Nghịch lý từ giá nhân công rẻ?

14/03/2007 00:24 GMT+7

Tiêu đề này tưởng như mâu thuẫn với chủ trương nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm khi đưa đi xuất khẩu ở nước ngoài hoặc chiến thắng hàng hóa nước ngoài nhập khẩu khi tiêu thụ ở trong nước? Tiết kiệm chi phí sản xuất nói chung và chi phí nhân công nói riêng là yếu tố cơ bản nhất để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm ở nước ta.

Tiêu đề này tưởng như mâu thuẫn với xu hướng tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngoài nhiều mục tiêu khác có mục tiêu về lợi nhuận thu được từ giá nhân công rẻ.

Tiêu đề này cũng tưởng như mâu thuẫn với thực tế là nước ta có nguồn lao động đông (tới 43,5 triệu người), hằng năm vẫn còn tăng trên dưới 1 triệu người, số lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 4,4%, tỷ lệ thời gian chưa được sử dụng ở nông thôn lên đến 20%, quy ra tỷ lệ thất nghiệp chung ở nước ta lên đến trên 10%; nếu có trợ cấp thất nghiệp, thì tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ còn cao hơn nữa. Tình hình trên tạo sức ép làm cho giá nhân công rẻ và một phần cũng là vấn đề có tính quy luật trong kinh tế thị trường.

Thực ra, tiêu đề trên không có gì mâu thuẫn, mà cả ba vấn đề trên giống như là một vế của nghịch lý. Vế khác được biểu hiện ở mấy vấn đề sau đây.

Thứ nhất, ở đầu ra, do dùng lao động giá rẻ, nên giá bán thường thấp hơn giá của hàng hóa cùng loại sản xuất ở nhiều nước nhập khẩu. Khi lượng xuất khẩu chưa đủ lớn thì chưa có vấn đề xảy ra, nhưng khi khối lượng xuất khẩu đã tăng lên, đủ độ lớn mà người sản xuất ở những nước này cảm thấy bị cạnh tranh, bị giảm thị phần, thì hiệp hội của họ sẽ khởi kiện để Chính phủ nước họ áp thuế chống bán phá giá nhằm ngăn chặn, hạn chế hàng xuất khẩu của ta.

Việt Nam đã từng mấy lần bị kiện phá giá, hết cá tra, cá basa, lại đến tôm, đến xe đạp, đến mũ da giày... gây ra bao nhiêu thiệt hại cho người sản xuất, nhất là những người sản xuất vừa mới vay vốn lập nghiệp chưa trả hết nợ! Việt Nam còn phải dự phòng trước cuộc kiện và áp thuế chống bán phá giá đối với hàng dệt may từ Mỹ, nếu xảy ra thì còn thiệt hại hơn cả việc áp hạn ngạch trước đây. Mặc dù Việt Nam có vị thế mới sau khi đã trở thành thành viên WTO, nhưng vẫn còn hạn chế nhiều về kiến thức luật của các nước thành viên WTO, về kinh nghiệm theo đuổi các vụ kiện, chi phí tốn kém liên quan đến việc thu thập thông tin để chứng minh là không bán phá giá...

Thứ hai, ở đầu vào cũng gây ra thiệt hại nhiều mặt. Một mặt, thu nhập của người lao động bị thấp, làm cho mức sống thấp, khó thoát được nghèo, tích lũy thấp sẽ khó mà vươn lên làm giàu; làm cho sức mua có khả năng thanh toán của dân cư thấp, tác động trực tiếp đến sản xuất của doanh nghiệp. Mặt khác, do thu nhập thấp, các điều kiện về lao động không được bảo đảm, tình trạng lao động tự phát đình công diễn ra khá phổ biến và nghiêm trọng, gây thiệt hại cho cả người lao động, cho cả chủ doanh nghiệp, gây lúng túng cho các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, đến tăng trưởng kinh tế chung.

Như vậy, nếu ép giá lao động ở trong nước sẽ gây thiệt hại kép cả ở đầu vào, cả ở đầu ra, tác động không tốt tới tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Từ các nghịch lý trên, cần phải xem xét lại quan điểm coi giá nhân công rẻ là một lợi thế, từ đó các chủ doanh nghiệp ra sức ép giá nhân công xuống để thu lợi cho mình; các doanh nghiệp xuất khẩu ra sức ép giá thu mua để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mình hoặc hạ giá để tranh bán ở nước ngoài.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.