Sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai ở Hóc Môn, TP.HCM

15/04/2007 23:48 GMT+7

Hàng trăm ha đất, với sự tiếp tay của một số cán bộ quản lý trên địa bàn, đã bị các đầu nậu, các công ty tư nhân phá vỡ quy hoạch; kéo theo đó là đời sống hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng và hàng chục tỉ đồng của Nhà nước bị mất trắng. Chuyện xảy ra ở huyện Hóc Môn, TP.HCM nhiều năm liền, gây bức xúc trong dư luận. Nhưng điều lạ là những cán bộ tiếp tay cho những sai phạm vẫn đang ung dung tại chức, thậm chí còn... lên chức!

Bài 1: Tiếp tay cho doanh nghiệp chiếm đoạt 5.000 lượng vàng

Một dự án khu dân cư - công nghiệp sạch hơn 18 ha được giao cho một công ty TNHH không có năng lực tài chính, để rồi sau những trò "phù phép" và giúp sức của một loạt cán bộ xã, huyện ở Hóc Môn, giám đốc công ty này đem dự án thế chấp vay vốn ngân hàng 5.000 lượng vàng để... đánh bạc.

Bỏ vỏ dưa, lấy vỏ... dừa

Năm 2002, sau vài buổi làm việc với Công ty TNHH Thiên Long Vân, UBND huyện Hóc Môn có văn bản đề nghị thành phố giao 45 ha đất trên địa bàn cho công ty này để làm khu công nghiệp (KCN) và dân cư xã Đông Thạnh. Đề nghị này được thành phố chấp thuận về chủ trương và giao cho các sở ngành thẩm định về quy hoạch, môi trường... Nhưng hơn 1 năm trôi qua, dự án vẫn chẳng nhúc nhích gì khiến cả trăm hộ dân trong khu quy hoạch bức xúc. Thực tế, công ty này không có năng lực tài chính để thực hiện dự án, dù đã đổi tên Thiên Long Vân thành Tân Hà Phát, nhưng rốt cục cũng chẳng "phát" thêm được gì.

Thấy cả đống vàng để hoang cho cỏ mọc, từ giữa năm 2003 Công ty TNHH xây dựng - thương mại kinh doanh nhà Thành Phát (trụ sở tại số 10 đường Hiệp Thành 25, P.Hiệp Thành, Q.12) liền xin được đầu tư một phần trong khu đất 45 ha. Không cần thẩm định năng lực của Thành Phát, tháng 7.2003, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư huyện Hóc Môn Dương Minh Trung có ngay tờ trình đề nghị UBND huyện trình thành phố giao đất cho Thành Phát. Cũng chẳng cần đợi UBND huyện có đồng ý hay không, ngày 20.8.2003 Trung đã cho mời đại diện Tân Hà Phát đến "thỏa thuận" giao cho Thành Phát hơn 18 ha là những vị trí "nạc" nhất trong dự án (nằm ở giữa khu đất 45 ha). Ngày 27.8.2003, UBND huyện có tờ trình 596/CV-UB đề nghị UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thuận chủ trương cho phép Công ty Thành Phát được tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật hơn 18 ha trong tổng số 45 ha.


Khu đất làm dự án cỏ dại mọc đầy
Trong tờ trình 596/CV-UB, UBND huyện Hóc Môn lấy lý do chuyển hơn 18 ha cho Thành Phát là "trên thực tế Công ty Thiên Long Vân không đủ năng lực về tài chính cũng như trình độ chuyên môn trong việc thực hiện dự án...". Đọc văn bản này, nhiều người thấy mừng vì dường như UBND huyện Hóc Môn đã tỉnh táo nhận ra một doanh nghiệp yếu kém để thay thế bằng một doanh nghiệp có năng lực hơn, nhưng thực tế không phải vậy. Công ty Thành Phát thành lập vào ngày 22.7.2002 với số vốn điều lệ 5 tỉ đồng, do Trần Thị Hà (Giám đốc) góp 80% và Nguyễn Thiên Hòa (Phó giám đốc) góp 20%. Từ khi thành lập đến lúc được Hóc Môn đồng ý giao địa điểm làm dự án, Thành Phát hầu như chẳng làm gì. Chưa hết, một trong 2 thành viên góp vốn thành lập Thành Phát từng có tiền án về tội lừa đảo, vừa mãn hạn 9 năm tù, người còn lại là "phòng nhì" của y. Và, chính từ đây, một hành trình lừa đảo mới lại được thiết lập với sự trợ giúp đắc lực của những cán bộ nhà nước...

Cố ý làm sai lệch hồ sơ dự án

Phần hơn 18 ha giao cho Thành Phát là khu chưa có quy hoạch chi tiết sử dụng đất 1/2.000, vì thế trong tờ trình 596/CV-UB, UBND huyện Hóc Môn chỉ đề nghị thành phố cho phép Thành Phát được ứng vốn lập quy hoạch chi tiết hạ tầng kỹ thuật 1/2.000, sau đó mới lập dự án đầu tư. Thế nhưng, cũng chưa cần biết thành phố có đồng ý chủ trương cho Thành Phát làm dự án hay không, công ty này đã tiến hành thỏa thuận đền bù với người dân. Đến ngày 16.9.2003, Thành Phát có văn bản đề nghị UBND xã Đông Thạnh "xác nhận cho công ty số đất đã bồi hoàn" hơn 12,2 ha, kèm theo hàng loạt hồ sơ chuyển nhượng, đền bù... giả, vì thực tế đến thời điểm này Thành Phát chỉ thỏa thuận đền bù được cho vài hộ với diện tích không đáng kể. Thế nhưng, bộ hồ sơ này vẫn được Chủ tịch xã Đông Thạnh Trần Văn Tè xác nhận. Chưa hết, cũng chính ông Trần Văn Tè sau này, vào cuối năm 2004 và đầu năm 2005 còn xác nhận khống cho Thành Phát đã đền bù giải tỏa xong phần diện tích hơn 18 ha, là chứng cứ quan trọng để công ty này hoàn tất hồ sơ vay ngân hàng lấy 5.000 lượng vàng.

Liên quan đến dự án của Công ty Thành Phát, vào ngày 15.12.2006, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định giao đất cho công ty này. Quyết định nêu rõ: "Lý do thu hồi: Công ty Thành Phát và một số cán bộ công chức, viên chức có trách nhiệm tại huyện Hóc Môn và xã Đông Thạnh đã làm sai lệch nội dung pháp lý hồ sơ, xác nhận bồi thường, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng". Quyết định cũng giao UBND huyện Hóc Môn thu hồi bản chính các quyết định giao đất của UBND TP nộp về cho Sở Tài nguyên và Môi trường; kiểm điểm và xử lý nghiêm khắc những người vi phạm. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay các bản chính quyết định của UBND TP vẫn chưa thể thu hồi do Công ty Thành Phát đã đem... cầm ngân hàng. Còn việc kiểm điểm, xử lý các cá nhân sai phạm cũng chưa thấy công bố, thậm chí người trực tiếp sai phạm như ông Trần Văn Tè thì trở thành Bí thư xã Đông Thạnh, ông Dương Minh Trung và các cá nhân sai phạm khác vẫn... tại chức một cách khó hiểu.

Có được bản xác nhận đền bù giải tỏa xong, Thành Phát nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để xin giao đất. Theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong hồ sơ xin giao đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản photo có chứng thực sao y bản chính của huyện). Nhưng vì chưa đền bù cho dân nên Thành Phát không thể có được "sổ đỏ" đem photo, sao y chứng thực. Nguyễn Thiên Hòa (lúc này đã làm giám đốc công ty) liền nghĩ ra "độc chiêu", gửi thẳng văn bản cho Chánh văn phòng, Trưởng phòng Tư pháp huyện, đề nghị giúp chứng thực sao y 27 "sổ đỏ" trên bản photo có chứng thực của UBND xã Đông Thạnh. Vậy nhưng, đề nghị tày trời này cũng được Văn phòng và Phòng Tư pháp huyện Hóc Môn chấp thuận!

Không chỉ xác nhận khống bằng văn bản, trong các cuộc họp Tổ công tác liên ngành (được thành lập để giải quyết hồ sơ xin giao đất của Công ty Thành Phát), đại diện UBND huyện Hóc Môn là ông Dương Minh Trung và đại diện UBND xã Đông Thạnh còn quả quyết xác nhận Thành Phát đã hoàn thành việc đền bù giải tỏa và đề nghị các ngành chức năng xem xét trình UBND TP giao đất cho Thành Phát. Tin vào huyện và xã, các thành viên trong Tổ liên ngành đều "gật", thuận giải quyết hồ sơ. Kết quả sau đó, vào cuối năm 2004 và đầu năm 2005, UBND TP đã có các quyết định giao đất cho Thành Phát thực hiện dự án hơn 18 ha.

Lộ mặt lừa đảo

Theo trình tự, sau khi được giao đất, Thành Phát phải khẩn trương triển khai các bước quy hoạch, đầu tư hạ tầng tiếp theo. Nhưng như đã nói ở trên, do không có năng lực tài chính, đồng thời việc "xin" dự án không phải để đầu tư hạ tầng, nên thực tế chẳng có hoạt động đầu tư xây dựng nào ở đây. Vào tháng 9.2005, Nguyễn Thiên Hòa mang toàn bộ hồ sơ dự án đến thế chấp để vay 5.000 lượng vàng tại Ngân hàng N., chi nhánh Chợ Lớn, với hình thức vay làm dự án. Có tiền trong tay, Hà - Hòa chi một phần nhỏ để đền bù giải tỏa và duy trì hoạt động nhỏ giọt của dự án; đưa Dương Minh Trung và một số cán bộ huyện Hóc Môn "mượn" nhiều tỉ đồng để "làm ăn"... Số còn lại, Hòa đem sắm xe hơi đời mới, trả nợ và... nướng vào sòng bạc! Đầu tháng 2.2007, Công an TP.HCM bất ngờ ập vào căn nhà 37/4X Nguyễn Văn Lượng, Q.Gò Vấp, TP.HCM, bắt quả tang một sòng bạc lớn, thì phát hiện ông Giám đốc Công ty Thành Phát không chỉ là một tay cờ bạc khét tiếng mà còn là kẻ cầm đầu tổ chức sòng bạc này.

Trong lúc "chồng" xộ khám, bên ngoài Trần Thị Hà ôm luôn con dấu cùng tiền bạc của Thành Phát bỏ trốn, để mặc khu đất dự án cỏ dại mọc đầy cùng những "đồng minh" một thời đang hoang mang vì các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ vụ việc.

Nhóm PV Xã Hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.