Đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng

06/05/2007 22:19 GMT+7

Thời gian gần đây, trong hệ thống giáo dục - đào tạo Việt Nam đã xuất hiện nhiều trường do doanh nghiệp thành lập, như: trường Cao đẳng Kỹ thuật tin học Sài Gòn (SaigonTech), ĐH FPT, CĐ Nguyễn Tất Thành, trường Trung học dân lập Kỹ thuật nghiệp vụ Mai Linh... Mô hình này được đánh giá là một trong những hướng đi mới nhằm giải quyết bài toán về đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội.

Tận dụng tài nguyên sẵn có

Đây là ưu điểm nổi bật của các trường doanh nghiệp. Trong đó, môi trường thực tập, các trang thiết bị, cơ sở vật chất, máy móc... sẵn có từ doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập và thực hành thường xuyên. "Tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp thường xuyên và từ rất sớm, sinh viên sẽ có cơ hội rút ngắn được giai đoạn làm quen với thực tiễn công việc ngay sau khi ra trường", ông Nguyễn Xuân Phong - Trưởng ban Tuyển sinh và công tác sinh viên trường ĐH FPT khẳng định.

Cũng nhờ vậy, với sinh viên, ưu thế còn là thời lượng thực hành trong suốt quá trình học. Trực thuộc Công ty cổ phần Mai Linh, sinh viên ngành du lịch trường Trung học kỹ thuật nghiệp vụ Mai Linh có nhiều cơ hội để thực tập trực tiếp thông qua những tour du lịch từ công ty thành viên là Công ty du lịch Mai Linh Tourism. Trên 4.000 xe ô tô các loại cũng sẽ là môi trường thực hành tốt cho các sinh viên ngành cơ khí ô tô.

Bên cạnh đội ngũ giảng viên hàn lâm, sự tham gia của đội ngũ chuyên gia cũng là điểm đặc biệt của mô hình này. Họ chính là cán bộ cấp cao trong doanh nghiệp, mà có khi là các chuyên gia từ những doanh nghiệp của đối tác được mời đến theo đúng chuyên đề học. Như ĐH FPT, các chuyên gia từ Hitachi, NEC, Sony, IBM, Microsoft, Oracle... được mời đến giảng dạy.

Bên cạnh đảm bảo theo khung chung của Bộ GD-ĐT, chương trình đào tạo và tài liệu học cũng được biên soạn trên cơ sở nghiên cứu thực tế theo yêu cầu các nhà tuyển dụng. Chẳng hạn như trường CĐ Nguyễn Tất Thành (trực thuộc Công ty dệt may Sài Gòn) dạy miễn phí 30 tiết học về thị trường chứng khoán cho tất cả sinh viên trong trường. Ở ĐH FPT, việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ như Intel, Microsoft, Cisco, Motorola, NTT, Toshiba... là cách chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, sáng chế, phát minh và xây dựng khung chương trình học.

Sử dụng "con đẻ" của mình

"Với gần 80 công ty thành viên trên cả nước, hằng năm nhu cầu nhân sự của Công ty cổ phần Mai Linh lên tới vài nghìn người. Vì vậy, thay vì tuyển dụng từ bên ngoài, Mai Linh muốn được sử dụng nguồn nhân lực là những sản phẩm do chính mình tạo ra - sử dụng những "con đẻ" để phù hợp nhất", bà Trần Thị Huệ - Tổng giám đốc Khối đào tạo, Trưởng ban Đối ngoại và hợp tác quốc tế của Tập đoàn Mai Linh cho biết. Trên cơ sở tự đào tạo, Mai Linh đảm bảo sẽ tuyển dụng vào công ty tất cả những học viên tốt nghiệp từ loại khá trở lên, cấp học bổng cho học viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc có nguyện vọng học cao hơn trước khi quay trở về công ty, cũng như giới thiệu việc làm tại các công ty đối tác của Mai Linh cho các học viên còn lại. ĐH FPT cũng cam kết đảm bảo việc làm cho 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tuy hầu hết các trường doanh nghiệp mới thành lập, nhưng triển vọng về vấn đề tự đứng ra giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là rất đáng chú ý. Đề cập về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty dệt may Sài Gòn, Hiệu trưởng trường CĐ Nguyễn Tất Thành cho biết: "Doanh nghiệp làm trường có nhiều thuận lợi trong việc gắn kết mô hình giữa "bốn nhà": nhà doanh nghiệp - nhà nghiên cứu - nhà quản lý - nhà trường. Đặc biệt, từ chỗ nắm vững nhu cầu về nhân lực trên thị trường, trang bị cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể làm việc tốt trong ngành, chúng ta mới hy vọng đưa lĩnh vực đào tạo tiến gần hơn với thực tế nhu cầu lao động xã hội".

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.