Vốn huy động ngoại tệ giảm

20/05/2007 23:23 GMT+7

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố duy trì lãi suất USD ở mức 5,25%. Đây là lần thứ 7 liên tiếp, Fed giữ nguyên mức lãi suất này. Các ngân hàng (NH) trong nước cũng đã có sự điều chỉnh lãi suất hơn một tháng nay khi gặp phải tình cảnh nguồn huy động USD đang chậm dần.

Sau 2 tuần phát hành kỳ phiếu, ông Lưu Đức Khánh - Tổng giám đốc NH TMCP An Bình (ABBANK) cho biết, tình hình huy động USD có khả quan nhưng không như mong đợi. NH đang tập trung cho các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu vay nên nhu cầu ngoại tệ rất lớn.

Ông Phạm Văn Thành - Phó phòng Nghiên cứu và Phát triển NH TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thì cho biết, tình hình huy động USD tại Eximbank trong 4 tháng đầu năm tương đối ổn định, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó lượng tiền gửi của các DN tăng nhanh hơn so với người dân. 

Theo số liệu từ NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm, cơ cấu nguồn vốn huy động giữa tiền đồng và ngoại tệ của các NH trên địa bàn đang có sự chuyển dịch theo hướng vốn huy động ngoại tệ giảm dần. Cuối năm 2006, vốn huy động ngoại tệ chiếm 30,8% tổng vốn huy động nhưng tỷ lệ này đang giảm dần qua hằng tháng và hiện nay còn khoảng 26,6%. Trong khi đó, khách hàng vay bằng ngoại tệ không thay đổi, tỷ lệ dư nợ bằng ngoại tệ chiếm từ 30,5 - 30,7% tổng dư nợ.

Để tăng nguồn huy động USD, thời gian qua một số NH đã áp dụng các biện pháp như tăng lãi suất, phát hành kỳ phiếu, cộng lãi suất thưởng... Eximbank tăng lãi suất từ 0,1 - 0,25 %/năm ở các kỳ hạn 1 tháng - 12 tháng; NH TMCP Á Châu (ACB) tăng từ 0,01 - 0,15 %/năm, người gửi tiết kiệm trên 5.000 USD còn được cộng thêm lãi suất từ 0,1 - 0,62 %/năm... Mức lãi suất huy động USD của các NH kỳ hạn 12 tháng hiện nay dao động từ 4,85 - 5,3 %/năm.

Ngoài tăng lãi suất, một số NH còn sử dụng hình thức phát hành kỳ phiếu huy động USD có kỳ hạn với mức lãi suất khá hấp dẫn, nhỉnh hơn so với lãi suất huy động USD bình thường. Chẳng hạn, NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) phát hành kỳ phiếu USD thời hạn 4 tháng với mức lãi suất 4,6 - 4,8 %/năm, 8 tháng từ 4,75 - 4,95 %/năm, 11 tháng từ 4,95 - 5,15 %/năm; ABBANK dự kiến huy động 30 triệu USD qua việc phát hành kỳ phiếu ghi danh kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất 5 %/năm, 11 tháng với lãi suất 5,2 %/năm. 

Ông Phạm Văn Thành cho rằng, nguyên nhân của tình trạng lượng USD huy động từ DN tăng nhiều hơn người dân là kể từ ngày 1.3, NH Nhà nước dỡ bỏ trần lãi suất USD, thay vào đó DN sẽ thỏa thuận một mức lãi suất với tổ chức tín dụng. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư trực tiếp tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm lên 3,52 tỉ đồng, nguồn tiền của các DN xuất khẩu cũng tăng, lượng kiều hối ổn định... Chính vì nguồn USD dồi dào nên tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định, lãi suất gửi tiết kiệm bằng tiền đồng hấp dẫn hơn lãi suất USD đã tác động đến quyết định chọn gửi tiết kiệm bằng tiền đồng của người dân. "Người dân không giữ USD là do hiện nay có nhiều kênh sử dụng nguồn vốn như đầu tư chứng khoán, bất động sản... Trước đây, người dân giữ USD có giá nhưng thực tế vừa qua kiểm chứng giữ USD chỉ chịu thiệt", ông Lưu Đức Khánh cho hay.

Với tình hình trên có thể thấy tỷ giá USD/VND trong năm 2007 tiếp tục được ổn định và tăng tối đa khoảng 1%. Việc các NH tăng lãi suất USD vừa qua chỉ là trong ngắn hạn bởi lãi suất đồng USD trên thế giới có thể sẽ bị cắt giảm trong năm nay do kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm.

    Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.