Tuyển sinh ĐH-CĐ 2007: Hệ số "chọi", hệ số "k" ra sao?

15/05/2007 22:39 GMT+7

Những ngày vừa qua, dư luận xã hội và báo chí lại đặc biệt quan tâm đến hệ số chọi sau khi các sở giáo dục - đào tạo bàn giao hồ sơ cho các trường đại học - cao đẳng. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Tin học - Bộ Giáo dục - Đào tạo.

* Thanh Niên: Thưa tiến sĩ, với tư cách là một chuyên gia phân tích của Bộ Giáo dục - Đào tạo, xin tiến sĩ cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

- Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc: Từ năm 2004, chúng tôi đã có bài phân tích sau khi có đầy đủ số liệu thống kê nhiều năm, để thấy rằng: hệ số chọi là một thông tin để tham khảo chứ không có tác dụng giúp thí sinh chọn ngành, chọn trường. Tâm lý thí sinh thấy hệ số chọi cao thì cho là khó trúng tuyển và hệ số chọi thấp là dễ trúng tuyển là một suy nghĩ hết sức sai lầm. Đó là tâm lý trước khi tổ chức thi "3 chung".

Có hai loại hệ số chọi:

  1. Hệ số chọi ảo = Số hồ sơ đăng ký dự thi/số chỉ tiêu.
  2. Hệ số chọi thật = Hệ số k = Số thí sinh đến dự thi/số chỉ tiêu.

Hệ số chọi thật còn được Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia gọi là hệ số k chính thức từ năm 2004.

Các hệ số chọi mà những ngày qua các báo đăng tải đều là hệ số chọi ảo. Đã là ảo thì lại càng mông lung, khó tin cậy, dễ gây hoang mang cho học sinh chọn trường, ngành.

* Thanh Niên: Thưa tiến sĩ, vì sao hệ số chọi không có vai trò gì khi chọn trường thi, khối thi?

- Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc: Cho đến nay, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án 3 chung đã được 5 năm. Báo cáo này phân tích số liệu thống kê của 5 năm vừa qua và số liệu những năm 2000 và 2001 trước đây để độc giả thấy vai trò của hệ số chọi.

Xin xem bảng mẫu thống kê dưới đây cho trường ĐH Bách khoa Hà Nội như là một thí dụ minh họa:





 

Với ĐHBK-HN, chúng ta thấy chỉ tiêu tương đối ổn định. Song số thí sinh đến dự thi so với số đăng ký giảm đi rất lớn, tạo ra hiện tượng hệ số chọi ảo thì cao (tương ứng từng năm từ năm 2000 đến 2006 là 9.6- 9.9- 8.2- 5.0- 3.1) trong khi hệ số k thật thì rớt kinh khủng (từ 7.7- 7.9- 6.0- 2.4- 4.1 và năm 2006 chỉ còn có 1.9).

Việc hệ số k rớt kinh khủng này cho chúng ta thấy ý nghĩa rất lớn: hệ số chọi (ảo) chẳng có vai trò gì để thí sinh phải bận tâm, lo âu cả!


* Thanh Niên: Tiến sĩ có lời khuyên gì với thí sinh?

- Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc: Lời khuyên của chúng tôi là thí sinh hãy tạm quên hệ số chọi khi chọn trường, ngành để đi dự thi (thật). Thí sinh hãy tự đánh giá sức học


TS Quách Tuấn Ngọc

của mình qua việc lấy các đề thi năm trước, tự nghiêm túc làm bài như thi thật rồi dùng bản hướng dẫn chấm để tự chấm bài. Hãy so sánh điểm tự chấm đó với điểm tuyển những năm qua của trường, ngành mà mình đang muốn tham dự thi. Thấy xấp xỉ và lớn hơn thì yên tâm đi thi. Thấy mình kém quá so với điểm tuyển thì mình chọn trường khác hoặc thậm chí, phải chuyển hướng ngay sang chọn trường trung cấp, dạy nghề, thay vì tốn kém tiền của đi thi đại học.

Các trường THPT có thể nên tổ chức thi thử dưới hình thức nào đó để giúp các em tự đánh giá sức học. Kỳ thi tốt nghiệp năm nay nếu được coi thi thật nghiêm túc thì cũng là dịp để các em có thông số tham khảo sức học thật của mình để làm căn cứ chọn trường, ngành thi đại học, cao đẳng.

Càng đông thí sinh (TS), tỷ lệ "ảo" càng lớn?

Nhiều trường năm nay có số TS đăng ký dự thi đông đã tỏ ra rất lo ngại. Trưởng phòng đào tạo của một trường lớn ở Hà Nội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng ông hoàn toàn không muốn có đông TS đăng ký vì điều đó chỉ gây ra sự tốn kém cho trường chứ chất lượng tuyển sinh thì vẫn không thay đổi. Điều lo lắng nhất của ông là càng đăng ký đông thì tỷ lệ TS "ảo" (đăng ký nhưng không đến dự thi) càng cao. Đặc biệt, năm nay Bộ đã có chủ trương siết chặt kỷ luật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và chắc chắn tỷ lệ đậu tốt nghiệp sẽ không cao. Vì vậy, con số đăng ký dự thi ĐH sẽ có rất nhiều số ảo. Không chỉ ảo do rớt tốt nghiệp mà có muôn vàn lý do khác khiến tình trạng hồ sơ  ảo năm nào cũng diễn ra. Nguyên nhân ảo phổ biến nhất là TS nộp nhiều bộ hồ sơ vào nhiều trường thi cùng đợt. (Vũ Thơ)

Vĩnh Thắng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.