Cá nhân không được kinh doanh taxi, tại sao ?

13/04/2007 00:18 GMT+7

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định về vận tải khách bằng taxi. Nội dung của quyết định này có nhiều cái mới so với trước, nhưng cũng có những điều mà các doanh nghiệp cho rằng sẽ gây phiền cho họ. Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó cục trưởng Cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) cho biết:

- Nội dung mới nhất của quyết định này là Nhà nước không cho phép cá nhân kinh doanh taxi. Bởi vì kinh doanh taxi, doanh nghiệp phải có tần số, có tổng đài. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh taxi phải đáp ứng các điều kiện như: đủ số lượng xe bảo đảm chất lượng phù hợp; người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải phải có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên; quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê diện tích đỗ xe tối thiểu trong 3 năm (cho ít nhất 1/3 số xe); giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước được phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

Ô tô taxi phải có đăng ký và gắn biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp, bộ đàm liên hệ với Trung tâm điều hành của doanh nghiệp, phù hiệu "Xe Taxi" do Sở GTVT (hoặc GTCC) cấp. Phía mặt ngoài hai bên thành xe phải ghi tên, số điện thoại, biểu trưng lôgô của doanh nghiệp (nếu có), số thứ tự xe taxi (theo số thứ tự của doanh nghiệp quản lý). Đặc biệt, xe đăng ký biển số nước ngoài không được đăng ký vận tải khách bằng taxi trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, cũng theo quyết định này, doanh nghiệp phải đăng ký một màu sơn hoặc kiểu sơn thân xe đặc trưng của doanh nghiệp mình (không được trùng với doanh nghiệp taxi đã đăng ký trước) với Sở GTVT. Trường hợp doanh nghiệp bổ sung hoặc thay thế xe hoặc ngừng hoạt động phải có giấy gửi cơ quan có thẩm quyền để được cấp phù hiệu mới và thu hồi phù hiệu đối với phương tiện bị thay thế hoặc ngừng hoạt động (thời hạn có giá trị của phù hiệu là 12 tháng).

Doanh nghiệp kinh doanh taxi phải ký hợp đồng lao động với lái xe taxi, tổ chức cho lái xe tập huấn theo quy định và được Hiệp hội vận tải cấp chứng nhận. Bố trí vị trí đỗ xe taxi tại doanh nghiệp hoặc các điểm đỗ xe công cộng theo quy định của Sở GTVT. Tất cả những quy định này đều nhằm mục đích để bảo vệ quyền lợi của khách, các cơ quan chức năng dễ kiểm tra, xử lý.

* Các quy định trên liệu có gây phiền hà cho doanh nghiệp ?

- Ông Nguyễn Văn Thanh: Hoàn toàn không có gì gây phiền hà cho doanh nghiệp. Việc quy định lái xe taxi phải được tập huấn và Hiệp hội vận tải cấp giấy chứng nhận là bình thường. Học lái xe người ta chỉ dạy cho anh kỹ năng điều khiển, sử dụng xe; còn kỹ năng giao tiếp với khách hàng, ngoại ngữ thì doanh nghiệp phải tập huấn. Đại diện cho doanh nghiệp là Hiệp hội. Hiệp hội không thu tiền rồi tổ chức tập huấn cho lái xe, hiệp hội cũng không kiểm tra từng lái xe một mà chỉ kiểm tra những nơi các doanh nghiệp tổ chức tập huấn và chủ doanh nghiệp cam kết là đã tổ chức tập huấn theo đúng tài liệu của Hiệp hội thì Hiệp hội sẽ cấp chứng nhận cho  lái xe. Anh kém, bảo đi học để nâng cao trình độ mà nói là gây phiền hà thì chịu. Đã là quy định mà anh không thực hiện thì chúng tôi sẽ phạt. Tới đây sửa đổi, bổ sung Nghị định 152 sẽ có chế tài.

* Quyết định mới này có khắc phục được tình trạng taxi "dù" đang rất phổ biến ở các thành phố lớn ?

- Mục đích của quyết định là nhằm đưa hoạt động kinh doanh taxi vào trật tự hơn, hạn chế tình trạng xe này. Nhưng theo tôi, phải có nhiều biện pháp mới khắc phục được tình trạng này, trách nhiệm của địa phương vô cùng quan trọng. Taxi "dù" hoạt động nhiều là do anh buông lỏng quản lý nhà nước, nếu các địa phương không vào cuộc tích cực thì không thể khắc phục được.

X.Toàn  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.