Đấu giá cổ phần doanh nghiệp: Những mức giá "không tưởng"

03/04/2007 23:04 GMT+7

Diễn biến tại các cuộc đấu giá cổ phần (CP) của các công ty hiện nay sôi động không kém thị trường chứng khoán. Kết thúc phiên đấu giá, có nhà đầu tư (NĐT) thắng, NĐT thua, cùng theo đó là những chuyện khó hiểu từ những mức giá.

Những mức giá "trên trời"

Ngày 2/4, Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán PPC, đang niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP.HCM) đấu giá hơn 41,66 triệu CP (tương đương 13,41% vốn điều lệ). Trước giờ đấu giá (14h), một số NĐT hớt hải chạy vội vào thùng phiếu đặt phía trong để bỏ phiếu vào thùng. Một số nhân viên ngăn lại với lý do thời gian nhận phiếu đấu giá của PPC đã kết thúc vào 15h ngày 30/3. Các NĐT này đã phản ứng đối với đại lý nhận phiếu đấu giá là Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Ông Triển, một NĐT bức xúc: "Tôi chỉ nhận được một phiếu tham dự đấu giá và một bì thư để bỏ phiếu của BVSC chứ không hề biết phải gửi phiếu trước 15h ngày 30/3. Tôi đặt mua 20.000 CP của PPC và tiền cọc lên đến 86 triệu đồng. Không lẽ tôi không được tham dự đấu giá mà còn mất số tiền cọc này".

Một NĐT nữ đứng bên cạnh cũng lo âu vì sợ mất 43 triệu đồng tiền cọc cũng bởi nghĩ đến ngày 2/4 mới bỏ phiếu vào thùng. Những NĐT này đều cho rằng BVSC và TTGDCK TP.HCM đã không thông tin minh bạch thời gian nhận phiếu khiến các NĐT phải chịu thiệt, không được tham gia phiên đấu giá và có thể bị mất tiền đặt cọc. Các phiên đấu giá khác trước đó, nhiều NĐT cũng "dở khóc dở cười" vì không nắm rõ lịch.

Kết thúc phiên đấu giá, có NĐT sẵn sàng bỏ đến 50 triệu đồng/CP để sở hữu CP của PPC, trong khi mức giá khởi điểm của PPC chỉ là 43.000 đồng/CP, mức giá giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày 2/4 là 78.000 đồng/CP. Do đó mức giá giao dịch bình quân lên 69.710 đồng/CP.

Không chỉ PPC, tình trạng các NĐT đặt mức giá cao "ngất trời" trong các phiên đấu giá xảy ra như "cơm bữa". Ngày 29/3, có NĐT sẵn sàng bỏ ra 56 triệu đồng/CP (!) để mua CP của Công ty thủy điện Thác Mơ, trong khi mức giá khởi điểm của CP này chỉ có 20.000 đồng/CP. Trước đó, tại phiên đấu giá CP Công ty nhiệt điện Bà Rịa cũng có NĐT bỏ ra 40 triệu đồng/CP, trong khi giá khởi điểm chỉ 15.750 đồng/CP và mức giá giao dịch bình quân của CP này cũng lên đến 78.528 đồng/CP. Cách đây không lâu, có NĐT đã đặt mua CP của Công ty bảo hiểm Dầu khí (PVI) 11,5 triệu đồng/CP, gấp... 1.000 lần so với mức giá khởi điểm là 11.500 đồng/CP, khiến giá giao dịch bình quân lên đến 160.250 đồng/CP... Trong "lịch sử" đấu giá CP, CP của Công ty kem KIDO được xem là "sáng giá" nhất khi NĐT đặt giá 80 triệu đồng/CP!

Nảy sinh bất cập

Những NĐT đặt mức giá cao khủng khiếp đã tạo ra nhiều nghi ngờ với các NĐT khác, bởi sau mức giá cao "không tưởng" là tình trạng "bỏ của chạy lấy người". Ông Vũ, NĐT tại BVSC cho biết: "Tôi tham gia nhiều phiên đấu giá CP các doanh nghiệp, nhưng dạo này thấy các NĐT đặt mức giá cao một cách khó hiểu. Chúng tôi nghi ngờ có người muốn đẩy giá giao dịch bình quân lên để khi bán CP cho các cán bộ công nhân viên (CBCNV) của công ty đó và NĐT chiến lược với giá cao hơn để hưởng giá trị thặng dư".

Theo quy định hiện nay, các công ty sẽ căn cứ vào giá giao dịch bình quân thành công để bán CP cho các CBCNV với mức giảm 40%; NĐT chiến lược với mức giá giảm 20%. Ông Lê Nhị Năng, Phó giám đốc TTGDCK TP.HCM cho rằng: "Những NĐT đặt mức giá cao như vậy hầu hết là bỏ nhầm giá. Có thể những NĐT mới tham gia đấu giá nên thay vì ghi mức giá cần mua thì họ lại ghi tổng số tiền cần mua. Còn chuyện NĐT đặt giá cao nhằm mục đích đẩy giá giao dịch bình quân lên và công ty phát hành thu lợi từ việc bán cho CBCNV, NĐT chiến lược với mức giá cao là khó xác định, bởi hầu hết những NĐT này không thực hiện giao dịch, bỏ tiền cọc. Khi NĐT không thực hiện giao dịch thì mức giá này cũng sẽ bị loại ra để tính lại mức giá bình quân".

Theo quy định tại Thông tư 95 của Bộ Tài chính ngày 12/10/2006, sau khi đấu giá đợt 1, số lượng CP còn lại dưới 30% mà NĐT không mua sẽ tổ chức đấu giá lần 2. Giá khởi điểm của đợt đấu giá lần 2 là mức giá bình quân của đợt 1 (bao gồm cả mức giá mà NĐT bỏ không mua). Giá đấu thành công bình quân thực tế để làm căn cứ xác định giá ưu đãi cho người lao động và cổ đông chiến lược được tính trên cơ sở giá, số lượng CP của NĐT thực tế mua.

Thực tế vừa qua, có trường hợp PVI phải tổ chức đấu giá lần 2 với hơn 1,89 triệu CP - là số CP mà NĐT bỏ không mua sau đợt đấu giá lần 1. Số tiền cọc mà NĐT bỏ lên hơn 2,1 tỉ đồng. Mức giá bình quân của đấu giá đợt 1 được xác định cho mức giá khởi điểm của đợt 2. Chính vì vậy mà mức giá bình quân của PVI trong phiên đấu giá lần 2 lên đến 173.364 đồng/CP. Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, quy định này không hợp lý bởi nhiều NĐT đã bỏ không thực hiện giao dịch trong đấu giá đợt 1 thì ban tổ chức cũng nên tính lại phần giá giao dịch bình quân thực tế để làm mức giá khởi điểm đợt 2.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.