Cảnh giác với những chiêu lừa xuất khẩu lao động

31/05/2007 00:34 GMT+7

Sáng 28.5, bà Đinh Kim Hoàng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với các phóng viên để thông tin về chủ trương đưa lao động VN sang Hàn Quốc (HQ) làm việc theo chương trình cấp phép mới cho lao động nước ngoài đến HQ làm việc (gọi tắt là Luật cấp phép mới) - do Chính phủ HQ ký trực tiếp với Bộ LĐ-TB-XH. Đồng thời qua đó, bà Hoàng cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của "cò" xuất khẩu lao động (XKLĐ)...

Theo bà Hoàng, chỉ có Bộ LĐ-TB-XH là đầu mối duy nhất, quản lý phân bổ chỉ tiêu thí sinh dự thi tiếng Hàn để đi lao động HQ theo luật này. Chỉ tiêu được Bộ phân bổ trực tiếp về cho các Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành. Tổng chi phí cho đến thời điểm người lao động (NLĐ) lên máy bay sang HQ là 699 USD/người, bao gồm chi phí một lượt vé máy bay, phí visa, lệ phí sân bay, tiền may trang phục và làm bảng tên.

Thời hạn lao động tại HQ là 1 năm; sau đó nếu chủ sử dụng lao động có nhu cầu thuê tiếp thì có thể gia hạn hợp đồng, nhưng tổng thời gian làm việc không được quá 3 năm kể từ ngày nhập cảnh. Lao động VN làm việc tại HQ được chủ trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu áp dụng tại HQ (lương tối thiểu được điều chỉnh hằng năm) - tương đương khoảng 780 USD/tháng (năm 2007). Nếu làm thêm giờ, NLĐ có thể được trả đến 1.000 USD/tháng.

Về chương trình này, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả số tiền trọn gói 699 USD mà NLĐ phải chuẩn bị trước khi đi. Những hộ gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, gia đình liệt sĩ, gia đình diện xóa đói giảm nghèo, những gia đình bị thu hồi đất... được ưu tiên tham gia.

Về việc thi tuyển, bà Hoàng khẳng định: "Chỉ có cơ quan hành chính công trực tiếp làm nhiệm vụ tuyển chọn lao động. Các tổ chức, cá nhân khác không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đưa lao động đi làm việc tại HQ, kể cả các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ".

Theo bà Hoàng, trước nhu cầu đi lao động tại HQ gia tăng trong thời gian gần đây, nhưng do chỉ tiêu phân bổ của Bộ LĐ-TB-XH có giới hạn, có thể những tay "cò" sẽ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của NLĐ, tung ra những chiêu lừa. Thậm chí, công khai tấn công vào tâm lý "nhanh chóng đổi đời" của người nghèo nông thôn. Để tránh cho NLĐ khỏi bị lừa,  Sở đã cho đăng công khai các thể lệ đăng ký, trong đó nêu rõ: "NLĐ trực tiếp đăng ký dự tuyển và không nộp bất kỳ khoản chi phí nào, trừ tiền mua hồ sơ".

Theo cơ quan chức năng, từ đầu năm 2006 đến nay, chỉ riêng tại các tỉnh, thành phía Bắc, công an đã triệt phá hơn 30 vụ lừa đảo XKLĐ, với khoảng 2.000 người bị lừa từ 5.000 đến 15.000 USD/người. Tại phía Nam, tình trạng gạ gẫm người có nhu cầu đi các nước Mỹ, Úc, Canada, Nhật và các thị trường lương cao khác cũng đang ở mức báo động.

Nguyên nhân chung vẫn là các "cò" lợi dụng khe hở của cơ quan quản lý lao động và sự cạnh tranh thiếu lành mạnh (giành giật nguồn lao động cung ứng từ các địa phương) của các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, và quan trọng hơn là sự thiếu hiểu biết, thiếu cảnh giác của người lao động.

Nói về sự việc liên quan đến Trần Văn Toàn, một "cò" XKLĐ vừa bị Công an Q.Bình Thạnh bắt giữ hôm 26.5 (Báo Thanh Niên đã thông tin), bà Hoàng cho rằng Toàn chỉ là một cá nhân lao động tự do, không ở trong tổ chức hành chính công của Nhà nước, có hành vi "dụ dỗ" anh N.T.S thu 9.500 USD (đã nhận 32 triệu đồng ngày 2.2.2007 và 1.000 USD ngày 26.5.2007) là hoàn toàn trái quy định của pháp luật lao động, lừa NLĐ để lấy tiền.

Toàn quê Hà Tĩnh, ngụ tại Q.Tân Bình, là chủ Công ty TNHH Việt Am, chuyên kinh doanh dầu thơm và hàng điện tử, trụ sở trong khu vực chợ Hoàng Hoa Thám, P.13, Q.Tân Bình. Đầu năm 2007, Toàn "tuyển" một số trai tráng từ nông thôn phía Bắc, và một ít từ ngoại thành TP.HCM đi lao động HQ qua chương trình cấp phép mới của Chính phủ HQ như đã nói ở trên, đưa vào dạy tiếng Hàn tại một căn nhà trong hẻm thuộc khu cầu Kinh Thanh Đa, Q.Bình Thạnh. N.T.S - một trong khoảng 70 học viên của lớp học này - đã đứng ra tố cáo vì bị Toàn buộc phải đóng cho anh ta từ 9.500 USD - 11.000 USD (nếu là lao động ở phía Bắc), chưa kể 2,5 triệu đồng học phí. Khi nhập học, ngày 2.2.2007 N.T.S đã phải trả trước cho Toàn 2.000 USD. Biên nhận tiền không có tiêu đề, không có cơ quan chủ quản, không có chức vụ người nhận, chỉ ghi "lý do: Tiền cọc đi XKLĐ". Ngày 26.5.2007, khi biết N.T.S trúng tuyển kỳ thi sát hạch tiếng Hàn do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức, Toàn đã yêu cầu S. chi thêm 2.000 USD; số tiền 6.500 USD còn lại sẽ giao nốt khi S. lên máy bay. Do nhà nghèo, S. chỉ gom được 1.000 USD. Sáng 26.5, khi Toàn nhận tiền từ S. tại một quán cà phê thì Công an Bình Thạnh ập vào bắt quả tang.

Theo Sở LĐ-TB-XH, có khả năng còn nhiều người nữa trong lớp học của S. cũng trúng phải chiêu lừa này.

Nguyên Thuỷ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.