Trưng cầu ý kiến xã hội về đề án một kỳ thi quốc gia sau THPT

11/04/2007 23:34 GMT+7

Hôm qua 11.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT). Cùng đi với Thủ tướng có đại diện các bộ ngành liên quan. Tại đây, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị với Thủ tướng nhiềìu vấn đề và Thủ tướng đã đồng ý một số chủ trương quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo trong những năm tới.

Những kiến nghị mang tính đột phá

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có một báo cáo rất cụ thể với Thủ tướng về nhiệm vụ và giải pháp phát triển GD - ĐT năm 2007, kế hoạch đến năm 2010 và kiến nghị Chính phủ ủng hộ một số giải pháp của Bộ GD-ĐT. Để chăm lo và đầu tư  phát triển đội ngũ nhà giáo, Bộ đã kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giảng dạy đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS) và phê duyệt đề án đào tạo 20.000 TS giai đoạn 2007-2010 (Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 7.2007); phê duyệt đề án tăng lương cho đội ngũ nhà giáo giai đoạn 2007-2010 (trình Chính phủ trong tháng 4).

Để chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ đề nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương tổ chức một kỳ thi quốc gia nghiêm túc để xét tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm căn cứ để tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung học chuyên nghiệp (THCN) và dạy nghề. Để phát triển giáo dục ở các vùng khó khăn, Bộ GD-ĐT đã đưa ra sáng kiến xây dựng nhà công vụ cho giáo viên bằng cách kêu gọi mỗi giáo viên ở vùng thuận lợi ủng hộ một ngày lương. Theo tính toán của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì với cách làm này hoàn toàn có thể giải quyết được nhà ở cho giáo viên vùng khó khăn.

Đáng lưu ý là các giải pháp mà Bộ đề nghị liên  quan tới quá trình hội nhập quốc tế và thực hiện xã hội hóa giáo dục. Bộ mong muốn Thủ tướng ủng hộ việc triển khai đào tạo 10 chương trình tiên tiến của nước ngoài tại Việt Nam; cho phép tăng ngân sách hoặc bảo lãnh cho vay để xây dựng các đại học trọng điểm  và đại học đẳng cấp quốc tế. Đặc biệt, Nhà nước cần tập trung đầu tư cho khu vực miền núi; khu vực khó khăn; hình thành các quỹ học bổng, quỹ cho vay để học tập, đảm bảo cơ hội học tập cho mọi người; đầu tư cho sư phạm để phát triển giáo viên và không thu học phí của sinh viên sư phạm trong vòng 5 năm nữa... Một kiến nghị  quan trọng khác mà Bộ đưa ra là Chính phủ ban hành Nghị định về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao hiệu quả đào tạo và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính trong giáo dục và đào tạo.

Thanh niên được vay vốn để học nghề

Sau khi nghe ý kiến góp ý của các bộ, ban ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cơ bản đồng ý với đa số kiến nghị của Bộ GD-ĐT. Theo Thủ tướng, có hai nhiệm vụ mà Bộ GD-ĐT cần thực hiện là: tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý nhà nước, huy động mọi nguồn lực của xã hội để ngành giáo dục phát triển nhanh. Đồng thời Thủ tướng đã cho ý kiến cụ thể về các kiến nghị mà  Bộ GD-ĐT đã nêu.

Trao đổi với Bộ GD-ĐT, ông Cao Viết Sinh - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý: Theo chiến lược phát triển giáo dục đào tạo thì đến năm 2010 sẽ nâng số sinh viên (SV) lên 200/10.000 dân, nhưng đến năm 2006 mới chỉ đạt được 167 SV/10.000 dân, và đáng lưu ý là so với năm 2005 thì chỉ tăng được 1 sinh viên! Ông Sinh còn kiến nghị Bộ GD-ĐT nên quan tâm đến việc phải đào tạo các luật sư để giải quyết các tranh chấp quốc tế vì hiện nay nếu cần chúng ta đều phải thuê luật sư nước ngoài, có khi lại phải thuê luật sư của chính nước đang có tranh chấp với Việt Nam!

Về mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần phải quyết tâm làm được trong 3-4 năm nữa. Thủ tướng thông báo một tin vui:  Chính phủ đồng ý cho thanh niên vay vốn để học nghề và giới thiệu việc làm để năm 2010 có thể đạt được 50% lao động đã qua đào tạo nghề. Việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, Thủ tướng yêu cầu cần làm sao để tất cả các trường ĐH, CĐ đều phải quán triệt chủ trương này và gợi ý : cần nghiên cứu hướng đào tạo kỹ sư thực hành không phải là 4 năm mà có thể ngắn hơn. Thủ tướng cũng cho biết, Nhà nước sẽ hỗ trợ 40% các đối tượng học sinh thuộc các hộ nghèo và cận nghèo bằng cách cấp học bổng và cho vay học phí.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý với đề án đào tạo 20.000 TS nhưng lưu ý Bộ cần phải thống nhất phương án và lộ trình thực hiện để khi trình lên có thể thực hiện được ngay. Thủ tướng cũng nhất trí với việc triển khai 10 chương trình tiên tiến của nước ngoài tại 9 trường ĐH hiện nay và cho biết, Bộ có thể đề nghị cấp kinh phí cho việc làm giáo trình. Về đề án tăng lương cho giáo viên, Thủ tướng đồng ý và yêu cầu Bộ cần có những tính toán thiết thực cho phù hợp với thực tế.

Riêng kiến nghị của Bộ GD-ĐT về kỳ thi quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển vào ĐH, CĐ, THCN, Thủ tướng đặc biệt lưu ý: Bộ GD-ĐT phải có đề án cụ thể đưa ra hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội. Đề án này phải tính đến sự phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Thủ tướng nói: "Bộ GD-ĐT phải tính toán cho kỹ để đảm bảo tính khả thi và thiết thực, phải tính hết để khi thông báo ra là thực hiện được ngay."

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.