"Đập vỡ" chuỗi cửa hàng

14/03/2007 22:02 GMT+7

Trong 4 năm, một cô gái 24 tuổi đã gầy dựng nên một chuỗi 8 cửa hàng đồ trang sức handmade. Nhiều người trẻ nhìn vào đó tưởng đó là thành công lớn của cô. Bỗng một ngày, cô đóng cửa cả chuỗi 8 cửa hàng...

Trong khi hàng ngàn sinh viên sôi nổi tham dự các buổi ghi hình chương trình Làm giàu không khó - Đường tới thành công ở TP Hồ Chí Minh thì tại Hà Nội, cuộc thi quý chương trình Làm giàu không khó phát trên truyền hình vào tối 13.3 vừa qua cũng cực hot với những diễn biến kịch tính.

Bốn đội MFO Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội; MFO Bách khoa Hà Nội; MFO Kinh tế - ĐH Huế và MFO Ngân hàng TP.HCM đã có cuộc đấu trí căng thẳng đến phút cuối cùng. Kết thúc phần thi thứ hai mang tên Kế sách làm giàu, chỉ còn hai đội là MFO Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và MFO Kinh tế - ĐH Huế và tỷ số hai bên là: MFO Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội: 10 quả trứng vàng và MFO Kinh tế - ĐH Huế: 9 quả trứng vàng Columbus. Vào vòng thi cuối mang tên Rubic Ý tưởng, tình huống được đưa ra là một cô chủ trẻ có trong tay 8 cửa hàng trang sức đang gặp khủng hoảng:

Đầu năm 2001, trang sức handmade lên ngôi. Những đôi hoa tai gỗ, những chuỗi vòng gốm, những dây cổ to bản làm từ đá... đang tạo nên cơn sốt. Cô sinh viên Hà Nội Phạm Thị Lan Hương (SN 1982 ) cũng bị cuốn theo cơn lốc ấy.

Sau vài tháng chuẩn bị, cô mở cửa hàng trang sức handmade mang thương hiệu Phên Vàng ở phố Bà Triệu vào tháng 4.2001. Hai tháng sau, cô mở thêm một cửa hàng ở phố Lý Quốc Sư. Kinh doanh gặp thời, cửa hàng tấp nập, doanh số bán hàng tăng mạnh, Hương quyết định mở rộng kinh doanh. Sau 3 tháng, cô khai trương của hàng thứ 3, rồi thứ 4 tại các phố chính trên đất Hà thành.

Phên Vàng phát triển mạnh, Hương tìm kiếm chất liệu mới để làm đồ trang sức độc đáo nhằm mở rộng thị phần. Qua những lần nhập hàng, xuất hàng đi Hàn Quốc, Hương mạnh dạn liên kết với đối tác Hàn Quốc mở ra chuỗi cửa hàng Trang sức Hàn Quốc Light chuyên làm đồ trang sức bằng bạc và hợp kim.

Hệ thống Light cũng được nhân rộng với một tốc độ chóng mặt và gần như song song với Phên Vàng. Năm 2004, Hương có trong tay 8 cửa hàng trang sức - điều mà chính cô trước đó cũng không ngờ đến.

Tưởng rằng công việc sẽ ngày càng thuận lợi, doanh thu sẽ tỷ lệ thuận với quy mô của chuỗi cửa hàng, tuy nhiên chính Hương cũng không ngờ...

8 cửa hàng nhỏ lẻ khiến cho bộ máy quản lý cồng kềnh, chi phí lớn. Cô nhận ra rằng mình đã quá nóng vội khi mở các shop mới trong khi vốn không nhiều, nay lại bị phân tán khiến vốn lưu động luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Khó khăn chồng chất khi thương hiệu Phên Vàng bị vi phạm, trào lưu trang sức handmade đã lên đến đỉnh và sớm muộn sẽ đi vào thoái trào.

Theo bạn, Hương phải làm gì trong thời điểm này?

Tại trường quay, 10 phút chuẩn bị cho mỗi đội MFO đưa ra giải pháp giúp Hương. Một game nhập vai đòi hỏi những người chơi phải hết sức nhạy bén, trong thời gian cực ngắn, họ phải là những chuyên gia phân tích tình hình đưa ra ý tưởng giải quyết khó khăn của Hương.

Đội MFO Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội: Hương nên giảm số lượng cửa hàng, cải tiến hệ thống để đi theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời, cô nên mời thêm một số người quản lý để nâng cao năng lực quản lý. Hương nên đẩy mạnh thương hiệu và đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp nhu cầu thị trường, tránh sự thoái trào của trào lưu handmade.

Đội MFO Kinh tế - ĐH Huế: Hương nên đa dạng hóa sản phẩm, và đa dạng hóa hình thức bán hàng để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ. Bên cạnh đó, cô nên sáp nhập các cửa hàng để hạn chế sự phân tán về vốn và quản lý. Hương nên đăng ký thương hiệu sản phẩm để bảo vệ thương hiệu.

Giải pháp của Hương: Cô nhận thấy kinh doanh lâu dài đòi hỏi một phương thức thực sự bài bản. Đầu năm 2005, mặc dù rất tiếc công sức gầy dựng, Hương đi đến một quyết định táo bạo là đóng cửa cả 8 cửa hàng.

Sau một thời gian, Hương lập ra cửa hàng trang sức Scent Sun để bắt đầu một kế hoạch dài hơi. Cô đầu tư cửa hàng đạt đến sự quy chuẩn: từ bài trí, đào tạo đội ngũ nhân viên, thiết kế logo, phát triển thương hiệu. Đây là những bước đi vững chắc đầu tiên trong chiến lược xây dựng hệ thống Scent Sun theo mô hình nhượng quyền kinh doanh của Hương.

Phạm Thị Lan Hương đã có một cửa hàng ở Phố Huế, một cửa hàng được nhượng quyền ở thành phố Huế và một cửa hàng nữa ở Hà Nội sẽ khai trương trong tương lai gần... Hương bảo: "Giờ đây tôi có thể tập trung cho cửa hàng của mình thay vì việc chạy như con thoi đến các điểm bán hàng. Một mô hình nhượng quyền thương hiệu đang được triển khai chậm nhưng chắc. Phải "đập vỡ" chuỗi cửa hàng do mình tạo ra cũng xót xa lắm, nhưng phải quyết tâm thôi, nếu còn để tình trạng phân tán kéo dài, tôi sẽ không thể phát triển bền vững".

H.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.