Bỏ thi đại học là cần thiết nhưng phải có lộ trình

01/04/2007 00:35 GMT+7

Lộ trình bắt buộc" đó chính là sự nghiệp chấn hưng một nền giáo dục bao năm nay đã quá nệ vào thi cử nhưng lại chưa bao giờ thực hiện được nghiêm túc các kỳ thi ở các cấp học phổ thông.

Việc các trường đại học hiện nay không thể "nhắm mắt tin cậy" vào các kỳ thi, nhất là kỳ thi tốt nghiệp PTTH là có lý do xác đáng. Còn nhớ cách đây mấy năm, khi Bộ GD-ĐT chủ trương tuyển thẳng vào đại học những học sinh "đạt tổng điểm giỏi" lớp 12 và có kết quả "giỏi" ở kỳ thi tốt nghiệp PTTH, thì ở rất nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng "chạy điểm tổng kết, chạy điểm thi tốt nghiệp" để có kết quả "giỏi" đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học.

Sau mấy năm tiến hành chủ trương này, nhận rõ những bất cập, Bộ GD-ĐT đã phải bỏ kiểu xét tuyển trên. Nay, trong khi chưa chuẩn bị đủ điều kiện để có những "kết quả thực" ở các cấp học, cũng chưa đủ điều kiện để "nói không" với những tiêu cực đủ loại trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH, mà vội tuyên bố đến năm 2009 sẽ "bỏ kỳ thi đại học" nhằm giảm bớt tốn kém cho học sinh cả nước, tôi nghĩ, các em học sinh có "thực học" trong cả nước chưa chắc đã mừng. Dù những cuộc "vượt vũ môn" trong kỳ thi đại học hằng năm đối với các em không chỉ là tốn kém tiền gia đình, mà thực sự là những thử thách vô cùng vất vả.

Bởi tuy phải khổ nhọc tốn kém như vậy, nhưng bù lại, những học sinh thi đỗ đại học cơ bản là những học sinh có khả năng theo được chương trình đại học. Mô hình "hình tháp" trong giáo dục từ PTTH lên đại học ở nhiều nước phát triển là mô hình ưu việt. Nhưng để có "mô hình ưu việt" ấy, người ta đã bắt đầu rèn luyện ý thức thực học cho học sinh ngay từ lớp 1, cấp 1. Nghĩa là người ta phải "tạo nền", tạo cái phần "đế tháp" cho vững trước khi nghĩ đến việc thu kết quả từ "đỉnh tháp". Chúng ta đã tạo nền, đã xây "đế tháp" giáo dục phổ thông như thế nào trong bao năm nay?

Việc thầy giáo Khoa tố cáo kỳ thi tốt nghiệp PTTH gian lận ở một trường Hà Tây, khởi đầu cho phong trào "nói không với tiêu cực trong thi cử", thực ra, chỉ là trường hợp tình cờ, nằm ngoài dự kiến của Bộ GD-ĐT, và buồn thay, chỉ là một trong vô vàn những trường hợp vẫn xảy ra đều đều mỗi kỳ thi tốt nghiệp PTTH hằng năm ở nhiều địa phương trong cả nước. "Kính thưa các bác... chưa bị lộ" là câu nói đùa rất đắng mà các thầy cô giáo coi thi vẫn nói truyền nhau ở mỗi kỳ thi.

Về mặt nào, khi nhìn những "lớp chưa ra lớp, trường chẳng ra trường" ở những vùng sâu vùng xa, các thầy cô giáo khi coi thi đã không nỡ "xuống tay" quá nặng với những em học sinh mà họ biết, nếu "ngang ngay sổ thẳng" chúng sẽ không bao giờ có được tấm bằng PTTH. Mà gia đình các em lại rất nghèo, và các em lại rất cần tấm bằng tuy chưa đánh giá đúng thực học ấy để làm chứng chỉ đầu tiên vào đời. Vì bây giờ, dù là xin đi học lớp công nhân ngắn ngày, người ta cũng đòi phải có bằng tốt nghiệp PTTH. Những lúng túng của Bộ GD-ĐT trước thực trạng này, theo tôi, có thể phần nào thông cảm được.

Dĩ nhiên, rồi phải tiến tới bỏ kỳ thi vào đại học có nhiều bất hợp lý và rất tốn kém như lâu nay, nhưng bỏ vào lúc nào, và trước khi bỏ phải làm những gì để những kết quả qua các năm học của học sinh là trung thực, và kỳ thi tốt nghiệp PTTH là thật sự nghiêm túc với kết quả tin cậy được. Tất cả những điều ấy đều phải làm và phải làm quyết liệt, nhưng không thể xong trong vài năm tới. Vì thế, trước đề án "bỏ kỳ thi vào đại học" được đưa ra một cách khá bất ngờ, nhiều người, cả những người trong ngành giáo dục, đã không tin là chúng khả thi. Rút kinh nghiệm từ những quyết định có phần vội vàng trước đây, có lẽ ngành giáo dục mà cao nhất là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên xác lập một lộ trình tin cậy, một lộ trình bắt buộc để tiến tới quyết định quan trọng này.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.