Học và làm theo tấm gương Bác Hồ là căn cứ để xem xét và bổ nhiệm cán bộ

19/05/2007 00:07 GMT+7

Có một đồng chí giúp việc đưa con nhỏ vào Phủ chủ tịch chơi, đến giờ ăn cơm chiều, Bác Hồ với bác Tô (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) mời cháu ăn cơm cùng, cơm xới ra, cháu cầm bát ăn luôn. Bác lập tức bảo: Bác và bác Tô mời cháu ăn cơm thì cháu phải mời các bác đã rồi mới ăn chứ? Cháu bé đặt bát xuống và làm theo lời Bác. Ăn xong, Bác lấy một quả cam bổ làm 3 phần, hai phần to, một phần nhỏ và nói: 2 bác lớn làm nhiều ăn phần to, cháu nhỏ ăn phần bé.

Sau đấy Bác đưa 2 quả cam còn lại cho cháu bé và hỏi: cháu sẽ làm gì với 2 quả cam này? Cháu bé không biết làm gì, Bác bảo: quả này ngon hơn, cháu về biếu cho bà nội vì bà đã có công sinh ra và nuôi bố cháu nên người, còn quả này cháu hãy cắt làm đôi biếu bố và mẹ cháu".

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đào Duy Quát đã mở đầu cuộc nói chuyện với chúng tôi về "Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" bằng câu chuyện giản dị về Bác. Ông tiếp tục: "Câu chuyện ấy nói lên cái gì? Bây giờ chúng ta cứ nói rằng bố mẹ yêu con nhưng có bao nhiêu bậc cha mẹ biết giáo dục con cái phải sống có trách nhiệm, yêu thương và kính trọng những người thân theo cách đơn giản như Bác làm với cháu bé. Con một số cán bộ, đảng viên hư hỏng cũng vì thế !".

*Thưa ông, Đại hội X xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là phát triển kinh tế thật nhanh, thật mạnh, tại sao T.Ư lại phát động một cuộc vận động về đạo đức kéo dài suốt nhiệm kỳ ?

- Đúng, Đảng xác định nhiệm vụ lịch sử của Đảng hiện nay là lãnh đạo đất nước 5 năm nữa thoát khỏi danh sách những nước nghèo và 15 năm nữa cơ bản thành nước công nghiệp. Muốn vậy thì phải thiết chế để tạo ra 2 động lực: động lực về kinh tế và động lực về tinh thần. Về mặt kinh tế, Đảng chủ trương đổi mới sâu sắc thể chế kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới từng thành phần kinh tế để giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất. Đảng cũng xác định động lực tinh thần mà cốt lõi là đạo đức, lối sống là vô cùng quan trọng. Đó là nguyên nhân chúng ta tiến hành cuộc vận động để toàn xã hội, đảng viên, công chức, đặc biệt là đối tượng thanh niên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tạo ra sức mạnh tinh thần mạnh mẽ để hoàn thành mục tiêu kinh tế.

Nếu năm 1995 chúng ta chỉ cần 3 đồng vốn để có 1 đồng lãi thì năm 2005 chúng ta phải cần 5 đồng vốn để có 1 đồng lãi. Có nghĩa rằng hiệu quả đồng vốn rất thấp mà nguyên nhân được xác định là do trách nhiệm kém, tham nhũng, lãng phí... mà tất cả những cái đó đều có thể gọi là thuộc về vấn đề đạo đức. Một nguyên nhân rất quan trọng khiến chúng ta phải phát động cuộc vận động về đạo đức, đó là Đảng cũng nhận định có một bộ phận đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị mà nếu chúng ta không chặn đứng được đà suy thoái này sẽ đụng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

*Tại sao không phải là một cuộc vận động đạo đức nói chung mà là Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh?

- Về mặt tư tưởng thì thuyết phục bằng tấm gương là tốt nhất. Đây cũng là may mắn của dân tộc chúng ta khi có Bác là một lãnh tụ thiên tài nhưng cũng đồng thời luôn nêu những tấm gương trong sáng suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính. Không phải ngẫu nhiên mà Tố Hữu viết: "Ta yêu Người lòng ta trong sáng hơn". Phát động cuộc vận động chúng ta muốn nêu lại những câu chuyện, tấm gương sinh động của Bác để cảm hóa, thuyết phục, cổ vũ con người ta sống tốt hơn, nhân ái hơn, có trách nhiệm hơn.

*Thưa ông, trước đây cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo Hội nghị T.Ư 6 (lần 2) dùng kỷ luật, pháp luật để chấn chỉnh các vi phạm, lãng phí, tham ô nhưng kết quả cũng rất hạn chế, lần này chỉ là một cuộc vận động thì bằng cách nào có thể chuyển biến được tình hình?

- Cuộc vận động lần này sẽ có những điểm khác mà căn bản là sẽ gắn rất chặt cuộc vận động với công tác tổ chức, với cải cách hành chính, cải cách tư pháp, gắn chặt với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Chẳng hạn như ngay sau Hội nghị T.Ư 5 sắp tới sẽ tiến hành cuộc cải cách hành chính mạnh mẽ, trong đó quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của từng vị trí, sẽ không còn chuyện trách nhiệm chung chung mà một cây cầu sập chắc chắn bộ trưởng phải chịu trách nhiệm; cải cách hành chính sẽ buộc phải công khai tất cả những quy định, trình tự, thủ tục để người dân biết và giám sát hành vi công chức. Tất cả những điều này sẽ hỗ trợ cho cuộc vận động ở chỗ nó sẽ ngăn ngừa những hành vi nhũng nhiễu và tham nhũng.

*Thưa ông, học tập và thấm nhuần những câu chuyện, tấm gương của Hồ Chủ tịch thì dễ nhưng để biến nó thành hành động, cụ thể là công chức phải có thái độ phục vụ nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân là việc rất khó?

- Đúng. Trong quy luật tư tưởng thì để nhận thức sự vật cần ý chí nhưng để hành động thì phải có tình cảm. Nên mục đích của cuộc vận động lần này không chỉ nâng nhận thức của cán bộ, đảng viên về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà phải biến những nhận thức ấy thành tình cảm. Sắp tới, Ban chỉ đạo T.Ư về Cuộc vận động cũng sẽ chỉ đạo để công bố tiêu chuẩn đạo đức cho từng đối tượng: công chức, cán bộ tư tưởng, thanh niên... Các cơ quan sẽ căn cứ vào đó để để đánh giá, xem xét và bổ nhiệm cán bộ. Khi dùng người, Bác Hồ của chúng ta cũng luôn chú trọng đến con người (tức là đạo đức, lối sống đấy) và thực tài chứ không quan trọng bằng cấp. Khi chúng ta gắn các tiêu chuẩn đạo đức với việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sẽ khiến cho mỗi cán bộ, đảng viên có ý thức hơn, có trách nhiệm hơn và cũng như vậy mỗi người dân đều phải tự rèn luyện mình.

* Xin cảm ơn ông!

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.