Xung quanh vụ đưa một bệnh nhân AIDS đã hết nghiện lên Trung tâm Nhị Xuân

04/06/2007 22:48 GMT+7

Khoảng 17 giờ ngày 23.5.2007, vừa bước ra từ Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Bình, TP.HCM sau buổi sinh hoạt truyền thông HIV/AIDS, anh T.N.T, sinh năm 1977, đồng đẳng viên HIV/AIDS, Trưởng nhóm tự lực Màu Xanh đã bị công an đưa đi Trung tâm (TT) Giáo dục Dạy nghề & Giải quyết việc làm Nhị Xuân (sau đây gọi tắt là TT Nhị Xuân - thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM). Sự việc này đang gây xôn xao trong mạng lưới đồng đẳng viên.

Theo đơn trình bày của ông T.Q.S (P.4, Q.Tân Bình, nguyên là đại tá QĐND VN, cha của anh T.N.T), vào ngày 22.4.2002, T. tự nguyện đi cai nghiện tại TT Nhị Xuân. Sau khi được TT chứng nhận hoàn thành giai đoạn cai nghiện thực tế 24 tháng, T. được chuyển sang giai đoạn quản lý sau cai nghiện (từ 22.4.2004 đến 22.4.2006). Trong thời gian ở Nhị Xuân, T. có nhiều cố gắng, hoàn thành tốt công việc nên được TT tặng 3 giấy khen và cho thưởng phép 2 lần. Tuy nhiên, trong lần thưởng phép thứ hai (ngày 21.12.2005), gia đình thấy sức khỏe của T. suy sụp, bị AIDS giai đoạn cuối, bị lao hạch và nấm họng nên đã đưa T. đi khám sức khỏe và điều trị dài ngày tại các bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong cơ thể T., lượng CD4 chỉ còn 83 tế bào trong 1 ml máu, men gan cao gấp 4 lần mức bình thường... Điều đáng nói, trước đó vào ngày 24.8.2005, ông T.Q.S đã làm đơn xin bảo lãnh cho T. hồi gia chữa bệnh, có sự xác nhận của Công an P.4 và UBND P.4, Q.Tân Bình. Thế nhưng, TT không nhận đơn của ông T.Q.S và không có ý kiến phản hồi. Sau khi T. về nhà, gia đình ông T.Q.S tiếp tục gửi nhiều đơn xin bảo lãnh cho T. được ở nhà chữa bệnh. Trong đơn "xin bảo lãnh con ở nhà chữa bệnh" ghi ngày 28.2.2006 gửi Giám đốc TT Nhị Xuân có xác nhận của Bí thư Chi bộ 7A, khu phố 7 và Trưởng khu phố 7, P.4, Q.Tân Bình như sau: "Cháu T. hiện đang ở nhà với bố mẹ, không hút chích nữa, không gây rối trật tự trong khu dân cư...".

Anh Hồ Hải Phong - đồng đẳng viên tuyên truyền HIV/AIDS, người đầu tiên tiếp cận anh T. sau khi T. trở về nhà nhớ lại: "Lúc đó, sức khỏe của anh T. rất nguy kịch, nếu không kịp thời điều trị, khả năng tử vong rất cao!". Song song với việc điều trị, từ tháng 3.2006, T. tham gia sinh hoạt ở nhóm tự lực Màu Xanh dành cho những người nhiễm HIV/AIDS. Đến tháng 8.2006, T. được tín nhiệm chọn làm trưởng nhóm Màu Xanh. Từ công việc, T. tìm được hạnh phúc riêng và đã có đứa con trai 4 tháng tuổi...

Tháng 3.2007, ông T.Q.S có gửi đơn đến UBND TP.HCM xin bảo lãnh cho T. được hồi gia chữa bệnh tại địa phương và xin chịu trách nhiệm quản lý giáo dục để T. không tái nghiện ma túy. Ngày 5.4.2007, văn phòng HĐND và UBND TP.HCM đã có công văn gửi Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài là "xác minh tình trạng sức khỏe của T.N.T, báo cáo Hội đồng tư vấn trình UBND TP". Và, trong khi gia đình không hay biết gì về kết quả xác minh trên, ngày 23.5, T.N.T đã bị đưa đi... Chị Ng.Th, vợ anh T. (cũng là đồng đẳng viên HIV/AIDS) nói trong nước mắt: "Lúc anh T. bị bắt, tui tức tốc chạy về kêu bố mẹ chồng cùng chạy ra xe. Nhưng mấy anh công an bảo muốn gì thì lên Nhị Xuân nói chuyện. Anh T. không được đem theo đồ đạc gì, kể cả thuốc kháng vi-rút (ARV). Đến 7 giờ 30 đêm 23.5, tui lên tới Nhị Xuân xin thăm chồng nhưng không gặp được. Một nhân viên phòng y tế cho biết anh T. đã bị đưa sang phòng kỷ luật và kết quả xét nghiệm ma túy của ảnh là âm tính...". Còn ông T.Q.S bày tỏ: "Chúng tôi giữ T. lại ở nhà để điều trị bệnh cho nó khi chưa có sự đồng ý của TT Nhị Xuân là không đúng. Tuy nhiên, nhờ điều trị kịp thời và sự chăm sóc chu đáo của người thân, con tôi bớt bệnh và quan trọng nhất nó làm được nhiều việc giúp người nhiễm HIV. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, chiếu cố để T. sớm trở về hòa nhập cộng đồng".

Không nên quá khe khắt với người đã bị AIDS nặng...

Luật sư Trương Thị Hòa: "Cần phải khẳng định rằng chủ trương "3 giảm" và hậu cai nghiện là đúng đắn, mang tính nhân văn. Mục đích của hậu cai nghiện nhằm giúp người nghiện phục hồi sức khỏe và tạo công ăn việc làm ổn định cho họ. Đối với trường hợp anh T.N.T thuộc diện bỏ trốn khỏi TT cai nghiện, giáo dục dạy nghề nên cần phải cảnh cáo, răn đe. Thế nhưng, xét ở góc độ khác, tính thời sự của vụ việc để đưa anh T. lên lại TT là không còn vì hiện anh T. đã hết nghiện, vả lại anh đang có một công việc hữu ích cho bản thân anh, gia đình và xã hội. Theo tôi, một số trường hợp cá biệt như anh T. đáng được quan tâm, xem xét".

Bác sĩ Trần Thịnh, Phó chánh Văn phòng thường trực phòng chống AIDS - Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM: "Khi T. đột ngột bị đưa lên trên đó, tôi e ngại thuốc kháng vi-rút "chạy theo" không kịp, mà chỉ cần 1-2 lần uống không đúng giờ là rất dễ bị kháng thuốc, có thể nguy hiểm sức khỏe của bản thân và nguy hại cho cộng đồng... Anh T. là người tốt, mấy năm nay không bị tái nghiện. Anh còn tham gia tích cực chương trình truyền thông trong cộng đồng, giúp người nhiễm HIV mạnh dạn đến khám, chữa bệnh, góp phần làm bớt lây lan bệnh đồng thời bớt sự kỳ thị từ xã hội... Xét căn cứ pháp luật, Điều 42 Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có hiệu lực từ ngày 1.1.2007 quy định khá linh hoạt về trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, giáo dục bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào các cơ sở trên. Tuy nhiên, luật cần có những hướng dẫn trình tự pháp lý cụ thể để áp dụng vào thực tế. Theo tôi, không nên quá khe khắt với một số trường hợp đã bị AIDS nặng nhưng có đóng góp cho xã hội”. 

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.