc in ấn, kỹ thuật hiện nay thì việc thay đổi thư mời rất nhanh và quá dễ, hoặc hai bên có thể bàn bạc cách khác.

Thứ hai, nếu gọi triển lãm hai tác giả trên là triển lãm quốc tế về ảnh nghệ thuật - báo chí thì... có gì sai? Thứ ba, sự có mặt của Nick Út theo tôi ở một góc độ nào đó chỉ "làm sang" thêm cho Hội Nhiếp ảnh TP.HCM vì trong khách mời có cả các lãnh sự quán nước ngoài, vậy tại sao Hội lại than về chuyện tiếp đón? Vì lẽ đó, tôi phải nói rằng thái độ và lý do của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM khi từ chối triển lãm Nick Út, Huỳnh Ngọc Dân là rất ngụy biện và lấp liếm. Tôi nghĩ Hội Nhiếp ảnh TP.HCM chưa làm tròn chức năng của mình.

Q.T (ghi)

Đoàn Công Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.